Thoái vốn ngoài ngành: Chậm, nhưng phải chắc
Chỉ đạo UBND TP.HCM về CPH DNNN, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo, thoái vốn không có nghĩa là làm một cách ồ ạt, mà phải có lộ trình phù hợp, làm chậm, nhưng phải chắc…
Hoạt động sản xuất công nghiệp tại TP.HCM tiếp tục tăng trưởng ổn định và phục hồi. Ảnh: Hoàng Hải
|
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà, việc thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang thực hiện những bước đầu do đề án tái cơ cấu mới được phê duyệt vào cuối năm 2013.
Việc thoái vốn sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện trong năm 2014 và năm 2015. Số vốn đã thoái trong năm 2013 tại 14 tổng công ty, công mẹ con, giá trị theo sổ sách là 30,19 tỷ đồng, giá trị thực tế là 30,799 đồng. Như vậy, khoản lãi khi thoái vốn được trên 609 triệu đồng. Dự kiến trong năm 2014, giá trị thoái vốn của các DN gần 1.500 tỷ đồng.
Về thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, l4 lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, theo ông Lê Mạnh Hà, trong năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014, đã có 5 tổng công ty mẹ -con (Tổng công ty Công nghiệp in bao bì Liksin; Tổng Công ty Du lịch sài Gòn; Tổng công ty Bến Thành, Tổng công ty địa ốc Sài Gòn và Công ty SJC) thoái vốn tại 7 DN đầu tư, với tổng giá trị thoái vốn 126,196 tỷ đồng. Về thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết, trong năm 2013, chỉ có Công ty CP phát triển hạ tầng Sài Gòn thoái 50% vốn, tương ứng 7,098 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2014, 3 DN đã thực hiện thoái vốn trên 38 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM về thực hiện thoái vốn, nhiều đơn vị trong danh mục thoái vốn của các tổng công ty, công ty gặp khó khăn trong việc tìm đối tác mua, nhượng lại cổ phần, đặc biệt là các công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng kí giao dịch trên trên sàn, do đó tiến độ thoái vốn còn chậm. Các đề án tái cơ cấu được phê duyệt từ quý IV-2013 nên các DN cần có thời gian tìm đối tác chuyển nhượng. Thủ tục chuyển nhượng đối với các công ty cổ phần, chưa niêm yết hoặc chưa giao dịch trên sàn Upcom còn phức tạp, phải thực hiện theo quy trình, phương thức tại Thông tư 204/2012/TT-BTC và Thông tư 220/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Cuối tháng 5-2014, UBND TP.HCM sẽ ban hành văn bản giao các DN căn cứ đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt để chỉ đạo xây dựng kế hoạch-tiến độ hoặc phương án thoái vốn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để các DN có cơ sở thực hiện đảm bảo hoàn thành trước 31-12-2015, đảm bảo tiến độ, báo cáo định kỳ hàng quý với Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, UBND TP.HCM đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho UBND TP.HCM được chủ động điều chỉnh DN CPH theo hướng tích cực, đó là các DN thuộc diện CPH sau năm 2015 có đủ điều kiện sẽ đưa vào đối tượng CPH trong năm 2015, sau đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. TP.HCM được thành lập quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN TP.HCM nhằm quản lý tập trung, thống nhất có hiệu quả các nguồn thu từ phần vốn Nhà nước góp tại các DN, bao gồm cả các nguồn thu từ quá trình sắp xếp DN 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành sản xuất, kinh doanh chính trường hợp thoái dưới mệnh giá) để các DN có cơ sở thực hiện việc thoái vốn theo đúng kế hoạch đến năm 2015.
Chia sẻ với TP.HCM về những khó khăn trong thoái vốn của các DN TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, thực ra các DN đầu tư ngoài ngành không phải là sai, nhưng do chưa có hướng dẫn đầy đủ, nên có hiện tượng đầu tư tràn lan, đầu tư theo phong trào nên khi có sự cố, không giải quyết, xử lý được. Việc thoái vốn không có nghĩa là làm một cách ồ ạt mà phải có lộ trình phù hợp vì có những trường hợp càng để càng lỗ nên phải thoái vốn ngay, những trường hợp nào để được thì có thể làm từ từ.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà:
Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN, UBND TP.HCM chỉ đạo các tổng công ty, công ty tập trung đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chính, thế mạnh của đơn vị. Trên cơ sở đó, UBND TP.HCM chỉ phê duyệt tăng vốn điều lệ cho các DN đối với các Danh mục đầu tư nằm trong lĩnh vực kinh doanh chính giai đoạn 2013-2015. Đồng thời, tiếp tục giao các Tổng công ty, công ty đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo đề án đã phê duyệt. Hiện một số DNNN thuộc UBND TP.HCM đã thoái vốn ngoài ngành về lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng giảm 1,8 tỷ dồng; lĩnh vực quỹ đầu tư giảmtrên 5,2 tỷ đồng, lĩnh vực bảo hiểm chưa DN nào thoái vốn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh:
Tất cả 14 ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở chính trên địa bàn TP.HCM đã có phương án tái cơ cấu và 11 ngân hàng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt phương án tái cơ cấu. Các ngân hàng đã được phê duyệt hiện đang triển khai thực hiện. 3 ngân hàng còn lại, do HDBank đã mua lại Công ty tài chính SGVF và sáp nhập với ngân hàng Đại Á, còn ngân hàng Phương Nam đã được ngân hàng Nhà nước chấp thuận về chủ trương sáp nhập vào Sacombank nên các ngân hàng này phải xây dựng lại phương án tái cơ cấu khác để trình Thống đốc phê duyệt.
T.H
|
Lê Thu
hải quan
|