Mùa ĐHĐCĐ: Muôn vẻ phát hành thêm
Thị trường chứng khoán khởi sắc, lại vừa đúng dịp ĐHĐCĐ thường niên, thế là “nỗi buồn” thiếu vốn bấy lâu nay được doanh nghiệp cật lực tận dụng trình cổ đông phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu.
“Nối dài” cánh tay?
Điểm qua những doanh nghiệp lớn chúng tôi tham dự ĐHĐCĐ thì ngót nghét có gần 30 doanh nghiệp với số lượng phát hành đa số đều từ mức 2 con số trở lên. Cũng có doanh nghiệp đang làm ăn tấn tới, khả năng thanh toán ngắn hạn đều trên mức 2 lần và việc huy động vốn là để bành trướng hoạt động kinh doanh.
Với lượng phát hành cho cổ đông hiện hữu tới hơn 37.5 triệu cp và 500,000 trái phiếu, lãnh đạo SCR cho biết, nếu cổ đông không mua thì công ty cũng đã có rất nhiều đối tác và cam kết giá phát hành không thấp hơn mệnh giá. Tại thời điểm cuối năm 2013 thì khả năng thanh toán của SCR ở mức khá cao là 2.35 lần. Nghĩa là công ty không hẳn thiếu tiền bởi các dự án của SCR đều đúng tiến độ, mà như lời vị Chủ tịch Đặng Hồng Anh chia sẻ, SCR sẽ có bước phát triển mới theo hướng hợp tác một bên cấp đất, còn SCR sẽ phát triển dự án kinh doanh…
Không nằm ngoài trào lưu nhà nhà làm nông nghiệp, năm 2014 DLG sẽ tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ và đặc biệt đánh mạnh để tạo đột phá trong nông nghiệp với bắp và cao su. Bởi thế cổ đông của DLG cũng đã thông qua phương án phát hành 79.5 triệu cp vừa ESOP vừa trả cổ tức, thưởng và chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Với tham vọng phát triển thị phần ra miền Bắc và miền Trung, VNS cũng lên phương án phát hành hơn 13 triệu cp nhằm tăng vốn lên 565 tỷ đồng. Được biết, VNS sẽ ưu tiên đầu tư mở thị phần sớm tại Nha Trang, còn tại Đà Nẵng đã được phép tăng lượng xe từ 230 lên 300. Riêng tại Hà Nội và Cần Thơ thì VNS vẫn đang tiến hành xúc tiến xin giấy phép.
Bên ngành chứng khoán thì có VND với kế hoạch phát hành gần 60 triệu cp và 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho đối tác chiến lược. Vốn từ đợt phát hành VND sẽ phân bổ vào các hoạt động gồm cho vay giao dịch ký quỹ chứng khoán, đầu tư tự doanh, bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh chứng khoán, bổ sung vốn cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán, mua bán sáp nhập công ty quản lý quỹ hoặc công ty chứng khoán khác.
Hay chỉ là bước đường cùng?
Bên cạnh những doanh nghiệp hô hào kế hoạch “nối dài” cánh tay thì cũng có những doanh nghiệp ngậm ngùi trình cổ đông phương án phát hành chỉ để cấn trừ nợ và cũng rất chật vật với khả năng thanh toán dưới 1 lần. Nhiều doanh nghiệp cho thấy rất “đói” vốn và gần như đang hoạt động cầm chừng.
ITA có lẽ là doanh nghiệp có nhiều “thâm niên” nhất về phát hành cổ phiếu, và càng đặc biệt hơn là phát hành chỉ để cấn trừ nợ. Rõ ràng với con số nợ ngân hàng (ngắn và dài hạn) cuối năm 2013 là 1,760 tỷ đồng, trong khi đợt phát hành 100 triệu cp cấn trừ hồi đầu năm 2014 chỉ thu về được 660 tỷ đồng thì chẳng đáng là bao.
Vì lẽ đó, năm 2014 cũng không là ngoại lệ khi ITA lên phương án phát hành tối đa 200 triệu cổ phiếu để cấn trừ nợ. Và với mục tiêu kéo tỷ lệ nợ trên tổng tài sản từ 28.6% vào cuối năm 2013 xuống còn dưới 25% vào năm 2014 của ban lãnh đạo ITA bằng phương thức trên dường như là nằm trong tầm tay.
SHN dự kiến cũng sẽ trình cổ đông việc phát hành thêm 30 triệu cp cho cổ đông chiến lược và 7.5 triệu cp để cấn trừ nợ. Nếu không có quý 4/2013 lãi 64 tỷ đồng từ việc bán dự án tại Tây Mỗ thì SHN đã ghi nhận con số lỗ năm thứ 3 liên tiếp từ 2011. Hồi cuối năm 2013, lãnh đạo của doanh nghiệp này đã “than” rằng tình hình tài chính công ty khó khăn và hiện đang nợ thuế, nợ lương…
VPH thì sẽ phát hành 10 triệu cp bằng mệnh giá cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư quan tâm để bổ sung vốn và tái cơ cấu các khoản nợ. Tại đại hội vừa qua, ban điều hành công ty cho biết đã xác định năm 2014 hầu hết các khoản nợ vay sẽ đến hạn phải thanh toán. Vì thế công ty đã hoàn tất tái cơ cấu và gia hạn gần như toàn bộ các khoản nợ ngân hàng thành các khoản nợ trung và dài hạn, theo từng phân kỳ trả nợ và phần lớn sẽ trả vào năm 2017-2018.
