Thanh khoản bất động sản tăng dần
Sự ấm lên của thị trường bất động sản đã tác động tích cực đến thị trường vật liệu xây dựng.
Theo Bộ Xây dựng, thanh khoản của thị trường bất động sản (BĐS) đang cải thiện đáng kể với số lượng hàng hóa giao dịch trong quý I tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Số lượng giao dịch thành công quý sau cao hơn quý trước
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trần Nam, cho biết sự ấm lên của thị trường BĐS không đo bằng giá mà đo bằng số lượng giao dịch thành công trên các sàn BĐS. Vì giá bán tăng nhưng không có giao dịch thì cũng “không nói lên được điều gì”. Còn số lượng giao dịch thành công trên sàn vẫn giữ xu hướng quý sau cao hơn quý trước kể từ đầu năm 2013 đến quý I năm nay.
Cụ thể, tại Hà Nội quý I/2013 chỉ có 800 giao dịch nhưng quý IV đã tăng lên 3.000 giao dịch. Bước sang năm 2014, xu hướng này vẫn tiếp tục vì tính đến ngày 15-4, thị trường đã có 2.300 giao dịch thành công. Trong đó riêng quý I có 1.500 giao dịch, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, các giao dịch là người mua thực sự có nhu cầu, nhận nhà đến ở, không phải đầu cơ đầu tư như giai đoạn trước đây.
Về giá, hiện tượng giảm giá sâu chỉ còn diễn ra tại các dự án ở khu vực ngoại ô, dự án chưa có hạ tầng hoặc thi công dở dang. Còn tại các dự án khả thi, vị trí tốt, khối lượng xây dựng đã được 70%-80% thì giá có xu hướng nhích lên. Các con số này thể hiện thị trường đã ấm lên, lòng tin người tiêu dùng bước đầu quay lại, người dân đã xuất tiền mua nhà. “Cá nhân tôi cũng bị người quen gọi điện nhờ giới thiệu dự án cũng nhiều. Nhờ tăng thanh khoản, đến nay tồn kho BĐS đã giảm khoảng 28% so với năm 2013” - ông Nam nói.
Thị trường bất động sản ấm dần giúp giảm tồn kho vật liệu xây dựng
|
Xi măng, gạch, thép giảm tồn kho
Sự ấm lên của thị trường BĐS đã tác động tích cực đến thị trường vật liệu xây dựng. Cũng theo Bộ Xây dựng, trong quý I năm nay, ngành xi măng đã tiêu thụ được hơn 15 triệu tấn, tăng 126% so với cùng kỳ năm trước, đạt 24% kế hoạch bán hàng của cả năm, tồn kho hiện nay chưa bằng 15 ngày sản xuất.
Các vật liệu khác cũng tăng sản lượng tiêu thụ, giảm mức tồn kho. Chẳng hạn, gạch men ceramic còn tồn kho 16 triệu m2, tương đương 2 tháng sản xuất, bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Kính xây dựng năm ngoái tồn kho 5 tháng sản xuất, quý I năm nay chỉ tồn kho tương đương 1 tháng rưỡi sản xuất do hoạt động xuất khẩu và nhiều dự án khởi công trở lại.
Đóng góp của ngành xây dựng vào GDP chỉ đứng sau ngành dịch vụ và công nghiệp. Tại Việt Nam, tỉ trọng đóng góp của ngành xây dựng vào GDP ngày càng tăng nhưng mới chỉ đạt hơn 10%, trong khi con số trung bình của thế giới là hơn 20%. Do đó, chính sách tài khóa, tiền tệ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường xây dựng.
Hiện nay, ngoài gói hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp thông qua chính sách ưu đãi lãi suất trị giá 30.000 tỉ đồng của Ngân hàng Nhà nước thực hiện, 8 ngân hàng khác đang liên kết tung ra gói 50.000 tỉ đồng hỗ trợ thị trường BĐS. Tuy nhiên, gói 50.000 tỉ đồng hoàn toàn là gói vay thương mại, không ưu đãi lãi suất, không dùng tiền ngân sách, Ngân hàng Nhà nước chỉ là đầu mối đưa ra định hướng, chỉ đạo các ngân hàng phối hợp, thẩm định và xét duyệt cho vay vốn đối với các dự án có quy mô thích hợp, thanh khoản cao để điều tiết nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Phan Thành Mai, Tổng Giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), cho biết các ngân hàng liên kết đang thực hiện thẩm định khoảng 600 dự án để cấp vốn.
Hà Linh
nlđ
|