Thứ Sáu, 30/05/2014 19:01

Chứng khoán Tuần 26 – 30/05: Khối ngoại đột ngột gom mạnh, Tự doanh chốt lời

Khối ngoại, nhiều khả năng là quỹ ETF, đã đẩy mạnh thu gom cổ phiếu với giá trị hơn 500 tỷ đồng trong tuần qua. Trong khi đó, tự doanh CTCK tận dụng cơ hội để đẩy mạnh chốt lời.

I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN 26 – 30.05.2014

Giao dịch: Đà tăng duy trì tốt. Hai chỉ số thị trường chính tiếp tục đà tăng trong tuần này. Theo đó, VN-Index tăng 3.79% chốt tại 562.02 điểm, còn HNX-Index tăng 1.64% lên 75.80 điểm. VS 100 tăng 4.39% lên 92.46 điểm và VN30 tăng 3.98% đạt 618 điểm.

Nhóm cổ phiếu theo Market Cap giảm điểm duy nhất trong tuần này là VS-Mid Cap với mức giảm 1.22%, nhóm tăng nhiều nhất là VS-Large Cap (4.64%), tiếp theo là VS-Micro Cap (3.02%), VS-Small Cap (0.64%).

Thanh khoản tuần này vẫn duy trì ở mức khá, mặc dù thấp hơn tuần trước. Theo đó, khối lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn HOSE giảm1.6% so với tuần trước và đạt tổng cộng 495 triệu đơn vị, còn trên sàn HNX giảm 8.3%, đạt gần 318 triệu đơn vị.

Sau nhịp ”dừng chân” cuối tuần trước, thị trường tiếp tục khởi động đà tăng trở lại ở mức nhẹ trong phiên đầu tuần do vẫn còn tâm lý thận trọng. Tuy giao dịch khá trầm lắng nhưng một số cổ phiếu đầu cơ và thị giá nhỏ như FLC, DLG, VHG, AVF, PTK, HLA, ... vẫn thu hút được dòng tiền hoạt động sôi nổi. Các cổ phiếu bluechip cũng có sự phân hóa khi VCB, MSN, BVH, VIC tăng điểm, trong khi VNM, BID giảm điểm.

Tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư nhanh chóng trở lại trong phiên tiếp theo khiến thị trường bứt phá mạnh cả về điểm số và thanh khoản. Giao dịch không chỉ diễn ra tích cực trên các nhóm cổ phiếu đầu cơ như Chứng khoán, Xây dựng, Ngân hàng,… mà còn ở các cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, BVH, BID, MSN, GAS, VNM. Hoạt động mua ròng liên tục của khối ngoại cũng góp phần quan trọng vào sự khởi sắc của thị trường.

Với sự tăng điểm mạnh ở nhóm cổ phiếu nóng, nhà đầu tư đã không chần chừ việc chốt lời trong phiên giữa tuần khiến nhiều mã không còn giữ được sắc xanh như LCG, ITA, KBC, HQC, FLC…. Tuy nhiên, giao dịch vẫn tích cực ở các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, MSN, STB, BVH, VCB, HPG... đã giúp thị trường tiếp tục tăng điểm khá. Điểm tích cực là thanh khoản tuy giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao và khối ngoại tiếp tục mua ròng.

Hoạt động chốt lời được tăng cường hơn trong hai phiên cuối tuần, khiến thị trường giao dịch khá giằng co. Các nhóm cổ phiếu đầu cơ tiếp tục bị bán mạnh. Bên cạnh đó, một số mã bluechip cũng không tránh khỏi áp lực bán gia tăng. Tuy nhiên, VN-Index đã thoát khỏi sự giảm điểm trong hai phiên này nhờ đà tăng vẫn duy trì tốt ở GAS, MSN, STB, VIC,... trong khi đó HNX-Index quay đầu giảm điểm. Việc thiếu đi dòng tiền đầu cơ đã khiến thanh khoản suy giảm trở lại trong phiên cuối tuần, trong khi khối ngoại vẫn tiếp tục mua mạnh.

Nhà đầu tư nước ngoài: Đẩy mạnh mua ròng hơn 500 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng cổ phiếu tổng cộng 500.6 tỷ đồng trong tuần này. Giao dịch mua ròng bền bĩ của khối ngoại tiếp tục là động lực quan trọng giúp thị trường tiếp tục khởi sắc trong tuần qua.

Trên sàn HOSE, khối ngoại mua ròng 456.1 tỷ đồng, tập trung mạnh nhất là MSN (102 tỷ đồng), STB (70.9 tỷ đồng), GAS (61.8 tỷ đồng), BVH (42.4 tỷ đồng),... trong khi bán ròng nhiều nhất là HAG (46.9 tỷ đồng).

Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 44.5 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất ở PVS (30.6 tỷ đồng), VCG (18.8 tỷ đồng) và bán ròng chủ yếu ở SHB (16.6 tỷ đồng), VND (9.0 tỷ đồng).

Theo thông báo của quỹ MSCI Frontier Markets Index ETF, sau giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Sáu (30/05) – ngày thực hiện đảo danh mục, họ sẽ còn 127 cổ phiếu thành phần do loại bỏ 30 mã nhưng chỉ thêm 13 mã, trong đó giữ nguyên 9 cổ phiếu của Việt Nam là VIC, MSN, DPM, HAG, VCB, STB, BVH, CTG và GAS.

Như vậy, sau khi loại bỏ khá nhiều mã, nhiều khả năng MSCI đã tăng cường mua thêm đối với các mã trong danh mục cơ cấu lại này, trong đó có 9 cổ phiếu Việt Nam nói trên.

Khối tự doanh CTCK: Chốt lời, bán ròng hơn 341.6 tỷ đồng (đã loại trừ giao dịch mua trái phiếu). Tính tới phiên ngày Thứ Năm (29/05), khối tự doanh các CTCK đã bán ròng tổng cộng 16.5 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị 293.6 tỷ đồng.

Khối tự doanh các CTCK tiếp tục bán ròng cả 4 phiên đầu tuần này với phiên bán ròng mạnh nhất rơi vào thứ Hai với hơn 12 triệu đơn vị, tương ứng 205 tỷ đồng. Giá bán bình quân trong phiên này gần 20,000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá mua bình quân lên tới 79,400 đồng. Nhiều khả năng giao dịch mua trong phiên này liên quan đến trái phiếu, với giá trị 48 tỷ đồng.

Như vậy, nếu loại trừ giao dịch mua trái phiếu thì khối tự doanh các CTCK bán ròng hơn 341.6 tỷ đồng trong 4 phiên đầu tuần này.

Cổ phiếu đáng chú ý: Trong tuần này, số nhóm tăng điểm vẫn ở mức cao với tỷ lệ 17/24, trong đó nhóm tăng mạnh nhất là Bảo hiểm (8.16%), Ngân hàng (7.04%), Chứng khoán (6.88%), Vận tải - Kho bãi (5.82%), Xây dựng (3.74%), Bất động sản (1.58%). Nhóm giảm điểm nhiều nhất là Chứng chỉ quỹ (-3.03%%), Sản xuất Cao su (-2.81%)...

Cổ phiếu tăng điểm mạnh đáng chú ý trên HOSE là VHG tăng 17.1%, HAP tăng 14.1%, STB tăng 12%. Không có cổ phiếu tăng điểm nào đáng chú ý trên sàn HNX.

VHG tăng 17.1%. VHG vừa mới thông báo đăng ký chào bán 37.5 triệu cổ phiếu với giá 10,000 đồng/cổ phiếu để bổ sung vốn lưu động, triển khai các dự án đầu tư. Điều này có thể đã thu hút dòng tiền đầu cơ đổ mạnh vào và giúp VHG tiếp tục tăng mạnh trong tuần này.

HAP tăng 14.1%. HAP có thông báo trả cổ tức tiền mặt 5%, theo đó ngày GDKHQ là 10/6. Điều này đã có thể giúp dòng tiền đầu cơ tìm đến HAP và giúp cổ phiếu này tăng điểm trong tuần qua.

STB tăng 12%. Không có thông tin gì mới liên quan đến hoạt động kinh doanh của STB. Khả năng STB tăng điểm là nhờ ảnh hưởng của dòng tiền nóng hướng đến nhóm cổ phiếu Ngân Hàng trong tuần qua, đặc biệt là khối ngoại đã liên tục mua mạnh cổ phiếu này trong thời gian gần đây, chỉ trong hai phiên cuối tuần đã đạt gần 3.4 triệu đơn vị.

Cổ phiếu giảm điểm mạnh đáng chú ý trên sàn HNX là PSG giảm 36.3%, ITQ giảm 15.3%. Không có cổ phiếu giảm điểm nào đáng chú ý trên sàn HOSE.

PSG giảm 36.3%. Việc PSG giảm mạnh là điểu dễ hiều khi cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết từ ngày 04/06. Lý do là KQKD thua lỗ trong 3 năm liên tiếp từ 2011-2013 đồng thời lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp tại ngày 31/12/2013 theo BCTC kiểm toán và tổ chức kiểm toán có ý kiến không chấp thuận đối với BCTC kiểm toán Công ty mẹ và hợp nhất năm 2013.

ITQ giảm 15.3%. Không có thông tin nổi bật nào về ITQ. Khả năng giảm điểm có thể là do dòng tiền đầu cơ chốt lời ở cổ phiếu này khi đã tăng khá trong các phiên trước đó.

II. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN QUA

 

 

 

 

 

 

 

(Nguồn dữ liệu: VietstockFinance)

Trịnh Thị Thu Hoa

công lý

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật