Mía đường Lam Sơn: Bỏ rơi quyền lợi người trồng mía
Cty CP mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS) đã có công giúp hàng trăm nghìn hộ nông dân Thanh Hóa thoát nghèo nhờ phát triển cây mía trong mấy chục năm qua. Vậy nhưng, trong lúc khó khăn hiện nay, một số chính sách của Cty chỉ được thực hiện nửa vời khiến người lao động rất bức xúc. Báo Lao Động phản ánh sự thật với mong muốn Cty sớm chấn chỉnh, giữ vững uy tín, đồng hành giúp nông dân thoát nghèo.
Bài 1: Hứa một đằng, làm một nẻo
Những ngày này, miền tây Thanh Hóa nóng hầm hập. Trong hội trường UBND xã Lương Trung, huyện Bá Thước, hàng chục hộ nông dân mồ hôi nhễ nhại bức xúc phản ánh việc Cty CP mía đường Lam Sơn “nói một đằng, làm một nẻo” về thực hiện chính sách ưu tiên phát triển nguồn nguyên liệu.
Lãnh đạo xã Lương Trung làm việc với phóng viên Báo Lao Động trong các vai trò khác nhau: Chủ tịch xã (thứ hai, trái sang) là nhân chứng, Phó trưởng CA và Phó Chủ tịch xã là nạn nhân của chính sách nửa vời
|
Từ chính sách ưu việt...
Việc Cty CP mía đường Lam Sơn (huyện Thọ Xuân) thành lập Cty CP đầu tư phát triển Lam Sơn – Bá Thước là một bước mở rộng địa bàn nguồn nguyên liệu, là bước đi ban đầu tiến tới thành lập nhà máy ép mía trên địa bàn huyện.
Theo ông Nguyễn Tuấn Tưởng – Chánh Văn phòng UBND huyện Bá Thước- huyện đã ra một nghị quyết chuyên đề về việc này. Để thực hiện được mục tiêu, Cty ban hành thông báo số 663-TB/ĐLS-KH về “chính sách đầu tư phát triển mía vụ 2011-2012 đến vụ 2014-2015 cho các Cty CP đầu tư phát triển tại các huyện” (thông báo 663).
Thông báo do ông Lê Văn Tam – Chủ tịch HĐQT Cty CP mía đường Lam Sơn - ký ngày 22.8.2011. Trước đó, ngày 6.11.2010, ông Lê Văn Tam cũng đã ký ban hành thông báo số 473-TB/ĐLS-NL về “chính sách đầu tư phát triển mía từ vụ 2011 – 2012 đến 2014 – 2015” (thông báo 473).
Theo 2 thông báo trên, các chính sách hỗ trợ người nông dân phát triển nguồn nguyên liệu rất ưu việt như: Hỗ trợ nông dân vay vốn 10 triệu đồng/ha không tính lãi; hỗ trợ 2 triệu đồng/ha cho những diện tích chuyển đổi từ đất trồng sắn và các cây trồng khác sang trồng mía lâu dài; 2 triệu đồng/ha tiền khai hoang đối với diện tích đất trồng rừng chuyển sang trồng mía lâu dài; nợ vốn đầu tư ban đầu sẽ được thu nợ trong 2 năm, mỗi năm 50% bằng tiền bán mía cho Lasuco”...
... đến thực hiện nửa vời
Làm việc với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Bá Chiều – GĐ Cty CP đầu tư phát triển Lam Sơn – Bá Thước - cho hay, Cty đã hỗ trợ người trồng mía theo thông báo 473 và 663 lên tới hơn 700 triệu đồng, trong đó, hỗ trợ diện tích chuyển đổi lần đầu sang trồng mía là hơn 378 triệu đồng.
Ông Chiều khẳng định, đã thực hiện chi trả không sót trường hợp nào trên địa bàn huyện Bá Thước và không có chuyện Cty “xiết” nợ ngay vụ đầu tiên. Vậy nhưng, nhiều hộ trồng mía ở các xã Điền Quang (Điền Lư), Lương Trung, Lương Nội, Lương Ngoại... khẳng định, chưa bao giờ được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ đó.
