PVL: Lỗ thêm 156 tỷ đồng năm 2013, kiểm toán lưu ý vụ ông Hoàng Ngọc Sáu
CTCP Đại ốc Dầu khí (HNX: PVL) vừa công bố BCTC hợp nhất năm 2013 kiểm toán với mức lỗ 187.2 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 156 tỷ đồng so với báo cáo trước kiểm toán.
* PVL: Khởi tố bị can và tạm giam đối với Chủ tịch Hoàng Ngọc Sáu
* Vì sao Chủ tịch PVL Hoàng Ngọc Sáu bị khởi tố?
Tăng lỗ do trích lập dự phòng
Cụ thể, doanh thu của PVL năm 2013 chỉ đạt 5.4 tỷ đồng, thấp hơn cả mức 5.94 tỷ đồng giá vốn hàng bán. Theo đó, công ty bị lỗ gộp 544 triệu đồng. Báo cáo kiểm toán đưa ra chi phí tài chính của Công ty là 31.7 tỷ đồng, tăng thêm tới 23.4 tỷ đồng so với trước kiểm toán.
Ngoài ra, PVL còn bị lỗ khác 17.8 tỷ đồng, trong khi trước kiểm toán chỉ lỗ hơn 1 tỷ đồng. Kết quả, PVL ghi nhận lỗ ròng hơn 187 tỷ đồng, tăng thêm 156 tỷ đồng so với báo cáo trước kiểm toán.
Theo giải trình của PVL, nguyên nhân chủ yếu là do Công ty thực hiện trích lập dự phòng ở các khoản đầu tư, nợ phải thu, chi phí xây dựng dở dang... Đáng chú ý là trích lập chi phí phải trả gần 80 tỷ đồng. Cụ thể:
Tính đến 31/112/2013 thì cơ cấu nguồn vốn sau kiểm toán của Công ty thay đổi đáng kể trước khi kiểm toán. Theo đó, nợ phải trả tăng thêm 64.5 tỷ đồng, lên 550.2 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu giảm đi 153.8 tỷ đồng, còn 331.5 tỷ đồng. Tổng tài sản cũng thay đổi, giảm đi 89.3 tỷ đồng, còn 881.8 tỷ đồng.
Kiểm toán nhấn mạnh sai phạm nguyên Chủ tịch Hoàng Ngọc Sáu
Cũng tại BCTC kiểm toán, các kiểm toán viên có hàng loạt lưu ý dành cho PVL. Cụ thể, theo ý kiểm toán viên, khoản dự phòng phải tả dài hạn là số lỗ ước tính khi bàn giao căn hộ tại Khu chung cư Petrovietnam Landmark là 80 tỷ đồng đã ghi nhận sai Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 18. Nếu ghi nhận đúng, lỗ kế toán trước thuế của Công ty giảm đi một khoản tương ứng.
Kiểm toán viên cũng nhấn mạnh rằng giả sử BCTC hợp nhất kèm theo được lập trên cơ sở giả định Công ty sẽ hoạt động liên tục. Trong năm 2013, Công ty phát sinh lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh 187 tỷ đồng, lỗ lũy kế tại thời điểm 31/12/2013 là 181 tỷ đồng, chiếm 36% vốn điều lệ. Đồng thời ngày 17/1/2014, nguyên Chủ tịch HĐQT công ty là ông Hoàng Ngọc Sáu đã bị cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công An bắt tạm giam với tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến một số hoạt động kinh doanh của công ty.
Các vấn đề nêu trên kèm theo một số yếu tố khác dẫn đến sự lo ngại về khả năng tạo vốn lưu động của Công ty để thanh toán các khoản nợ, vay đến hạn trả.
Ngoài ra, một trong những sai phạm của ông Hoàng Ngọc Sáu có liên quan đến việc PVL thuê khống hơn 1,000 m2 của Công ty cổ phần Bất động sản VN (VN Land) để làm sàn Giao dịch BĐS và đã chuyển trả cho bên VN Land khoảng 11.2 tỷ đồng, đồng thời thuê Công ty Thiết kế Jina thiết kế sàn giao dịch này với giá trị gần 1 tỷ đồng. Hiện tại, Giám đốc của VN Land cũng đã bị bắt, việc thu hồi lại khoản tiền trên là không chác chắn. Để đảm bảo tính thận trọng, PVL đã xuất toán các khoản chi phí này khỏi chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ và theo dõi các khoản tiền trên như một khoản trả trước cho người bán, đồng thời thực hiện trích lập dự phòng phải thu khó đòi là 100% giá trị khoản nợ.
Một vấn đề nữa cũng được kiểm toán nhấn mạnh là vào ngày 07/12/2012, Dự án khu chung cư kết hợp với thương mại 18 tầng tại lo đất H, phương Linh Tây, quận Thủ Đức được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm là 51 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm phát hành BCTC hợp nhất năm 2013 dự án vẫn chưa được bán, nếu dự án được bán theo giá khởi điểm trên thì Công ty sẽ lỗ khoảng 115 tỷ đồng.
Trần Hạnh
công lý
|