Brazil điều tra các vụ bê bối của tập đoàn dầu khí quốc gia
Ngày 14/4, Thượng viện Brazil đã mở cuộc điều tra về các vụ bê bối tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras liên quan đến năng lực quản lý yếu kém và cáo buộc tham nhũng.
Một nhóm thượng nghị sỹ đang xem xét vụ Petrobras "mua hớ" Công ty lọc dầu Refining System ở thành phố Pasadena thuộc bang Texas (Mỹ) cách đây 8 năm; cũng như các cáo buộc cho rằng ban lãnh đạo Petrobras nhận hối lộ để đổi lấy các hợp đồng với công ty cho thuê tàu viễn dương SBM Offshore của Hà Lan.
Ngoài ra, các nghị sỹ cũng điều tra cáo buộc Petrobras chi quá tay cho các hoạt động xây dựng các nhà máy lọc dầu trong nước.
Giới phân tích cho rằng việc Thượng viện Brazil vào cuộc trong các vụ bê bối của Petrobras sẽ càng làm giảm uy tín của Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff trong bối cảnh bà đang nỗ lực tái cử nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Tổng thống Rousseff giữ chức Chủ tịch Petrobas khi hợp đồng mua công ty lọc dầu Pasadena được ký kết vào năm 2006. Bà Rousseff cho biết ban lãnh đạo Petrobras khi đó đã ký hợp đồng trị giá 370 triệu USD mua lại 50% cổ phần của Pasadena từ công ty kinh doanh dầu Astra của Bỉ.
Tuy nhiên, bà hoàn toàn không hay biết về một điều khoản trong hợp đồng quy định Petrobras phải mua nốt số cổ phần còn lại với giá 450 triệu USD, cao gấp 20 lần so với giá thị trường.
Ngoài ra, các chính sách năng lượng của Petrobas trong thời gian bà Rousseff làm Chủ tịch như kiểm soát giá xăng dầu trong nước để tránh lạm phát cũng được cho là đã làm giảm đáng kể doanh thu của tập đoàn, khiến Petrobras không đủ khả năng triển khai các dự án mở rộng quy mô sản xuất trị giá 221 tỷ USD trong 5 năm tới.
Petrobras là tập đoàn lớn nhất Brazil và là doanh nghiệp dầu khí lớn thứ 4 thế giới xét về vốn. Tuy nhiên, tập đoàn này có tỷ lệ nợ cao nhất và khả năng sinh lợi thấp nhất trong số các tập đoàn dầu khí. Giá trị thị trường của Petrobras hiện giảm mạnh, xuống còn 100 tỷ USD từ mức 226 tỷ USD trong năm 2010. Trong quý 1/2014, lợi nhuận của tập đoàn này sụt giảm 30% do sản lượng dầu giảm trong khi các chi phí sản xuất tăng./.
vietnam+
|