Đối với HBC, đến cả người lao động trong công ty này cũng “ngán” khi mà trong quý 4/2013, công ty này phát hành vỏn vẹn 400,000 cp ESOP nhưng chỉ bán được hơn 294,000 cp. Vậy nhưng, ban lãnh đạo HBC vẫn chưa “ngán” khi tiếp tục lên kế hoạch phát hành gần 22 triệu cp cho cán bộ công nhân viên và cổ đông chiến lược trong năm 2014. Riêng mức giá cho cổ đông chiến lược không thấp hơn 23,000 đồng/cp, trong khi thị giá hiện tại của HBC quanh mức 19,000 đồng/cp.
Cũng trong năm 2013, HBC dự kiến bán hết gần 4 triệu cp quỹ để nâng vốn chủ sở hữu, nhằm nâng đòn bẩy tài chính, nâng hạn mức vay của HBC để tương ứng với quy mô phát triển nhưng vẫn không thành công.
Thời điểm thích hợp cho phát hành?
Theo ông Hoàng Thạch Lân - Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán MHB (MHBS), có hai lý do để doanh nghiệp ồ ạt lên phương án phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu trong mùa ĐHĐCĐ vừa qua.
Thứ nhất là do thị trường hồi phục trong thời gian qua và khá nhiều công ty chứng khoán có dự báo lạc quan vào cuối năm. Trong khi đó, vài năm gần đây thị trường chứng khoán lình xình nên doanh nghiệp rất khó phát hành, vì thế nhân cơ hội này doanh nghiệp tận dụng tối đa.
Thứ hai liên quan đến việc nới room ngoại, theo đó sẽ có một dòng vốn ngoại đổ vào, đặc biệt là những doanh nghiệp bất động sản sẽ có cơ hội “thâu tóm” các dự án, hay hợp tác cùng thành lập công ty quản lý dự án... Phương án này nghiêng về việc phát hành riêng lẻ.
Về lý do phát hành thì có thể doanh nghiệp muốn cơ cấu lại “cục nợ” hay đầu tư dài hạn, đổ vốn vào cho các dự án. Bản thân doanh nghiệp niêm yết muốn phát hành cũng khá lưỡng lự để chọn giữa phát hành riêng lẻ và đại chúng. Bởi phát hành đại chúng thường mang tính rủi ro nhiều hơn khi thời điểm chốt quyền và đóng tiền cách xa nhau trong khi giá trên thị trường chứng khoán biến động nhiều. Còn phát hành riêng lẻ thì doanh nghiệp cũng phải săm soi đối tác nhiều, và đa số đều hợp tác với công ty chứng khoán để được bảo lãnh phát hành cho an toàn.
Còn trường hợp doanh nghiệp phát hành cổ phiếu thấp hơn mệnh giá thì có nghĩa là tài chính của doanh nghiệp đó đang có vấn đề.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế tài chính độc lập Hồ Bá Tình lại cho rằng nhìn vào nền kinh tế tuy có dấu hiệu ổn định nhưng sự phục hồi đang rất yếu ớt. Lãi suất tuy đã giảm nhưng phía sau đó lại là một bức tranh khác. Doanh nghiệp tốt, dự án tốt có thể vay được với lãi suất thấp tuy nhiên tỷ lệ này không cao. Phần nhiều doanh nghiệp hiện nay làm ăn khó khăn, nợ cũ không trả được phải liên tục đảo nợ.
Việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cổ phiếu là một hoạt động bình thường để huy động vốn. Tuy nhiên xu hướng nở rộ trong thời gian gần đây có một số điểm cần lưu ý.
Thứ nhất việc phát hành cổ phiếu là nhằm hướng đến một số đối tác chiến lược. Tuy nhiên, phương án không nhiều. Đa số doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ hoặc huy động thêm vốn để đầu tư dự án mới hoặc trả nợ cũ.
Thứ hai, đối với phát hành trái phiếu thì khá phức tạp. Rất nhiều doanh nghiệp do không thể vay thêm nợ một cách bình thường qua kênh tín dụng nên buộc phải phát hành trái phiếu để vay thêm nợ hoặc đảo nợ. Trường hợp này thường diễn ra rất nhiều ở các công ty bất động sản.
Trong quý 1/2014 thị trường chứng khoán tăng mạnh chủ yếu do đầu cơ. Dòng tiền này chắc chắn cũng không đổ vào mua cổ phiếu phát hành thêm. Nếu nhiều doanh nghiệp thấy thị trường chứng khoán lên phát hành thì không hợp lý lắm và khó thành công. Không phải tất cả việc phát hành đều thất bại nhưng tỷ lệ thành công sẽ không cao. Nguyên nhân, rủi ro dài hạn của vĩ mô Việt Nam còn lớn. Tình trạng quản trị doanh nghiệp cũng chưa được cải thiện. Đặc biệt là vấn đề minh bạch hóa thông tin chưa cao.
Bên cạnh đó, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài được nói đến nhiều cả năm qua tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện được. “Tôi không nghĩ nhà đầu tư và doanh nghiệp ngây thơ tin vào hiệu ứng này để đưa ra các chiến lược phát hành cổ phiếu” – ông Tình nhấn mạnh.
Thanh Nụ
Công lý
|