Doanh nghiệp “... hết gạo chạy rông, nhất Nông nhì Sỹ”?
"Nhất Sỹ nhì Nông, hết gạo chạy rông, nhất Nông nhì Sỹ" - câu nói này có vẻ đúng trong thời điểm hiện nay không chỉ đối với các công ty niêm yết mà còn cả các đơn vị kinh doanh nhỏ khi mà hoạt động kinh doanh chính đang bế tắc.
Nhiều ưu đãi, thị phần rộng mở
Mặc dù từ năm 2010 Chính phủ đã có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng vẫn chưa hiệu quả. Vì vậy, năm 2013 Chính phủ tiếp tục tạo động lực cho doanh nghiệp khi ban hành thêm Nghị định 210 với “lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thuộc danh mục đặc biệt ưu đãi”. Theo đó các nhà đầu tư sẽ được miễn, giảm và hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuê đất, mặt nước, phát triển thị trường… và nguồn vốn. Còn nếu chăn nuôi bò sữa, nhập và được nuôi trực tiếp tại doanh nghiệp, tiền hỗ trợ nhập bò sữa giống được chuyển trực tiếp cho doanh nghiệp…
Trong khi đó, tại Hội nghị của Tổ chức Lương Nông Liên hiệp quốc (FAO) hồi tháng 3/2014 tại Hà Nội, tổ chức này đã dự báo, dân số thế giới đến năm 2050 lên tới 9.2 tỷ người, tương đương cần tăng 60% sản lượng lương thực toàn cầu, nhất là tại các quốc gia đang phát triển. Theo đó, giá các loại lương thực chủ yếu trên thế giới sẽ tăng ở mức chóng mặt vào cuối thập kỷ này. Cụ thể, giá thóc gạo được dự báo sẽ tăng 40%; giá ngô tăng 48%; giá lúa mỳ tăng 27% và giá hạt có dầu tăng 36%.
Với thị phần nông nghiệp đang rộng mở, cộng thêm những ưu đãi từ Chính phủ, và đặc biệt là hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp (như bất động sản, tài chính…) bế tắc, thì làn sóng chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp trở nên rầm rộ hơn bao giờ hết.
Đó đều là những tín hiệu đáng mừng cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc nhà nhà cùng đầu tư vào nông nghiệp thì liệu có bị khủng hoảng thừa, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết, trong ngắn hạn có thể có những vấn đề này kia xảy ra, nhưng về dài hạn thì đây là điều khả quan. Với đất nước 80% dân số làm nông nghiệp thì không những nâng cao đời sống cho người nông dân mà sản phẩm của Việt Nam còn đáp ứng nhu cầu lương thực cho toàn thế giới.
Nhà nhà đầu tư vào nông nghiệp
Bởi thế mà SSI liên tục tăng nắm giữ các công ty nông nghiệp trong thời gian qua. Tại thời điểm cuối năm 2013, SSI đang sở hữu từ 20% vốn trở lên tại Giống Cây trồng Trung ương (HOSE: NSC), Giống cây trồng miền Nam (HOSE: SSC), Chế biến hàng xuất khẩu Long An (HOSE: LAF) và Xuyên Thái Bình (HOSE: PAN). Trong đó, ông Nguyễn Duy Hưng đồng thời là Chủ tịch của PAN và công ty này vừa thông báo chào mua công khai thêm gần 41% vốn NSC nhằm tăng nắm giữ lên 65%.
Ngược lại, nhận thấy ngành thủy sản đang có nhiều rào cản về thuế xuất khẩu nên SSI cho biết sẽ bán bớt cổ phần Thủy sản Hùng Vương (HOSE: HVG) để không còn là công ty liên kết.
Còn để đối phó với khó khăn lâu dài trong ngành thủy sản, HVG cũng đã lên kế hoạch phân phối sản phẩm nông nghiệp (gạo, sữa, cà phê, gia vị…) vào 16 chợ tại thị trường Mỹ bằng cách đầu tư sở hữu 30-51% vốn tại chợ này và định hướng mở rộng lên 50 chợ.
Hoàng Anh Gia Lai (HAG) - một doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản, đã tái cấu trúc từ năm 2013 bởi theo vị Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức "Hoàng Anh Gia Lai tạm thời bỏ ngỏ thị trường bất động sản Việt Nam vì càng làm càng lỗ". Theo đó, HAG đã dần thoái vốn và thu hẹp các ngành khai khoáng, thủy điện, bất động sản tại Việt Nam và đầu tư vào hai mảng chính là nông nghiệp và bất động sản tại Myanmar.
Và mới đây, ông còn tuyên bố, HAG chuẩn bị nuôi 100,000 con bò tại Lào. Và ngay trong tháng 6, 7 tới sẽ nhập trước 40,000 con bò từ Úc. Ông Đức tự tin cho biết: "Nếu làm đúng thì doanh thu cả trăm tỷ, nghìn tỷ cũng đạt được, thậm chí lợi nhuận nhiều nghìn tỷ đồng/năm vẫn có được".
Đối với lĩnh vực sản xuất sản phẩm cao su, HAG làm theo đơn đặt hàng và nhu cầu của thị trường. Công ty chỉ đưa vào 1/3 diện tích cao su khai thác và giá thành 1,400 USD/tấn đã có lãi. Bên cạnh đó, HAG không chỉ tập trung vào cao su, mà còn có mía đường, bắp, cọ dầu .
Còn tại Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG), vị Chủ tịch Bùi Pháp cũng vừa phát biểu, công ty sẽ tiến hành tái cấu trúc mạnh từ năm 2014 bằng việc xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại. Trước mắt, DLG sẽ tiến hành trồng cây nông nghiệp ngắn ngày là bắp. Kế hoạch năm 2014 trồng trên diện tích 1,000ha, năm 2015 mở rộng lên 2,000ha và 4,000ha vào năm 2016. Cùng với đó, Công ty sẽ tiếp tục hoàn tất công tác trồng cao su trên diện tích đất 8,000 ha hiện có. Chưa dừng lại, DLG sẽ mở rộng việc trồng cây nông nghiệp sang vùng đất Nam Lào và Campuchia. Theo đó, DLG vừa thành lập công ty nông nghiệp với vốn điều lệ 360 tỷ đồng với ngành nghề chính là trồng các loại cây lương thực, cao su và chăn nuôi trâu, bò…
Cũng trong ngành bất động sản, Phát triển nhà Thủ Đức (HOSE: TDH) đã tham gia khá lâu vào ngành nông sản và năm 2013 ghi nhận doanh thu tới 192 tỷ đồng từ lĩnh vực này (chiếm 36% doanh thu sản xuất kinh doanh). Công ty cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu nông lâm sản, sản phẩm phục vụ nông nghiệp dựa trên cơ sở nguồn hàng, khách hàng đã được xây dựng từ năm 2013.
Vừa mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên của Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (HOSE: IDI), ban lãnh đạo cho biết sẽ khởi công dự án sản xuất gạo và phụ phẩm cám gạo sẽ được sử dụng làm thức ăn cho cá. Vỏ trấu sẽ được sử dụng làm nhiên liệu đốt, dự án ép trấu thành thanh củi sẽ được triển khai đi kèm.
Những điều đó để thấy rằng, dường như đang có một làn sóng doanh nghiệp chuyển hướng sang kinh doanh đa ngành, đặc biệt là nông nghiệp. Tuy nhiên, tại một hội thảo về kinh doanh cốt lõi, các chuyên gia cho rằng, làm sao để hoạt động ngành “phụ” này có hiệu quả đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược cụ thể và nắm bắt đúng thời điểm để đa ngành không trở nên dàn trải, đồng vốn bị chia nhỏ và mang lại lợi ích thật sự cho cổ đông.
Thanh Nụ
công lý
|