PV Báo Lao Động đã mời gần 10 chủ hợp đồng trồng mía cho Cty Lam Sơn – Bá Thước đến hội trường UBND xã Lương Trung làm việc dưới sự chứng kiến của ông Cao Thượng Xuân – Chủ tịch UBND xã. Ông Cao Thượng Xuân và chúng tôi đã yêu cầu các chủ hợp đồng cung cấp thông tin thật khách quan, chính xác.
Anh Đoàn Văn Sỹ - thôn Trung Thủy, xã Lương Trung - cho hay, cuối năm 2011, anh nhận được thông báo 663 với nhiều chế độ ưu đãi từ anh Trương Công Diện – cán bộ Cty. “Tôi và anh Diện đã cùng đi kiểm tra rừng luồng trước khi phá bỏ chuyển sang trồng mía, anh Diện khẳng định, sẽ được Cty hỗ trợ 2 triệu/ha; Cty sẽ đầu tư ban đầu không tính lãi và sẽ thu nợ trong 2 năm”.
Tin tưởng, anh Sỹ cùng bà con thân thiết xin chuyển đổi 5ha luồng, 6ha sắn sang trồng mía. “Vậy mà đến nay vẫn không nhận được gì, hỏi cán bộ Cty thì chỉ nhận được câu trả lời “chờ, Cty đang thực hiện” – anh Sỹ cho biết. Ông Bùi Văn Ngọ - Phó trưởng CA xã - đã tin tưởng chuyển 15ha luồng sang trồng mía.
Cuối năm 2012, đầu năm 2013, anh thu hoạch vụ mía đầu tiên được 600 triệu. Tuy nhiên, tiền Cty hỗ trợ anh đầu tư lên đến 800 triệu. “Không những tiền hỗ trợ chuyển đổi 2 triệu/ha đến giờ không thấy mà Cty đã thẳng tay trừ luôn cả 600 triệu. Như vậy, ngay vụ mía đầu tiên, tôi không những không nhận được đồng nào về mà còn âm 200 triệu” – ông Ngọ chua chát.
Theo ông Ngọ, “nếu họ thu đúng theo cam kết là 50% thì tôi còn có niềm tin mà tái đầu tư, họ thu hết luôn thì thật quá đáng!”. Nhưng đâm lao phải theo lao, ông cùng bà con đành chấp nhận vay mượn đầu tư để trồng tiếp với hy vọng trả nợ dần.
Tương tự, năm 2011, ông Trương Cộng Sản ( thôn Quang Trung) phá bỏ 5ha luồng chuyển sang trồng mía. Mọi thứ tốt đẹp theo 2 thông báo của Cty ông chưa nhận được gì, ngược lại, bây giờ ông mang một đống nợ vì ngay vụ đầu tiên, thu hoạch được 260 triệu, trong khi Cty đầu tư hết 340 triệu và bị trừ nợ thẳng tay, cái ông mang về là số nợ 80 triệu và bị chủ hợp đồng tính lãi.
Để theo tiếp, ông Sản phải đi vay lãi. Rất nhiều hộ trồng mía khác cũng trong tình trạng tương tự. Ông Trương Văn Phòng (Quang Trung, Lương Trung) – chủ hợp đồng gần 20ha mía kết luận: “Cty mía đường nói một đằng, làm một nẻo”.
Là Phó Chủ tịch xã Lương Trung, người tiếp thu chủ trương, chính sách và vận động bà con chuyển đổi cây trồng nhưng ông Trương Bá Dừa đành mang tiếng với bà con đồng bào Mường là “nói không thật cái bụng”. Bởi ông cũng tin và hứa với bà con là Cty sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/ha, Cty sẽ không trừ hết nợ ngay vụ đầu tiên.
Thế nhưng, Cty đã bội tín, chỉ hứa mà không làm. “Đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi rất thật thà, cán bộ nói gì thì tin như thế, vậy mà chỉ có nói mà không có làm, bà con đang bỏ mía trở lại trồng sắn, tôi lo lắm” – ông Dừa bộc bạch.
Xuân Hùng
lao động
|