QE từ ECB có phải là thuốc tiên?
Kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể xem xét áp dụng chương trình nới lỏng định lượng (QE) để kích thích nền kinh tế ngày càng tăng cao. Thế nhưng, nghiên cứu của Capital Economics cho thấy QE có thể không phải là liều thuốc tiên như hy vọng của nhiều nhà đầu tư.
Chủ tịch ECB Mario Draghi cho biết tại buổi họp báo sau cuộc họp chính sách định kỳ hôm 08/05 rằng ECB có thể hạ lãi suất và áp dụng thêm các biện pháp triệt để vào tháng tới để kích thích nền kinh tế và chấm dứt tình trạng lạm phát thấp kéo dài tại Eurozone.
Nhận định trước đó của Chủ tịch Draghi tại cuộc họp chính sách tháng 4 cũng đã khiến nhà đầu tư bất ngờ. Tại thời điểm đó, ông Draghi cho biết: “Hội đồng Thống đốc ECB nhất trí cam kết sử dụng các công cụ bất thường trong quyền hạn của mình để đẩy lùi rủi ro lạm phát duy trì ở mức quá thấp trong một thời gian quá dài”.
Một số nhà đầu tư xem cụm từ “các công cụ bất thường” là tín hiệu cho thấy ECB có thể xem xét áp dụng QE. Không giống như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ECB đã không sử dụng QE sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Thay vào đó, ECB đã thúc đẩy tăng trưởng bằng cách hạ lãi suất và cung cấp lượng thanh khoản không giới hạn cho các ngân hàng.
Julian Jessop, nhà kinh tế trưởng của Capital Economics cho biết: “Dĩ nhiên, chỉ cần một thông báo về QE dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ gây ra tác động trên diện rộng như mong muốn vì động thái này đánh dấu một sự chuyển biến mạnh mẽ so với trước đây và là tín hiệu cho thấy ECB sẵn sàng thực hiện thêm các biện pháp khác”. “Tuy nhiên, các phương án đang được bàn luận quá sôi nổi nên khó có thể biết được phương án nào đã được các thị trường chiết khấu xong”, ông Jessop cho biết thêm.
Theo ông Jessop, rất khó để chứng kiến một kết quả làm hài lòng tất cả các nhà đầu tư, bao gồm cả những ai đang dự báo về đà rớt giá mạnh của đồng EUR cũng như đà tăng vọt của cổ phiếu và trái phiếu khu vực.
Ông nói: “Chúng tôi cho rằng, QE không thể thay đổi hoàn toàn cục diện của nền kinh tế và những gì xảy ra ở phía bên kia của Đại Tây Dương có thể tác động đến các thị trường mạnh hơn nhiều”.
3 kịch bản QE tiềm năng
Trước kỳ vọng ECB sẽ hành động để kích thích nền kinh tế nhằm đẩy lùi tình trạng tăng trưởng ảm đạm và lạm phát thấp, đồng thời hạn chế đà tăng mạnh của đồng EUR và thúc đẩy thị trường cổ phiếu cũng như trái phiếu Eurozone, Capital Economics đã đưa ra 3 lộ trình mà ECB có thể áp dụng nếu muốn nới lỏng tiền tệ dưới dạng QE.
Nhà kinh tế trưởng Julian Jessop cho biết: “Nếu mối quan ngại lớn nhất là sự yếu kém của hệ thống ngân hàng đang kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế thì phương án hợp lý là ECB nên tập trung vào việc mua thêm tài sản của lĩnh vực tư nhân”.
Phương án này, theo ông Jessop, sẽ tác động tích cực nhất đến giá cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp của khu vực Eurozone. Tuy nhiên, biện pháp đó cũng có thể gây ra những ảnh hưởng không mong muốn lên đà tăng của đồng EUR vì sức mạnh tương đối của các tài sản rủi ro hơn trong khu vực đang tăng cao và điều này sẽ tác động tiêu cực đến trái phiếu Chính phủ.
Phương án thứ hai sẽ liên quan đến mục tiêu cụ thể của ECB là đẩy lùi rủi ro giảm phát bằng cách gia tăng cung tiền. Điều này có thể thôi thúc ECB chú trọng đến việc mua vào trái phiếu Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Jessop chỉ ra rằng, biện pháp trên có thể gây bất lợi cho đà tăng của đồng EUR nếu nó phá vỡ nguyên tắc tài khóa của các nước Nam Âu trong bối cảnh lợi suất của các quốc gia này đã giảm xuống mức khó có thể giải thích được về mặt triển vọng tài chính công.
Kịch bản thứ ba sẽ liên quan đến việc mua trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm cao của Đức hoặc Pháp và theo ông Jessop thì đây có thể là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc làm suy yếu đồng EUR. Dù vậy, tác động có thể bị hạn chế vì lợi suất của những công cụ này đã xuống quá thấp khi nhà đầu tư đã chiết khấu xong rủi ro giảm phát.
Capital Economics kỳ vọng việc nới lỏng tiền tệ hơn nữa của ECB sẽ khiến đồng EUR suy yếu về mức 1.3 USD/EUR vào cuối năm nhưng sẽ giúp thị trường cổ phiếu và trái phiếu châu Âu tăng trưởng mạnh hơn so với thị trường Mỹ.
Phước Phạm (Theo CNBC)
Công Lý
|