Thứ Năm, 01/05/2014 14:13

Xăng dầu vẫn chưa theo thị trường

Có thêm tầng nấc thương nhân phân phối, cho doanh nghiệp quyết định việc tăng, giảm giá bán lẻ trong một khoảng nhất định... các cơ quan quản lý muốn chứng tỏ cho người tiêu dùng thấy rằng họ đang cố gắng thị trường hóa mặt hàng xăng dầu. Thế nhưng, bấy nhiêu lại là chưa đủ, nếu không muốn nói chỉ là hình thức.

Đầu tiên, nói về chuyện hệ thống phân phối. Trong dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới nhằm thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP có hiệu lực từ cuối năm 2009 đến nay, Bộ Công Thương bổ sung thêm hai hình thức phân phối xăng dầu mới là phương thức mua đứt bán đoạn và nhượng quyền thương mại. Tương ứng với hai phương thức này là đối tượng thương nhân phân phối xăng dầu và thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu.

Các cơ quan quản lý muốn chứng tỏ cho người tiêu dùng thấy rằng họ đang cố gắng thị trường hóa mặt hàng xăng dầu

Giải trình với Chính phủ, Bộ Công Thương cho rằng, việc bổ sung thêm hai hình thức phân phối này nhằm đa dạng hóa kênh phân phối, tăng tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để qua đó, người tiêu dùng được phục vụ tốt hơn, mua hàng với mức giá cạnh tranh hơn. Một điểm đáng chú ý là thương nhân phân phối xăng dầu còn được xây dựng, quy định giá bán lẻ trong hệ thống phân phối của mình nhưng không cao hơn giá cơ sở mà cơ quan điều hành công bố.

Đến thời điểm hiện tại, mọi thứ vẫn nằm trên dự thảo nên chưa thể biết mong muốn của Bộ Công Thương được hiện thực hóa ra sao. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra lâu nay là cả nước hiện có 17 thương nhân đầu mối xăng dầu (có quyền xuất nhập khẩu, phân phối) nhưng hơn 50% thị phần đang nằm trong tay doanh nghiệp đầu ngành Petrolimex. Petrolimex cũng có số lượng cửa hàng, đại lý trực thuộc lớn nhất với hơn 2.200 điểm (trong khi tổng số đại lý trên toàn quốc theo Bộ Công Thương là 4.200 đại lý). Lâu nay, việc tăng giảm giá ra sao, như thế nào, các doanh nghiệp đầu mối khác hầu như đều nhìn vào động thái của “anh cả”. Vì vậy, như nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, “nút thắt” lớn nhất này của thị trường xăng dầu Việt Nam chưa được tháo thì dù có thêm thương nhân đầu mối (như đang diễn ra lâu nay) hay có thêm hình thức phân phối (như đang dự định) vẫn khó có thể làm thị trường cạnh tranh hơn.

Thứ hai, nói về cách tính giá bán lẻ. Dự thảo mà Bộ Công Thương trình lên Chính phủ hồi đầu tháng 1 quy định, giá thế giới để tính giá cơ sở (làm cơ sở tính giá bán lẻ trong nước) là giá bình quân của 15 ngày đầu trong chu kỳ dự trữ lưu thông 30 ngày của doanh nghiệp. Lâu nay giá cơ sở được tính bằng giá bình quân của 30 ngày, như chu kỳ dự trữ. Cách tính này không nhận được sự đồng tình của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư bởi như vậy sẽ làm giá bán lẻ trong nước không bám sát diễn biến giá thế giới, lại tiếp tục xảy ra tình trạng giá thế giới giảm, giá trong nước tăng như lâu nay. Hai bộ này đề nghị Bộ Công Thương lấy giá bình quân của 15 ngày sát với ngày tính giá, vừa giải quyết được câu chuyện giá trong nước phản ánh chính xác giá thế giới, vừa để doanh nghiệp tự cân đối và bù trừ khi giá thế giới lên, xuống đúng kiểu “làm ăn có lúc này lúc khác”. Nhưng, Bộ Công Thương trong tờ trình gửi Chính phủ vẫn bảo lưu quan điểm này với lý lẽ, việc lấy chu kỳ tính giá trên cơ sở bình quân 15 ngày đầu của chu kỳ dự trữ lưu thông bắt buộc phù hợp với thực tế kinh doanh của thương nhân đầu mối là mất từ 7-15 ngày cho mỗi chuyến hàng từ khâu nhập khẩu đến đưa hàng về kho, tồn trữ. Đồng thời, làm như vậy Nhà nước không phải bỏ ngân sách ra chi trả cho doanh nghiệp đầu mối khi dự trữ xăng dầu.

Thế nhưng, trao đổi với TBKTSG, một số doanh nghiệp đầu mối lại tỏ ra bất ngờ trước thông tin “Nhà nước phải bỏ ngân sách ra chi trả cho doanh nghiệp đầu mối khi dự trữ xăng dầu” mà Bộ Công Thương đề cập. Theo doanh nghiệp, việc dự trữ lưu thông là yêu cầu bắt buộc và họ phải tự thực hiện để đảm bảo cung cầu hàng hóa và hoàn toàn không có chuyện được nhận tiền để làm việc này. Việc dự trữ lưu thông bắt buộc hoàn toàn tách biệt và khác hẳn với dự trữ quốc gia mà Chính phủ giao cho một số đơn vị, cơ quan thực hiện (có quy định riêng). Các doanh nghiệp cũng cho rằng, chuyện hàng về trễ, về sớm như Bộ Công Thương dẫn ra cũng không hợp lý bởi lẽ bản thân các đơn vị sẽ được bù trừ qua lại khi giá thế giới biến động. Nếu ở thời điểm họ đặt hàng giá rẻ nhưng khi hàng về đến nơi giá lại tăng thì doanh nghiệp lời và ngược lại.

Xem ra, kỳ vọng về một thị trường xăng dầu Việt Nam theo cơ chế thị trường (dù có sự quản lý của Nhà nước) vẫn còn xa!

Minh Tâm

tbktsg

Các tin tức khác

>   TPHCM: Giá gas tăng 8.000 đồng/bình 12kg từ 1.5 (30/04/2014)

>   Dầu tăng liền 2 phiên chờ số liệu nguồn cung từ EIA (30/04/2014)

>   Dầu tăng sau hình phạt mới nhất đối với Nga (29/04/2014)

>   ĐHĐCĐ MTG: Quyết tâm thu hồi công nợ và kiểm soát chiết lậu gas (28/04/2014)

>   Thủ tướng đồng ý việc truy thu thuế xăng dầu (28/04/2014)

>   Đưa xăng sinh học vào sửng dụng theo lộ trình: Tiến thoái lưỡng nan (28/04/2014)

>   Nghịch lý: Giá xăng dầu đắt vì quỹ bình ổn (27/04/2014)

>   Dầu chứng kiến tuần lao dốc mạnh nhất từ giữa tháng 3 (26/04/2014)

>   Bắt buộc công khai cấu thành giá điện, xăng dầu (25/04/2014)

>   Dầu hồi sinh từ đáy 2 tuần lên sát 102 USD/thùng (25/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật