Thứ Bảy, 03/05/2014 08:49

Thành lập công ty con để bán có trái luật?

Nhìn từ góc độ quản trị, việc thành lập các công ty con để tái cấu trúc hay để bán cho bên thứ ba không có gì bất thường. Tuy vậy, xét về mặt quản lý nhà nước, điều cần quan tâm chính là việc chuyển giá giữa các công ty trong nhóm công ty.

Thời gian gần đây, xuất hiện hiện tượng nhiều doanh nghiệp thành lập công ty con để bán, chuyển nhượng dự án, đặc biệt là các dự án kinh doanh bất động sản cho các doanh nghiệp nước ngoài, tăng vốn điều lệ hoặc thậm chí là để tái cơ cấu nợ. Trong bối cảnh TPHCM vừa tiến hành truy thu thuế đối với các doanh nghiệp Phở 24, Bệnh viện Hoàn Mỹ đã dấy lên lo ngại đây là một trong những thủ thuật trốn thuế. Sự thật có phải vậy không?

Việc công ty thành lập một công ty con hình dung một cách đơn giản tựa như chuyện của một cây lớn. Theo thời gian, cây ngày càng lớn thì gốc cây nảy ra cây con. Như vậy, xuất phát điểm lúc đầu, cây con có nguồn gốc từ cây mẹ. Tuy vậy, sau khi nảy ra từ cây mẹ, cây con lại phát triển một cách độc lập. Mối liên kết giữa cây mẹ và cây con chỉ còn là mối liên kết giữa các rễ cây của cây mẹ và cây con mà thôi.

Theo thời gian, cây mẹ và cây con có thể vẫn ở chung. Từ chỗ lúc đầu chỉ có một cây, lúc này thành một bụi cây hoặc có thể cây con sẽ bị tách riêng thành một cây hoàn toàn độc lập và không có mối liên hệ nào với cây mẹ.

Nhìn từ góc độ pháp luật doanh nghiệp, tựa như từ cây mẹ nảy ra cây con, công ty cũng có quyền thành lập ra các công ty con của mình bằng việc chuyển một phần quyền và nghĩa vụ cho công ty mới được thành lập. Nhóm công ty hay tập đoàn cũng từ đó mà ra. Thoạt nhìn, tập đoàn gồm nhiều công ty có mối quan hệ với nhau, nhưng về mặt pháp lý các công ty này là độc lập với nhau. Khi thành lập công ty con, nghĩa vụ của công ty mẹ là phải chuyển quyền sở hữu tài sản cho các công ty này. Công ty mẹ mất quyền định đoạt đối với tài sản đã góp vốn. Việc chuyển giao tài sản từ công ty mẹ sang công ty con nhằm bảo đảm rằng tài sản của hai chủ thể này là độc lập với nhau.

Nhìn từ góc độ quản trị, việc thành lập các công ty con để tái cấu trúc hay để bán cho bên thứ ba đơn thuần chỉ là một vấn đề kỹ thuật quản trị. Tuy vậy, xét về mặt quản lý nhà nước, điều cần quan tâm chính là trong quá trình thành lập các công ty con, công ty liên kết có thể xuất hiện hiện tượng chuyển giá giữa các công ty trong nhóm công ty.

Việc thành lập ra công ty con nhằm hai mục đích:

Một là: giới hạn rủi ro cho công ty mẹ trong quá trình thực hiện các dự án. Trong bối cảnh các công ty có nhiều dự án hoặc nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, rủi ro mà doanh nghiệp phải đối mặt là điều không tránh khỏi. Bằng việc thành lập công ty mới và giao cho công ty này thực hiện chức năng kinh doanh trong ngành hoặc dự án, công ty mẹ cũng tự phân tách toàn bộ quyền và nghĩa vụ cho doanh nghiệp mới được thành lập. Do vậy, nếu có rủi ro trong quá trình kinh doanh, phát sinh trong lĩnh vực mà doanh nghiệp mới đảm nhận, người chịu rủi ro là doanh nghiệp mới mà không phải là công ty mẹ. Nhìn nhận từ góc độ quản trị rủi ro, việc thành lập công ty con có những khác biệt so với việc công ty mẹ phải tự mình kinh doanh đa ngành.

Trong trường hợp cây mẹ có nhiều nhánh cây, trong trường hợp có một nhánh cây bị sâu bệnh, sâu bệnh có thể lây lan ra toàn bộ cả cây lớn. Trong khi đó, nếu cây con mới thành lập (sở hữu một dự án/ngành nghề kinh doanh của công ty mẹ lúc đầu) mà bị sâu bệnh, thậm chí là cây con có chết đi chăng nữa thì cũng không ảnh hưởng gì đến cây mẹ. Nguyên lý này áp dụng trong pháp luật về công ty quy định: pháp nhân tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Chủ sở hữu không chịu trách nhiệm thay cho pháp nhân.

