Tiền chi cho giáo dục xài không hết
* Dư gần 8.800 tỷ đồng ngân sách dành cho giáo dục năm 2012
Báo cáo kiểm toán ngân sách năm 2012 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi lên Quốc hội. Theo đó, chi ngân sách nhà nước, dự toán Quốc hội giao 903.100 tỷ đồng, quyết toán 978.463 tỷ đồng, vượt 8,3%, tương đương 75.363 tỷ đồng so với dự toán. Đáng chú ý là một số khoản chi cho đầu tư lâu dài như GD-ĐT và dạy nghề không xài hết tiền, trong khi chi cho quản lý hành chính, thể thao lại vượt dự toán. Cụ thể, chi sự nghiệp GD-ĐT và dạy nghề 127.136 tỷ đồng, bằng 93,5% dự toán, số còn lại 8.785 tỷ đồng. Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
* Phóng viên: Giáo dục luôn kêu thiếu tiền nhưng lại chi không hết tiền là một thông tin đáng chú ý. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
* Ông ĐÀO TRỌNG THI: Theo tôi, cần phải phân tích rõ nguyên nhân chi cho giáo dục, y tế, và một số lĩnh vực xã hội không đạt. Có thể do việc phân bổ kinh phí cụ thể, đặc biệt ở các địa phương; tiến độ phân bổ chậm trễ… Tôi không tin rằng y tế, giáo dục không cần tiền. Ví dụ như giáo dục, nhiều địa phương chi cho lương và các khoản theo lương chiếm tới 90%, thậm chí 95%, không còn chút nào chi cho hoạt động giáo dục. Cho nên, chi không hết tiền thì không phải không cần tiền. Chính phủ cần phải phân tích rõ và khắc phục ngay vấn đề này, để làm sao tiền phân bổ cho giáo dục, y tế, văn hóa… đã quá ít ỏi rồi thì không bị cản trở hoặc cắt xén trong quá trình sử dụng.
Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ quận 4, TPHCM với cơ sở vật chất mới đưa vào sử dụng đầu năm học 2013-2014
|
* Theo ông, nguyên nhân khiến các lĩnh vực đang rất cần tiền lại chi không hết tiền là gì?
* Có thể do quá trình phân bổ ngân sách thực hiện không nghiêm túc. Nhiều địa phương cắt xén đưa vào các khoản khác. Hoặc ngân sách cung cấp quá chậm, không xài kịp. Có thể có những quy định cản trở việc chi tiêu... Dù là nguyên nhân gì thì tôi chắc chắn một điều, giáo dục, y tế cần nhiều tiền hơn thế chứ không phải chỉ cần ở mức độ như vậy. Không thể nói rằng 2 lĩnh vực này không xài hết tiền, vì đây đều là những lĩnh vực còn rất nhiều khó khăn.
* Việc chi ngân sách trong cơ sở giáo dục hiện nay cơ bản dành cho lương, còn các hoạt động giáo dục gần như không có. Theo ông có cần cơ cấu lại không?
* Chính phủ đã có quy định, đối với các trường phổ thông thì chi ngân sách cho lương và theo lương không vượt quá 50% và phải dành ít nhất 20% chi cho hoạt động giáo dục. Nhưng trên thực tế trong 4 - 5 năm qua, chúng ta không thực hiện được. Nhưng cơ cấu lại thì cũng không được. Vì lương giáo viên không thể giảm được, bởi lương của các thầy cô đã quá thấp. Tôi cho rằng Chính phủ phải điều chỉnh để thực hiện đúng quy định do Chính phủ đề ra là không được chi quá 50% cho lương và theo lương. Mà nếu ít hơn thì Chính phủ bù vào hoặc bằng nguồn nào đó phải bù vào. Tôi nói ở đây không có nghĩa là cắt giảm lương của các thầy cô, vì họ đã nhận được quá ít rồi.
* Có thể tăng thêm ngân sách cho giáo dục được nữa không, thưa ông?
* Bây giờ mà yêu cầu nhà nước phải tăng thêm quá 20% tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục cũng khó. Vì như hiện nay, nhà nước và xã hội đã rất cố gắng rồi. 20% dành cho giáo dục - đào tạo cũng là một sự ưu tiên. Bởi vậy, bây giờ chỉ còn cách thực hiện theo 2 hướng, thứ nhất phải rà soát lại phần 20% chi cho GD-ĐT đó có sử dụng hợp lý không. Cần phải điều chỉnh theo hướng không dàn trải, bình quân nữa, mà phải tập trung vào những mục tiêu ưu tiên. Ví dụ, ngân sách nên ưu tiên đối với những vùng khó khăn, cấp học phổ cập, các đối tượng chính sách, đồng bào thiểu số, người nghèo…. Còn những trường hợp khác cũng không nên đầu tư bình quân như hiện tại. Hướng thứ hai là phải xã hội hóa giáo dục mạnh mẽ.
Bây giờ đời sống nhân dân đã được nâng lên, chúng ta không nên cứ bình quân mãi. Xã hội có nhiều mức độ thu nhập khác nhau thì chúng ta nên đáp ứng yêu cầu của từng bộ phận nhân dân. Nhà nước hỗ trợ, bao cấp người ta chưa chắc đã tốt bằng việc đáp ứng được yêu cầu của họ. Nhiều gia đình có thu nhập cao, có điều kiện, muốn con họ được học ở môi trường tốt, được học chương trình giáo dục chất lượng, thậm chí họ còn gửi con đi học ở nước ngoài dù học phí rất đắt. Tức là họ không cần nhà nước phải bao cấp cho con cái họ. Cái họ cần là chất lượng giáo dục tốt. Nên nếu chúng ta đáp ứng được nhu cầu của họ còn quý hơn việc hỗ trợ cho họ vài chục ngàn đồng học phí/tháng. Vài chục ngàn đồng với con nhà nghèo rất quý nhưng con nhà giàu lại không cần. Họ cần nhà nước tạo cho con cái họ những điều kiện tốt nhất và họ sẵn sàng chi trả để hưởng các dịch vụ giáo dục tốt hơn. Bởi vậy, tôi cho rằng, giáo dục cũng phải theo hướng đáp ứng nhu cầu của nhân dân theo tinh thần tự nguyện.
Trong mấy ngành cần xã hội hóa gồm giáo dục, y tế, văn hóa… thì giáo dục thực hiện mạnh mẽ, tốt hơn cả, vì ở đó cũng là lĩnh vực bức bách hơn cả. Thế nhưng, xã hội hóa giáo dục làm được còn rất ít. Các cơ chế, chính sách cũng còn nhiều bất cập nên chưa đạt hiệu quả cao. Thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh xã hội hóa hơn để người dân có điều kiện tham gia phát triển giáo dục nhiều hơn. Cũng như để người dân được hưởng các dịch vụ giáo dục tốt hơn, dù là trên cơ sở người ta tự chi trả phần của mình.
* Xin cảm ơn ông!
Lâm Nguyên
sài gòn giải phóng
|