Giấc mộng dang dở của gia tộc gốc Hoa ở Thái Lan
Khi bà Yingluck Shinawatra đắc cử Thủ tướng Thái Lan năm 2011, người dân nghèo Thái Lan hân hoan nói rằng, gia tộc Shinawatra đã trở lại nhưng hiện nay…
Gia tộc gốc Hoa họ Khâu trở thành thế gia chính trị Thái Lan Shinawatra
Bà Pasuk Phongpaichit - Giáo sư của trường đại học kinh tế Chulalongkorn của Thái Lan và chồng bà - học giả quốc tế Chris Baker đã giành nhiều năm tâm huyết để nghiên cứu mối quan hệ tương tác giữa giới doanh nhân và đời sống chính trị - xã hội Thái Lan. Trong con mắt của họ, gia tộc trăm năm của dòng họ Shinawatra chính là hình ảnh thu nhỏ, đại diện cho những biến động về chính trị và xã hội Thái Lan hơn 100 năm qua.
Năm 2003, trong một buổi diễn thuyết ở Manila, Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tâm sự: “Tuy sinh ra trong một gia đình trung lưu nhưng tôi biết những đau khổ của người nghèo nông thôn, tôi đã học được nhiều điều từ những vất vả của họ”.
Quả thực đúng là như vậy, mọi người thường chỉ biết anh em nhà Shinawatra sinh ra trong một gia đình giàu có, quyền lực được trọng vọng trong xã hội nhưng ít người biết được gốc gác của gia đình quyền lực này là người Trung Quốc nhập cư.
Vào thập niên 60 của thế kỷ 19, một người đàn ông gốc gác ở huyện Phong Thuận - thành phố Mai Châu - tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc tên là Khâu Xuân Thịnh đã mang cả gia đình di cư lên Bangkok.
Ông lấy một bà vợ người Thái và sinh được 6 đứa con, sau đó cả gia đình lại chuyển đến sinh sống ở Chiang Mai vào năm 1908. Trước thập niên 20 của thế kỷ 19, Chiang Mai vẫn còn là một tỉnh lỵ biên viễn, từ đó lên Bangkok chỉ có cách đi thuyền, cưỡi ngựa hoặc cưỡi voi, thời gian mất 3 tháng mới tới thủ đô.
Cuộc đảo chính lần thứ 12 sẽ là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của thế gia gốc Hoa Shinawatra
|
Sau khi vợ chết vì bị cướp năm 1910, ông bỏ nghề thu thuế và chuyển sang làm một thương nhân chuyên buôn bán hàng tơ lụa. Bắt đầu từ năm 1921, tuyến đường sắt mới mở đã đưa các thương nhân b Chiang Mai đến với trung tâm thương mại của đất nước là thủ đô Bangkok và con đường phát triển của gia tộc họ Khâu cũng bắt đầu đi lên từ đó.
Năm 1932 người con trai cả là ông Khâu Xương mở một nhà máy, nhập khẩu tơ lụa từ Trung Quốc, Iran và Myanmar, tham khảo những thợ thiết kế giỏi và các mẫu mốt thịnh hành nhất ở Bangkok và phát triển dòng sản phẩm riêng của mình.
Các sản phẩm của gia đình họ Khâu dần trở nên nổi tiếng, thậm chí họ còn nhận được sự ưu ái của Hoàng gia Thái Lan. Vị thương nhân thành đạt Khâu Xương này chính là ông nội của nguyên Thủ tướng Thaksin Shinawatra và đương kim Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Khâu Xương cũng như cha mình, lấy một bà vợ người Thái và không bao giờ trở lại Trung Quốc. Căn cứ vào luật pháp lúc đó của Thái Lan, người Hoa sinh sống 3 thế hệ ở quốc gia này có thể được nhập quốc tịch và mang họ Thái Lan. Năm 1938, ông Khâu Xương đã lấy họ Shinawatra và gia đình họ ngày càng thắt chặt quan hệ với các gia tộc thương gia khác ở Chiang Mai, mở rộng kinh doanh các ngành nghề xay xát, vận tải và bán lẻ.
Cha của ông Thaksin và bà Yingluck là ông Lert Shinawatra, sinh năm 1919, kết hôn với bà Yindi Ramingwong. 2 người sinh được 9 người con, trong đó ông Thaksin là con trai trưởng và bà Yingluck là con gái út, kém anh mình 18 tuổi.
Niềm vui của đại gia đình Shinawatra khi ông Thaksin đắc cử Thủ tướng
|
Khi ông Thaksin ra đời năm 1949, lúc đó dòng họ Shinawatra đã trở thành gia tộc lớn nhất nhì ở tỉnh này. Tuy nhiên, phát triển kinh doanh không phải là mục đích duy nhất của gia tộc này vì xã hội Thái lan vốn có truyền thống “trọng quan, khinh thương”.
Kể từ năm 1932, khi bắt đầu chế độ quân chủ lập hiến, quân đội trở thành lực lượng mạnh nhất trên vũ đài chính trị Thái Lan, lãnh đạo chính phủ đều xuất thân từ quân đội.
Bắt đầu từ đời cha, chú của Thủ tướng Yingluck, các thành viên của gia tộc đều nỗ lực gia nhập quân đội, thậm chí bác ruột của bà Yingluck đã đeo đến hàm tướng, 2 con trai cũng là sĩ quan cao cấp, hầu như cả dòng họ Shinawatra đều đảm nhận các chức vụ cao trong chính giới Chiang Mai.
Đến năm 1950, ông Lert Shinawatra bắt đầu tiếp quản sản nghiệp của dòng họ, sau đó mở một tiệm cà phê. Cựu Thủ tướng Thaksin đã từng kể lại: “Lúc đó, dường như cha tôi không hào hứng lắm với việc tiếp nhận sản nghiệp của gia tộc”.
Bước vào thập niên 60, ông Lert cũng bắt đầu đi theo con đường chính trị. Đến năm 1967, ông được bầu làm nghị sĩ của Chiang Mai, năm tiếp theo được bầu làm Chủ tịch hạ viện tỉnh này, đến năm 1970, ông đắc cử nghị sĩ quốc hội. Năm 1976, hết nhiệm kỳ chính phủ do Hoàng Tử Kukrit Pramoj đứng đầu, ông chính thức rời bỏ chính trị.
Sự nghiệp chính trị thăng trầm của anh em nhà Shinawatra
Là con trưởng trong gia đình nhưng con đường ông Thaksin yêu thích không phải là thương nhân mà là quân đội hoặc cảnh sát và chính trị.
Một người dân nghèo “phe áo đỏ” khóc ròng khi ông Thaksin bị quân đội đảo chính lật đổ năm 2006
|
Năm 1975, sau khi du học ở Mỹ về, Thaksin được một người bạn của cha mình làm ở Văn phòng Thủ tướng (lúc đó Hoàng tử Kukrit Pramoj đang đảm nhận cương vị đứng đấu Chính phủ) giúp đỡ, đưa vào làm công tác bảo vệ Quốc hội. Đây cũng chính là xuất phát điểm đầu tiên của ông trên con đường sự nghiệp chính trị.
Với quan điểm “Chính trị là mặt trời, thương mại là mặt đất..., vì thế chúng không bao giờ hoàn toàn phân khai”, cựu Thủ tướng Thaksin đã nỗ lực phát triển song song cả sự nghiệp chính trị và sản nghiệp thương mại.
Năm 1997, cơ nghiệp của dòng họ Shinawatra vẫn đứng vững sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á thì đến tháng 7-1998, ông cùng một số bạn bè thành lập "Đảng người Thái yêu người Thái” (Thai Rak Thai).
Trong cuộc tuyển cử tháng 1-2001, Đảng này đã giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện và ông Thaksin đã trở thành người đầu tiên của dòng họ Shinawatra nắm giữ chức vụ Thủ tướng Thái Lan.
Tính đến thời điểm này, gia sản của dòng họ Shinawatra đã lên tới khoảng 5,5 tỷ baht trong các lĩnh vực kinh doanh truyền hình, điện thoại di động, máy tính, bệnh viện tư nhân... Năm 2005, Thai Rak Thai tiếp tục thắng cử giúp ông trở thành Thủ tướng liên nhiệm kỳ 23 và 24 của Thái Lan.
