ĐHĐCĐ VKP lần 1 bất thành: Sẽ trình kế hoạch phá sản
ĐHĐCĐ thường niên 2014 của CTCP Nhựa Tân Hóa (UPCoM: VKP) tố chức vào sáng 20/05 tại TPHCM không thể diễn ra do chỉ có 9 cổ đông tham dự, đại diện cho 2.2% tỷ lệ tham dự có quyền biểu quyết.
VKP dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ thường niên lần 2 vào ngày 05/06
|
Trình cổ đông kế hoạch phá sản
Theo tờ trình ĐHĐCĐ, do tình trạng rất khó khăn về tài chính, các khoản nợ phải trả rất lớn, HĐQT VKP mong muốn cổ đông thông qua việc bán thanh lý các tài sản để thanh toán các khoản nợ của Nhà nước, lương của công nhân và đối tác...
Thông tin từ tờ trình về phá sản, đầu năm 2014 đến nay, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do thiếu vốn lưu động, VKP đã tạm ngưng hoạt động. Cho nên, nếu tại ĐHĐCĐ thường niên 2014 cổ đông không thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu để bổ sung vốn lưu động thì HĐQT sẽ trình cổ đông việc phá sản CTCP Nhựa Tân Hóa.
Cuối năm 2013, lỗ lũy kế 273 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính năm 2013 đã được kiểm toán, VKP lỗ gần 48 tỷ đồng. Trong năm, do chỉ tiêu giá vốn cao hơn giá bán nên VKP đã bị lỗ ngay trên giá bán. Nguyên nhân là do trong các khâu tổ chức sản xuất không làm tốt định mức tiêu hao về chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công, chi phí khấu hao, chi phí lãi vay …
Vấn đề này đã xảy ra từ nhiều năm trước, do không còn vốn hoạt động nên nguyên vật liệu đầu vào chỉ trông chờ vào một vài nhà cung cấp chấp nhận bán trả chậm. Bên cạnh đó, do khó khăn về tài chính, nhân sự dẫn đến quy mô sản xuất và thiết bị máy móc chỉ hoạt động 70% công suất.
Lỗ lũy kế đến 31/12/2013 là 273 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu bị âm 80 tỷ đồng.
Tình hình tài chính trong năm mất cân đối trầm trọng, tổng tài sản gần 114 tỷ đồng, trong khi đó nợ phải trả hơn 259 tỷ đồng, số nợ hiện nay đã vượt qua số tài sản hiện có của VKP. Tổng số nợ bao gồm:
- Công ty mua bán nợ (DATC): 159 tỷ đồng
- Khách hàng : 39.6 tỷ đồng
Ngoài ra, VKP hiện đang làm việc với Tòa án về vụ tranh chấp với Công ty Quang Minh số tiền 25.6 tỷ đồng.
Nỗ lực cứu vớt “tàu đắm” khó thành!
Theo tài liệu báo cáo của Ban Giám đốc, trong năm 2013, được sự chấp thuận của HĐQT, VKP đã có nhà đầu tư (NĐT) mới. Với những nỗ lực vực dậy VKP, cổ đông mới đã có những cố gắng trong việc tái cấu trúc công ty bằng nhiều biện pháp như tăng vốn mua vật tư nguyên vật liệu, cải tạo, sửa chữa nhà xưởng, thiết bị máy móc, trả các khoản nợ thuế, BHXH. .. nhằm phục hồi sản xuất. Từ bước đầu còn khoảng 80 lao động đã tăng lên 168 lao động.
Ban Giám đốc cho rằng, sản phẩm làm ra của VKP trong năm đã có chiều hướng tốt, những bạn hàng lớn như CP, Cargill, Ewos.. đều quay lại; Công ty Đường Nivl, Công ty gạo Anh Tài cũng đặt hàng tại VKP, nhưng do chi phí khá cao (chế độ bù lương, hiệu suất chưa cao..) nên dẫn đến lỗ trong kinh doanh một thời gian dài. Và cho đến cuối năm 2013 thì công ty không còn nguồn tiền để duy trì hoạt động và Ban Giám đốc kiến nghị được HĐQT chấp nhận cho tạm ngưng hoạt động.
Ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc VKP chia sẻ với chúng tôi bài toán khó mà công ty đang gặp phải là về vốn và nhân sự. Về vốn, hiện công ty đã không thể vay thêm được nữa do không còn tài sản để thế chấp, muốn phát hành thêm thì bị vướng về cơ chế không được phát hành dưới mệnh giá. Về nhân sự, công ty đã rất nỗ lực để giữ lại nhân tài, tuy nhiên tình hình khó khăn, vốn không thể huy động được nên cũng đành để thợ lành nghề ra đi.
Những điều VKP có thể làm bây giờ là chờ nhà đầu tư rót vốn hay tìm kiếm nhà đầu tư mới để giải quyết bài toán khó về vốn lưu động. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng việc này rất khó, hay đúng hơn là quá muộn để thực hiện được.
Gia Nguyên
Công lý
|