Nợ xấu giảm, mừng và lo
Trong báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM mới đây, lãnh đạo của NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, nợ xấu trên địa bàn TP tính đến ngày 31.3.2014 là 46.403 tỉ đồng, chiếm 4,85% trong tổng dư nợ tín dụng tại TPHCM. Liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu, báo cáo cho biết, thời gian qua các TCTD trên địa bàn thành phố đã xử lý được 3.534 tỉ đồng nợ xấu.
Cụ thể, thu nợ xấu bằng tiền đạt 910 tỉ đồng, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý 501 tỉ đồng, bán tài sản đảm bảo để thu nợ 141 tỉ đồng, bán nợ cho VAMC 487 tỉ đồng; xử lý qua các kênh khác, trong đó có việc cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 đạt 1.490 tỉ đồng. Riêng với kênh bán nợ, trong năm 2013, các TCTD trên địa bàn đã bán 10.256 tỉ đồng nợ xấu cho VAMC. Lũy kế đến cuối tháng 3, tổng số nợ xấu đã bán cho VAMC đạt 10.743 tỉ đồng.
Có thể thấy là đã có sự sụt giảm về nợ xấu. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nỗi lo lắng ở đây là việc con số nợ xấu giảm đi phần lớn số nợ xấu thấp là do các DN được cơ cấu lại nợ, nếu không thì con số nợ xấu cao hơn rất nhiều. Bản chất của nợ xấu này liệu có được giải quyết hay không, hay bản chất nợ xấu vẫn là nợ xấu khi hết thời gian được cơ cấu?
Ông Nguyễn Đình Tùng - TGĐ NH Phương Đông (OCB) - phân tích, thực chất con số nợ xấu được xử lý thông qua việc cơ cấu lại nợ phản ánh đúng thực chất chứ không phải xử lý ảo. Bản thân OCB đã cơ cấu nợ theo Quyết định 780 khoảng 300 tỉ đồng, nhưng không phải khoản nợ nào cũng được cơ cấu theo quy định này, mà đều phải qua những khâu xét duyệt kỹ càng. Không phủ nhận thực tế, có DN được cơ cấu lại theo diện này đã hoạt động xấu đi nhưng chỉ là phần nhỏ, nhưng ông Tùng cho biết từ đầu năm đến nay, OCB có khoảng 400 DN đã trả nợ do được cơ cấu lại nợ để vay tiếp tục kinh doanh. Như vậy, phương pháp cơ cấu nợ cho DN đã có những ưu điểm tích cực.
Minh chứng cho ý nghĩa của việc cơ cấu lại nợ, TGĐ Sacombank Phan Huy Khang cho biết, thời gian qua NH này đã cơ cấu lại nợ cho một số DN có dự án tốt, trong đó có cả những DN có con số dư nợ cả nghìn tỉ đồng. Sau khi cơ cấu nợ, các DN này đã có bước phát triển tương đối và vượt qua khó khăn.
Tuy nhiên, vẫn có một điều khá lo lắng đối với thực trạng xử lý nợ xấu, đó là, hiện tỉ trọng lớn nợ xấu của hệ thống NH hiện nay có liên quan đến BĐS. Và trong thời gian qua những DN có “dính” vào BĐS dù có được cơ cấu nợ vẫn không có nhiều DN lấy được “sức khỏe”, vì sự xuống dốc của thị trường này. Và thị trường BĐS khó khăn không chỉ tác động đến các khoản vay BĐS, mà theo sự than vãn của các NH thì ảnh hưởng lớn nhất đó chính là làm cản trở quá trình xử lý tài sản thế chấp bằng nhà đất để thu hồi nợ xấu, nợ quá hạn.
Đại diện Agribank chi nhánh TPHCM cho biết, chưa bao giờ NH cảm thấy khó khăn như bây giờ. Huy động nhiều nhưng không cho vay được. Nếu các DN khó khăn được NH bơm vốn có thể “sống” hoặc “chết” nhưng rủi ro mất vốn là rất lớn. Thực tế vừa qua, những DN được Agribank cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 của NHNN có “sức khỏe” tốt lên không nhiều, các DN vướng vào BĐS chưa thể thoát ra được, vẫn trong vòng luẩn quẩn.
Thêm vào đó, việc xử lý các khoản nợ có liên quan đến BĐS càng phiền toái hơn, vị đại diện này cho biết. Dù hợp đồng có quy định NH được toàn quyền định đoạt tài sản thế chấp nếu khách hàng không trả được nợ, nhưng thực tế ngay cả khi mất khả năng trả nợ, nếu khách hàng không ký cho NH xử lý tài sản đảm bảo thì NH cũng không làm gì được. Chưa kể những khoản nợ trây ỳ dẫn đến nợ gốc và lãi vượt quá giá trị tài sản thế chấp, NH và khách hàng phải dắt nhau ra tòa, nhưng năm lần bảy lượt tòa án mời và khách hàng vắng mặt nên không thể xử được. Đó là chưa kể các trường hợp sổ đỏ BĐS đã được cầm cố tại NH, nhưng người vay vẫn bán lại cho người khác, đẩy tài sản cầm cố chuyển thành tài sản có tranh chấp nên rất khó xử lý... Tất cả những điều đó đang thực sự tạo ra một rào cản không nhỏ trong việc xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến BĐS của các NH.
Gia Miêu
lao động
|