Hai là: thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc quản trị. Bằng việc thành lập một doanh nghiệp mới, công ty mẹ buộc phải thiết lập một bộ máy quản lý riêng đối với công ty mẹ. Trong bối cảnh mảng kinh doanh cần phải tiến hành các biện pháp tái cấu trúc nhằm đáp ứng những thay đổi của thị trường hoặc điều kiện kinh doanh bị thay đổi, điều này càng trở nên cần thiết. Khi tiến hành những thay đổi về bộ máy quản lý, việc thay đổi này có thể là tốt lên hoặc thậm chí là xấu đi. Nhưng dù có tác động tích cực hay xấu đi, một điều chắc chắn là quá trình tái cấu trúc hầu như không ảnh hưởng gì đến bộ máy nhân sự và quản trị tại công ty mẹ.

Nhìn từ thực tế của Việt Nam hiện nay, phần nhiều các doanh nghiệp lớn đều hoạt động đa ngành. Các doanh nghiệp này tựa như một cây có nhiều nhánh. Trong bối cảnh điều kiện kinh tế không có “gió bão”, các doanh nghiệp này không cần quan tâm đến những nhánh cây nặng trĩu. Nhưng khi nền kinh tế gặp cơn sóng gió, việc một cây cao lớn lại có quá nhiều nhánh có nhiều nguy cơ bị gãy đổ hơn so với một cây có ít nhánh. Do đó đặt ra yêu cầu thay đổi. Việc thay đổi này phải bảo đảm rằng cây doanh nghiệp phải trở nên “thon gọn” hơn.

Lựa chọn tách các nhánh cây từ cây công ty lúc đầu và đem các nhánh này trồng thành những cây con là một giải pháp phù hợp. Khi tách các nhánh cây đem đi trồng thành những cây mới, chủ cây công ty (các cổ đông) có hai lựa chọn: (i) cung cấp phân bón cho cả cây mẹ và các cây con mới được hình thành từ các nhánh và (ii) từ bỏ các lĩnh vực ngành nghề mới bằng việc bán cho các nhà đầu tư khác.

Nhìn từ góc độ mua bán doanh nghiệp, khi một doanh nghiệp muốn bán một mảng kinh doanh hoặc dự án, doanh nghiệp buộc phải tách mảng kinh doanh này thành một doanh nghiệp độc lập. Trong trường hợp không tách doanh nghiệp, khi bán hoặc chuyển giao dự án cho bên thứ ba, các bên mua bán phải tiến hành rà soát toàn bộ tài sản cũng như nghĩa vụ của công ty bán. Việc phải rà soát này làm cho các bên trong quá trình mua bán mất nhiều công sức hơn.

Với việc tách mảng kinh doanh thành một doanh nghiệp độc lập, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động định giá doanh nghiệp cũng như xác định rõ nghĩa vụ trả nợ đối với bên thứ ba sau quá trình mua bán. Bởi vì về mặt pháp lý, đã có một công ty độc lập đang sở hữu dự án. Cái mà các bên mua bán chính là toàn bộ công ty con sở hữu dự án này chứ không phải là mua một phần của công ty mẹ.

Do đó, nhìn từ góc độ quản trị, việc thành lập các công ty con để tái cấu trúc hay để bán cho bên thứ ba đơn thuần chỉ là một vấn đề kỹ thuật quản trị. Nói cách khác không có vấn đề gì bất thường trong trường hợp này.

Tuy vậy, xét về mặt quản lý nhà nước, điều cần quan tâm chính là trong quá trình thành lập các công ty con, công ty liên kết có thể xuất hiện hiện tượng chuyển giá giữa các công ty trong nhóm công ty. Cái cần kiểm soát (nếu có) chính là việc chuyển giá trong quá trình hoạt động sau này chứ không phải việc thành lập các công ty con.

ThS. Phạm Hoài Huấn (Đại học Luật TPHCM)

tbktsg

Các tin tức khác

>   Malaysia cân nhắc khả năng MH370 đã rơi ở Vịnh Bengal (02/05/2014)

>   Mỹ đứng trước nỗi lo Trung Quốc (02/05/2014)

>   Nhân vật quyền lực số hai của Triều Tiên bị thay thế (02/05/2014)

>   Vì Sài Gòn bao dung, kiểu gì cũng còn một góc cho mình... (02/05/2014)

>   Vụ phạt và truy thu thuế tại y khoa Hoàn Mỹ: Một cá nhân đã nộp hơn 30 tỉ đồng (02/05/2014)

>   Có thể xử bầu Kiên vắng mặt ông Trần Xuân Giá (02/05/2014)

>   Malaysia công bố báo cáo chính thức đầu tiên về MH370 (01/05/2014)

>   Bắt giam nốt 4 bị cáo trong vụ án “bầu” Kiên (01/05/2014)

>   Giới hạn của quyền lực (01/05/2014)

>   Không dễ áp trần giá sữa (01/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật