Thứ Bảy, 31/05/2014 11:08

Khi cổ đông thiểu số bị... ra rìa

Những tranh chấp liên quan đến quyền lợi cổ đông thiểu số được đưa ra tòa án xét xử thời gian gần đây không hiếm. Chính vì vậy, bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số là một trong những nội dung được ưu tiên trong dự thảo Luật DN sửa đổi, đưa ra trình Quốc hội lần này.

Trụ sở Cty CP đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng

Vụ việc lạm dụng quyền của cổ đông lớn để ra các quyết định trái Luật DN tại Cty CP Đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng (Cty Kim khí Hải Phòng) chuẩn bị được đưa ra xét xử phúc thẩm là một minh chứng cụ thể cho yêu cầu sửa đổi Luật DN.

Cổ đông thiểu số nhiều thiệt thòi

Cty Kim khí Hải Phòng được tách ra từ Cty kinh doanh Kim khí Hải Phòng từ năm 2006. Tiền thân là DNNN thuộc TCty thép VN được CP hóa năm 2004. Sau khi được chuyển đổi từ DNNN sang Cty CP, nội bộ DN này liên tục bất hòa và tranh chấp về quyền lợi liên tục xảy ra. Mâu thuẫn giữa các cổ đông thiểu số và Chủ tịch HĐQT Cty Kim khí Hải Phòng ông Lưu Thành Đông (người chiếm đa số cổ phần Cty) dường như không thể có hồi kết.

Ông Lưu Thành Đông đã bị rất nhiều cổ đông thiểu số khởi kiện bởi nhiều vụ việc khác nhau. Một trong những vụ việc đó đã được TAND TP Hải Phòng đưa ra xét xử sơ thẩm vào ngày 23/7/2013. Dự kiến phiên phúc thẩm sẽ được Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối Cao tiến hành vào ngày 03/6/2014 tới. Đây là vụ việc bà Trần Thu Thủy - cổ đông của Cty Kim khí Hải Phòng khởi kiện chính Cty này và người đại diện theo pháp luật là ông Lưu Thành Đông – Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Cty.

Theo bà Trần Thu Thủy, ông Lưu Thành Đông đã ra quyết định miễn nhiệm thành viên HĐQT của ông Đỗ Văn Hợi và ông Vũ Văn Tuyến trái pháp luật. Với quyết định miễn nhiệm hai thành viên HĐQT của ông Đông, các cổ đông đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp. HĐQT của Cty Kim khí Hải Phòng lúc này có 3 thành viên là ông Đông, ông Hợi và ông Tuyến. Việc miễn nhiệm hai thành viên khiến ông Đông hoàn toàn chủ động ra những quyết định gây thiệt hại đến quyền lợi của cổ đông cty nhưng có lợi cho bản thân mình.

Nhiều cổ đông của Cty cho biết, do quá chán nản với cách điều hành kém hiệu quả vì luôn gắn lợi ích cá nhân của Chủ tịch HĐQT vào các giao dịch của Cty, nên ông Đỗ Văn Hợi và ông Vũ Văn Tuyến đã có đơn xin từ chức thành viên HĐQT vào ngày 01/11/2011. Chỉ đợi có vậy, ngày 07/11/2011, HĐQT đã được triệu tập họp và sau đó một ngày, Chủ tịch HĐQT đã ra quyết định miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT của hai ông Hợi và ông Tuyến.

Sau lần tổ chức Đại hội đồng cổ đông không thành công thứ nhất, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ hai vào ngày 09/1/2012, các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát Cty Kim khí Hải Phòng đã đưa ra nhiều sai phạm của ông Lưu Thành Đông – Chủ tịch HĐQT – TGĐ. Những sai phạm của ông Đông đã được chỉ ra như: lợi dụng chức vụ quyền hạn làm nhiều điều sai trái trong một thời gian dài.

Ngạc nhiên hơn, Đại hội đồng cổ đông này đã bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT mới là ông Đào Xuân Lục và bà Lưu Thị Phượng nhưng không đưa vào chương trình đại hội và xin ý kiến đại hội biểu quyết miễn nhiệm hai thành viên là ông Hợi và ông Tuyến. Thực trạng, tình hình của Cty Kim khí Hải Phòng lúc này, ông Lưu Thành Đông đang kiểm soát 53,3% cổ phần, còn bà Trần Thu Thủy kiểm soát 46,7% cổ phần.

