LHQ: Kinh tế thế giới tăng trưởng nhưng chưa toàn diện
Báo cáo cập nhật về "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014" của Liên hợp quốc cho biết kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng vững chắc trong hai năm tới cho dù một số nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp và triển vọng việc làm vẫn ảm đạm.
Theo dự báo của Liên hợp quốc, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đạt 2,8% trong năm nay và 3,2% năm 2015, cao hơn nhiều so với mức 2,2% của năm 2013.
Tốc độ tăng trưởng này đã được điều chỉnh giảm so với dự báo đưa ra hồi đầu năm và thấp hơn so với mức tăng trưởng trước khi xảy ra suy thoái tài chính toàn cầu năm 2008.
Liên hợp quốc cũng hạ dự báo tốc độ tăng trưởng đối với các nền kinh tế đang phát triển xuống còn 4,7% năm 2014 và 5,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với thời điểm trước khủng hoảng kinh tế.
Đối với các nền kinh tế đang chuyển đổi, tốc độ tăng trưởng rơi xuống còn 1,7% trong hai năm tới đây do tình hình bất ổn chính trị tại Ukraine. Trong khi đó, các nước phát triển được dự báo tăng trưởng ổn định 2% trong năm 2014 và 2,4% năm 2015.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng này chưa đủ mạnh để vực dậy nền kinh tế và khôi phục số việc làm bị "bay hơi" trong thời kỳ khủng hoảng.
Xét theo khu vực địa lý, châu Á được dự báo tăng trưởng mạnh nhờ tăng nhu cầu nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước phát triển. Trong khi đó, những bất ổn nội tại và sản lượng xuất khẩu dầu thô thấp ở vùng Tây Á khiến các nền kinh tế khu vực tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Đối với Nhật Bản và các nền kinh tế Bắc Mỹ, Tây Âu, Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ mất cân bằng thương mại, tỷ lệ thất nghiệp cao và tình trạng dân số già.
Một trong những nguyên do chính khiến sự phục hồi kinh tế toàn cầu cũng như của các nước chậm lại là do những tín hiệu kém khả quan trên thị trường việc làm.
Theo Tổ chức lao động thế giới (ILO), trong năm 2013, tăng trưởng việc làm tuy vẫn duy trì ở mức 1,4% như năm trước đó, song vẫn còn kém xa so với đà tăng 1,7% trong những năm trước khủng hoảng. So với thời kỳ trước khủng hoảng, thế giới hiện đã mất khoảng 62 triệu việc làm.
Ngoài yếu tố việc làm, còn phải kể đến một số yếu tố khác cũng tác động đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Đó là những tác động mặt trái từ việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của các nền kinh tế đang phát triển, tính dễ tổn thương của các nền kinh tế mới nổi, bất ổn ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sự thiếu bền vững trong tài chính công ở nhiều nước phát triển và những căng thẳng địa chính trị thế giới.
Ông Hồng Bình Phàm - Trưởng phòng Giám sát kinh tế toàn cầu thuộc Vụ các vấn đề kinh tế và xã hội Liên hợp quốc - nhận định hơn 5 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính, thế giới vẫn đang chật vật lấy lại đà tăng trưởng toàn diện trước đây.
Theo ông Hồng, so với các xu hướng trước khủng hoảng, kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, chưa thể thúc đẩy thương mại và tạo việc làm đúng với tiềm năng.
Vietnam+
|