Sau khi Thủ tướng Thaksin bị lật đổ trong một cuộc binh biến do giới quân đội cầm đầu, khi ông đang sang Mỹ tham dự một Hội nghị của Liên hợp quốc vào năm 2006, những tưởng sự nghiệp chính trị của gia tộc Shinawatra đã chấm dứt vì lúc đó duy nhất chỉ có ông là bộc lộ thiên hướng và đam mê chính trị, đồng thời cũng là người có khả năng nhất trong gia đình. Tuy nhiên, người anh cả đã lựa chọn cô em gái út để thay mình bước vào vũ đài chính trị.
Bà Yingluck chia vui với những người ủng hộ mình
|
Đầu năm 2010, một nhóm thành viên cốt cán của “Đảng Pheu Thai” (tiền thân của nó là “Đảng sức mạnh nhân dân”, với nòng cốt là đảng viên cốt cán của Đảng Thai Rak Thai) đã bí mật bay ra nước ngoài tìm gặp cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra.
Nhóm đại diện này đã tham vấn ý kiến của ông Thaksin về vấn đề lựa chọn bà Yingluck làm người đại diện cho Đảng tham gia tranh cử Thủ tướng. Sau cuộc hội kiến với anh trai ở Dubai vào tháng 5-2010, cô con gái út của gia tộc Shinawatra đã quyết định tham chính.
Trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 07-03-2011, “Đảng Pheu Thai” (Đảng vì nhân dân) đã giành thắng lợi áp đảo đưa bà Yingluck Shinawatra trở thành Thủ tướng Thái Lan nhiệm kỳ 28. Thế nhưng đây lại là điểm khởi đầu cho những bất hạnh của nữ Thủ tướng xinh đẹp.
“Phe áo vàng” đã mượn cớ nội các của Thủ tướng Yingluck Shinawatra muốn quốc hội thông qua dự luật ân xá để cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra (người sống lưu vong sau khi quân đội lật đổ ông vào năm 2006) có thể trở về nước, để dấy lên một làn sóng biểu tình đòi lật đổ Chính phủ trên phạm vi toàn quốc.
Phe đối lập đòi nữ Thủ tướng phải từ chức và thành lập một “Hội đồng nhân dân” không qua bầu cử. Tuy đã tuyên bố giải tán Hạ viện nhưng bà bác bỏ yêu cầu từ chức và tiếp tục nắm quyền cho đến cuộc bầu cử trước thời hạn vào ngày 2-2-2014.
Cục diện chính trị Thái Lan tiếp tục hỗn loạn cho đến khi quân đội Thái Lan tiến hành cuộc đảo chính được dự báo trước vào ngày 22-5.
Thủ tướng Yingluck là người thứ 2 trong gia tộc Shinawatra nhậm chức Thủ tướng
|
Trưa thứ năm, phái đoàn hai phe chính trị đối đầu đàm phán thất bại vì không bên nào nhượng bên nào. Lập tức các thượng nghị sĩ và ủy viên hội đồng bầu cử được quân đội mời ra khỏi phòng họp trong khi đó lãnh đạo chính trị hai phe đối kháng bị bắt ngay. Tư lệnh Lục quân, Tướng Prayut Chan-Ocha đập tay xuống bàn tuyên bố: "Tôi nắm chính quyền".
Dưới cái tên Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia Thái Lan, giới lãnh đạo quân sự cầm quyền Thái Lan đã đưa ra một loạt thay đổi toàn diện trong những ngày qua. Hôm 22/5, lực lượng này đã giải tán Hạ viện, tạm ngừng hiến pháp.
Đáng buồn cười hơn, đây chính là hiến pháp mà đích thân Tư lệnh lục quân Prayuth từng giúp phác thảo ra trong cuộc đảo chính gần đây nhất năm 2006. Bằng cách giải tán cả Thượng viện và Hạ viện, giới lãnh đạo quân sự cầm quyền có thể bỏ qua sự phê chuẩn của Quốc hội cho những luật mới mà họ định ban hành trong thời gian tới.
Sáu trong số các tướng lĩnh quân đội cao cấp nhất của Thái Lan đã được chỉ định để điều hành đất nước trong khi tư lệnh quân đội ở các tỉnh chịu trách nhiệm giám sát chính quyền địa phương.
Trước đó, các nhà phân tích chính trị đã đưa ra nhận định, nếu chính phủ của bà Yingluck chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ sung và hoặc tình thế giằng dai quá lâu, thì rất có thể giới quân sự và phe đối lập sẽ bắt tay nhau dựng lên một chính phủ mới, và kiểu gì người thứ 2 trong gia tộc Shinawatra cũng sẽ phải rời bỏ cương vị lãnh đạo Thái Lan. Và dự đoán đó đã trở thành hiện thực.
Quân đội đã thực hiện cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của bà Yingluck
|
Dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của gia tộc Shinawatra
Sau khi lên nắm quyền, nữ Thủ tướng Yingluck tiếp tục thực hiện ước nguyện dang dở của người anh cả là xây dựng một đất nước đoàn kết, một xã hội công bằng, hướng đến tầng lớp trung lưu và người nghèo Thái Lan.
Bà tuyên bố bắt đầu từ năm 2012 sẽ tiến hành tăng lương tối thiểu trên toàn quốc, tại thủ đô Bangkok sẽ tăng lên 40%, tức là 300 Baht một ngày. Bà còn nâng mức thu mua gạo của nông dân từ chưa đầy 10.000 Baht/tấn lên 15.000 Baht. Để giảm nhẹ gánh nặng cho người sử dụng lao động, mức thuế xuất sẽ giảm từ 30% xuống còn 23%, sang năm 2013 tiếp tục giảm còn 20%.
Tuy nhiên, những phức tạp trong đời sống chính trị Thái Lan cùng với những chính sách của bà đã động chạm đến quyền lợi của một bộ phận không nhỏ giới thượng lưu. Việc đi ngược lại ý chí của những người theo trường phái bảo hoàng đã biến bà Yingluck trở thành cái gai trong mắt họ.
Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan ở thế yếu vì không được sự ủng hộ của giới quyền lực, nhất là thành phần bảo hoàng và quân đội - những thế lực không muốn bị mất quá nhiều quyền lợi về tay người nghèo mà tiêu biểu trong đó là Suthep Thaugsuban - người đại diện của thành phần thượng lưu, mà công cụ của nó chính là quân đội Thái Lan.
Trong con mắt của quân đội, chính phủ của bà Yingluck Shinawatra được xem là biểu tượng của phong trào chống chế độ bảo hoàng, còn bên phản đối thì cho là tàn dư của truyền thống chính trị gia tham ô, nhũng lạm quyền thế, bảo vệ “ông anh bị lật đổ” (chỉ cựu Thủ tướng Thaksin).
Thái Lan hiện đang trong tình trạng thiết quân luật
|
Ban đầu, quân đội Thái Lan tuyên bố không can dự vào chính sự và đề nghị chính phủ và người biểu tình tự thương lượng và giải quyết với nhau, nhưng lí do thực sự là không muốn mang tiếng là “thanh lọc” gia tộc nhà Shinawatra. Câu hỏi đặt ra là tại sao quân đội đã kiên nhẫn đến thế nhưng rồi họ lại tiến hành đảo chính vào thời điểm này?
Ý đồ của quân đội là mượn tay của phe đối lập và phong trào biểu tình, gây sức ép để chính phủ tự nguyện chuyển giao quyền lực cho một chính phủ trung gian nhưng không đạt được mục đích, dẫn đến cục diện giằng dai không bên nào chịu bên nào. Nếu tình hình này kéo dài, có một nguyên nhân rất quan trọng và cấp bách, bắt buộc quân đội phải đảo chính.
Hiện nay, Quốc vương Thái Lan Bhumibol, trị vì từ năm 1946 đến nay đã 86 tuổi, sức khỏe gần đây đã suy yếu nhiều. Thái tử Maha Vajiralongkorn, 61 tuổi là người được chỉ định lên kế vị. Vấn đề là ở chỗ, Thái tử Maha là một người rất gần gũi với ông Thaksin thời còn tại vị Thủ tướng. Đó có thể là một nguyên nhân rất quan trọng khiến quân đội muốn nhanh chóng “bứng rễ” phe Thaksin.
Quốc vương Thái Lan đã công nhận lãnh đạo của cuộc đảo chính quân sự. Ngày 26-5, Tư lệnh quân đội Thái Lan đã được sự phê chuẩn của Quốc vương nước này với tư cách là người lãnh đạo đất nước - tức Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia Thái Lan, trong một buổi lễ ở thủ đô Bangkok.
Sự phê chuẩn của Quốc vương đã đem lại tính hợp pháp cho chính phủ quân sự mới ở Thái Lan và cho phép lãnh đạo của chính phủ này xây dựng một ban Hiến pháp tạm thời và thành lập các ủy ban lập pháp và cải cách cho đến khi nào họ thấy “tình huình ổn định” để “trao lại quyền lực cho nhân dân”.
Trước đó 1 ngày, quân đội Thái Lan đã yêu cầu thêm 35 người nữa đến trình diện trong bối cảnh các hành động ổn định tình hình bằng quân đội sau đảo chính vẫn đang tiếp diễn. Động thái này diễn ra một ngày sau khi quân đội yêu cầu hơn 100 chính trị gia, trong đó có cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, đến trình diện hội đồng quân sự.
Trong số 35 học giả, chính khách và các nhà hoạt động được yêu cầu trình diện có cả thủ lĩnh biểu tình đối lập Suthep Thaugsuban và thủ lĩnh biểu tình thân chính phủ Jatuporn Propan và họ cũng đều bị tạm giữ. Điểm chung của những người này là đa phần trong số họ hoặc là từng bị truy tố về tội xúc phạm chế độ hoặc là đã từng lên tiếng chỉ trích chế độ quân chủ.
Quân đội Thái Lan bắt đầu phong tỏa Bangkok từ ngày 22-5
|
Trong số này có một số nhân vật nòng cốt của “phe áo đỏ” ủng hộ Chính phủ của bà Yingluck, một người nguyên là lãnh đạo cảnh sát quốc gia, một cựu bộ trưởng Tư pháp và một nghị sỹ của Đảng Pheu Thai. Ngoài ra, còn có khoảng 23 thành viên của đảng Pheu Thai cũng đã được triệu tập.
Cựu Thủ tướng Yingluck đã được phóng thích sau khi bà báo cáo một số vấn đề với quân đội Thái Lan và cam kết “giúp duy trì hòa bình, trật tự ở Thái Lan và không tham gia vào hoạt động của những người biểu tình cũng như bất kỳ phong trào chính trị nào khác”.
Hiện nay, quân đội Thái Lan cũng đang “tấn công” vào Chiang Mai - một tỉnh phía bắc Thái Lan là căn cứ đầu não của lực lượng của “phe áo đỏ”. Một số nhà hoạt động đã bị bắt giữ, các đài phát thanh địa phương vốn được dùng để phát đi các thông điệp ủng hộ gia đình Thaksin cũng đã bị đóng cửa.
Nhóm chuyên gia tư vấn Siam Intelligence Unit dự báo là tình hình sắp tới “sẽ rất xấu” vì lãnh đạo Đảng Pheu Thái chắc sẽ có những phản ứng dữ dội. Tuy nhiên, có thể khẳng định một điều là dù Thái Lan có xảy ra bất cứ sự kiện chính trị nào thì chắc chắn cũng không người con nào trong gia tộc Shinawatra còn có thể lên nắm quyền được nữa.
Nền dân chủ Thái Lan từng chứng kiến 19 cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính của quân đội từ năm 1932 đến nay. Và cuộc đảo chính quân sự lần thứ 12 này chắc chắn sẽ là dấu chấm hết cho con đường chính trị của thế gia gốc Hoa Shinawatra.
Thiên Nam
đất việt
|