Mặc dù, điều lệ Cty và Luật DN đều quy định việc biểu quyết miễn nhiệm hay bổ nhiệm thành viên HĐQT cũng như thông qua kế hoạch phát triển Cty, báo cáo tài chính của Cty đều phải cần sự đồng ý của 65% cổ phần trở lên. Nhưng dưới tư cách Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty ông Lưu Thành Đông vẫn điều hành và ban hành nhiều quyết định mà không cần quan tâm tới 46,7% cổ phần còn lại. Do đó, bà Trần Thu Thủy đã khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân TP Hải Phòng hủy quyết định miễn nhiệm thành viên HĐQT của hai ông Hợi và ông Tuyến do ông Lưu Thành Đông – Chủ tịch HĐQT ký ngày 08/11/2011.

Pháp luật vẫn khó thực thi

Phía bị đơn đã cho rằng, do hai ông Hợi và ông Tuyến có đơn xin từ chức nên ông Đông với tư cách là Chủ tịch HĐQT đã ra quyết định miễn nhiệm. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận định, Luật DN và điều lệ Cty Kim khí Hải Phòng không cho phép việc này. Điểm c, khoản 2, Điều 96 Luật DN và Điều 22 Điều lệ Cty đã quy định, việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT đều phải do Đại hội đồng cổ đông Cty quyết định.

Ngay trong đơn xin từ chức của hai ông Hợi và ông Tuyến cũng ghi rõ, đề nghị HĐQT Cty trình Đại hội đồng cổ đông quyết định. Như vậy, việc Chủ tịch HĐQT của Cty ra quyết định miễn nhiệm thành viên HĐQT của hai ông Hợi và ông Tuyến là trái luật và điều lệ Cty. TAND TP Hải Phòng đã ra quyết định hủy bỏ hai quyết định miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với hai ông Hợi và ông Tuyến của ông Lưu Thành Đông.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào tiến trình tố tụng cũng như xét xử vụ án trên thì đây hoàn toàn là một vụ án đơn giản. Tòa án không khó khăn để đưa ra một quyết định chính xác và đúng pháp luật. Nhưng đằng sau vụ kiện trên là hàng loạt tranh chấp đã và đang xảy ra.

Việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên HĐQT đều phải do Đại hội đồng cổ đông Cty quyết định.

Ông Nguyễn Văn Đạt - cổ đông Cty cho biết, năm 2006 ông Đạt được bổ nhiệm làm GĐ chi nhánh số I trực thuộc Cty Kim khí Hải Phòng. Ngày 18/05/2011, dưới sự chủ trì của ông Đông, HĐQT, Ban GĐ Cty đã đưa vấn đề công nợ của ông Đạt ra biểu quyết tại HĐCĐ và được thông qua quyết định thu hồi 90% số cổ phần (CP) của ông Đạt để bù trừ vào khoản nợ mà chi nhánh chưa thu hồi được. Cụ thể, số CP của ông Đạt bị khấu trừ nợ là 965 CP, số CP này được ông Đông duyệt bán cho cổ đông khác theo giá đã định không được sự đồng ý của ông Đạt.

Bức xúc trước việc bị bán cổ phần mà không thông qua ý kiến, ông Đạt đã làm đơn gửi Ban kiểm soát, HĐQT tố cáo ông Đông về những vi phạm trong điều hành Cty. Qua xác minh, ông Trần Ngọc Thìn – Trưởng ban kiểm soát Cty đã có văn bản kết luận nội dung tố cáo của ông Đạt là có thật và khẳng định: Việc bán CP của ông Đạt khi chưa được sự đồng ý của ông Đạt là sai luật vì đây là tài sản riêng. Còn việc lập chứng từ khống để vay đảo nợ ngân hàng và rút số tiền hơn 100 triệu đồng VN (bao gồm thuế GTGT), và việc lợi dụng chức quyền bán hàng của Cty sang Cty riêng của ông Đông (Cty Misco) để hưởng lợi… là đúng. Ngoài ra, nhiều cổ đông đã gửi đơn đi khắp nơi để tố cáo ông Đông đã có nhiều hành vi vụ lợi và chiếm đoạt nhiều khoản của Cty với số tiền lên tới cả tỷ đồng… Những đơn thư tố cáo, khiếu nại của cổ đông diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

1% cổ phần cũng có thể khởi kiện

Mặc dù Luật DN hiện hành đã quy định khái niệm về trách nhiệm trung tín của các giám đốc, nhưng luật này vẫn chưa cung cấp được cơ chế để bảo vệ các cổ động nhỏ nếu trách nhiệm này bị vi phạm. Dự thảo Luật DN sửa đổi có quy định về việc khởi kiện người quản lý. Theo đó, các cổ đông nắm giữ ít nhất 1% tổng số cổ phần có thể tiến hành khởi kiện người quản lý, chống lại các thành viên của HĐQT, giám đốc và ban kiểm soát. Đối với các vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ với DN đều phải đặt lợi ích Cty lên hàng đầu. Chi phí cho việc khởi kiện này sẽ được chi trả bởi Cty. Điều này có thể được xem là một tin tốt cho tất cả các quỹ đầu tư vốn hoặc các nhà đầu tư nhỏ lẻ chưa thực sự tự tin để tham gia vào quá trình cổ phần hóa của các DNNN. Số lượng tối thiểu dành cho một phiên họp đại hội đồng thành viên hoặc đại hội đồng cổ đông trong Cty TNHH hoặc Cty cổ phần sẽ được giảm từ 75% xuống còn 65% trên tổng số vốn điều lệ. Quy định này cũng sẽ mở ra hàng loạt cơ hội để điều chỉnh hoặc thay đổi các điều lệ này nhằm mục đích mang lại lợi ích cho các cổ đông cũng như thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mua cổ phần để từ đó nắm được quyền quản lý.

Một vấn đề khác là cả trong Luật DN hiện hành cũng như trong dự thảo sửa đổi không quy định thế nào là cổ đông nhỏ. Đã xảy ra tình trạng, có những công ty tự quy định trong Điều lệ, số cổ phiếu được sở hữu là bao nhiêu thì cổ đông mới được tham gia ĐHĐCĐ, như vậy là vẫn trái với Luật DN hiện hành bởi “mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết” nhưng thực tế thì không phải cổ đông nào cũng được “hưởng quyền” như trong quy định này.

 

Thiếu cơ chế kiểm soát

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, thực tế hiện nay, yêu cầu công khai và minh bạch hóa thông tin đối với DN nói chung còn yếu, nhất là đối với các công ty cổ phần chưa đại chúng. Các yêu cầu về công khai hóa thông tin chưa thật đầy đủ và tương thích với thông lệ quốc tế, chưa có cơ chế kiểm tra và giám sát một cách hiệu quả chất lượng của các thông tin được công bố. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những tranh chấp khó giải quyết trong nội bộ DN.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1, Điều 79, Luật DN, cổ đông chỉ có quyền được “Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác” mà không có cơ chế bắt buộc HĐQT và Ban Kiểm soát cung cấp danh sách cổ đông. Nói cách khác, nếu HĐQT và Ban Kiểm soát không hợp tác thì cổ đông, nhóm cổ đông không bao giờ thực hiện được việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường. Ngoài ra, một loạt khó khăn như là: điều kiện tiến hành; chương trình và nội dung đại hội... cũng được quy định chưa hợp lý khiến cho việc tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường của nhóm cổ đông khó có thể thực hiện được.

Để đảm bảo việc công khai, minh bạch hóa thông tin của DN, các chuyên gia cho rằng, Luật DN sửa đổi cần phải xây dựng một hệ thống cho phép thống kê các thông tin DN, tình hình tài chính của DN. Qua đó, chúng ta sẽ có những đánh giá, xếp hạng về năng lực tài chính của từng DN tạo uy tín cho các DN hoạt động hiệu quả đồng thời đưa ra cảnh báo với các đối tác về tình hình tài chính bất lợi của DN yếu, kém.


Nhóm PVPL

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   L62: Tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 (30/05/2014)

>   PFL: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (30/05/2014)

>   STC: Nghị quyết Hội đồng quản trị (30/05/2014)

>   TBT: Báo cáo thường niên 2013 (30/05/2014)

>   Đến lượt TIE "nhảy vào" kinh doanh lương thực (31/05/2014)

>   JVC: Thay đổi thời gian tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 (30/05/2014)

>   FPT sẽ tăng vốn 4 công ty thành viên (02/05/2014)

>   TNB: BCTC Q1-2014 (30/05/2014)

>   HBE: Giải trình chênh lệch lợi nhuận BCTC quý 1/2014 Công ty mẹ (30/05/2014)

>   GMD: Giải trình biến động lợi nhuận quý 1,2014 so với cùng kỳ (30/05/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật