Thứ Năm, 01/05/2014 15:05

Nhìn lại chuyến thăm châu Á của TT Mỹ: Trọng tâm vẫn là Trung Quốc

Năm yếu tố sơ kết đợt “ra quân” của ông Obama đều liên thuộc. Một là Mỹ muốn lấy lại xung lực, đóng dấu ấn “thật” cho chiến lược xoay trục, xóa thị phi về giá trị “ảo”. Hai là cam kết chống lưng cho các đồng minh “ruột”, nhưng cố gắng giữ giao hảo Trung-Mỹ ở thế cân bằng.

Dù đến Nhật hay Hàn Quốc, Malaysia hay Philippines, trọng tâm nghị trình của ông Obama đều hướng tới Trung Quốc. Ảnh Tổng thống Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye họp báo chung ở Seoul

Ba là thắt chặt liên minh Mỹ-Nhật, củng cố quan hệ Nhật-Hàn, khắc phục một số điểm yếu trong liên hệ Mỹ-Đông Á, vì lợi ích an ninh và tự do hóa thương mại. Bốn là kết giao hơn nữa quan hệ Mỹ-Hàn và cảnh báo ngăn chặn CHDCND Triều Tiên phiêu lưu. Năm là khuếch trương vị thế toàn cầu, từ châu Á ông Obama vẫn không rời mắt khỏi chiến trường châu Âu.

“Châu Á còn phải xem liệu Mỹ có thể biến ý định thành cam kết trong lâu dài được hay không. Ý định là một mặt, tài trí và khả năng là một mặt khác”.

Ông Lý Quang Diệu

Hẳn nhiên, “chất keo” gắn cả năm yếu tố trên là Trung Quốc. Đúng như Giáo sư Đại học Harvard Stephen Walt nhận định: “Bất cứ thăm nước nào, nói cái gì thì đề tài của Obama vẫn là Trung Quốc”. Hay như hồi ký của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gate xác quyết: “Trong bất cứ chuyến đi nào tới châu Á, bất luận có phải là điểm đến hay không, thì Trung Quốc vẫn là một trọng tâm trong nghị trình”.

Tân Hoa xã mới đây vừa bình luận về cuộc hội đàm Obama - Abe: “Thật là ngây thơ nếu Tokyo dựa vào cam kết của ông Obama để tự lừa dối chính mình rằng Washington sẽ ủng hộ Nhật Bản bằng bất kỳ giá nào”.

Trước đó, Trung Quốc phản ứng dữ dội trước tuyên bố của Tổng thống Obama khẳng định sẽ bảo vệ Nhật Bản nếu Bắc Kinh gây chiến giành quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Từ Seoul, ông Obama cho rằng việc Bình Nhưỡng theo đuổi vũ khí hạt nhân là “con đường chỉ dẫn tới sự cô lập”. Ông Obama đánh giá mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn hiện đang “mạnh hơn bao giờ hết” và tuyên bố: “Chúng tôi không ngần ngại sử dụng sức mạnh quân sự của mình để bảo vệ các đồng minh và nhân sinh quan của chúng tôi”.

Trong chuyến thăm châu Á vừa kết thúc, ông Obama nhiều lần cảnh báo việc các quốc gia nhỏ bé sẽ bị những nước lớn hơn bắt nạt. Ngày 27-4, từ Kuala Lumpur, ông tuyên bố: “Các cuộc tranh chấp cần được giải quyết một cách hòa bình, không có sự hăm dọa hay ép buộc và tất cả các quốc gia cần tuân thủ luật pháp và quy định quốc tế”.

Ông Obama đặt chân tới Manila vài giờ sau khi hai nước ký kết một thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA), cho phép luân chuyển quân đội và tàu thuyền của Mỹ tại Philippines. Đối phó với một Trung Quốc đang lấn lướt trở thành mối quan tâm đặc biệt trong chuyến thăm bốn nước châu Á của ông Tổng thống Mỹ.

Cũng giống như Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước thành viên ASEAN, Malaysia và Philippines đều cần tới Mỹ như một lá chắn an ninh trước những bất định mới ở khu vực.

Bởi vì thời sự “nóng” hiện nay là châu Á lo sợ Trung Quốc “noi gương” Nga, sẽ diễn lại “kịch bản Crimea” trong vấn đề biển Đông và Hoa Đông. Cả bốn điểm đến, vì vậy, đều được Mỹ coi trọng như nhau. Để thuyết phục đối tác lẫn đối thủ, ông Obama tuyên bố rõ ràng: “Mỹ không vì mối bang giao với Trung Quốc mà quên đi Nhật Bản hay bất kỳ đồng minh nào khác”.

Bất chấp mọi phản ứng của Trung Quốc, suốt vòng công du, ông Obama đã tái khẳng định lập trường mạnh mẽ theo cách Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel vừa tuyên bố mới đây. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá các tuyên bố của ông Obama ở Đông Bắc Á có vẻ như mạnh mẽ hơn ở Đông Nam Á. Sở dĩ có chuyện đó là vì, dựa vào hệ thống an minh lâu đời và tương quan lực lượng ở Đông Bắc Á, ông Obama thấy tình hình ở đấy thuận hơn.

Hẳn nhiên là không thể so sánh tương quan Trung Quốc-Nhật Bản với Trung Quốc-ASEAN. Ấy là chưa nói tới sự gắn kết, ý chí thống nhất cũng như lợi ích gắn bó trong một quốc gia mà chủ nghĩa dân tộc đang dâng cao với một tổ chức ASEAN lỏng lẻo, thường xuyên đối diện với nguy cơ bị chia rẽ từ bên trong và bị mua chuộc từ bên ngoài.

Nhưng sự bất tương xứng nói trên không hề giảm bớt tầm quan trọng về địa-chiến lược của Đông Nam Á trong chính sách lâu dài của Mỹ. Thậm chí sự bất tương xứng ấy càng đặt ra tính cấp bách của quá trình khỏa lấp những gián đoạn về an ninh (security gap) trong nội khối ASEAN, cũng như giữa ASEAN với Trung Quốc mà Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) là một điển hình. Phần lớn các nước ASEAN đều muốn trông cậy vào sức mạnh quân sự của Mỹ để đối trọng lại với tham vọng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, như ông Lý Quang Diệu nhận xét mới đây, “châu Á còn phải xem liệu Mỹ có thể biến ý định thành cam kết trong lâu dài được hay không. Ý định là một mặt, tài trí và khả năng là một mặt khác”. Nhưng an ninh khu vực càng bấp bênh thì Mỹ càng xác quyết trở lại châu Á, “trở lại và ở lại” (Hillary Clinton)!

Chẳng phải vì Nhật, Philippines hay Đông Nam Á, mà trước hết phục vụ cho quyền lợi của Mỹ, vì tương lai lâu dài của nền kinh tế, quân sự và trên hết, vì vai trò toàn cầu của Mỹ.

Hải Đăng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Ngân hàng Anh thu hồi đồng bạc giấy 50 bảng mẫu cũ (01/05/2014)

>   Mỹ: Tốc độ tăng GDP quý 1 năm nay chậm một cách bất ngờ (01/05/2014)

>   Fed vẫn cắt QE3 xuống 45 tỷ USD dù kinh tế Mỹ đột ngột giảm tốc trong quý 1 (01/05/2014)

>   Chủ tịch EC: EU sẵn sàng viện trợ tài chính cho Ukraine (30/04/2014)

>   Trung Quốc hối thúc tạo ra FTA châu Á-Thái Bình Dương (30/04/2014)

>   Quốc hội Pháp thông qua gói biện pháp cắt giảm chi tiêu (30/04/2014)

>   IMF cắt giảm mạnh dự báo tăng trưởng Nga (30/04/2014)

>   Tiết trời lạnh cóng “đóng băng” kinh tế Mỹ (30/04/2014)

>   Nhóm kinh tế đang phát triển tăng đầu tư ra nước ngoài (30/04/2014)

>   Nokia vẫn lãi dù doanh số điện thoại giảm đến 30% (30/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật