Thứ Sáu, 25/04/2014 08:45

Trực tuyến ĐHĐCĐ Vinamilk: Xuất khẩu là chứng chỉ cao nhất về chất lượng sản phẩm

ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 của CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (HOSE: VNM) sáng 25/04 rất sôi động với nhiều ý kiến trao đổi giữa cổ đông và Ban chủ tọa.

12h10: Đại hội thông qua tất cả các tờ trình

10h15: Thảo luận

Làm mọi cách để giữ thị phần

Tại sao kế hoạch năm 2014 tăng doanh thu 15% nhưng lợi nhuận giảm 6%, trong khi đó giá sữa thế giới cũng giảm nhiều?

Bà Mai Kiều Liên cho biết không ai muốn đưa kế hoạch lợi nhuận thấp hơn so với năm trước. Tuy nhiên, do sức mua đang giảm sút nhiều dù có đổ nhiều tiền vào quảng cáo và khuyến mại. Bên cạnh đó cạnh tranh ngày càng gay gắt, đối thủ không quan tâm đến lợi nhuận, thậm chí bán lỗ vẫn làm được. Trong khi đó VNM có áp lực vừa giữ thị phần và vẫn phải đảm bảo lợi nhuận.

Thông tin giá sữa nguyên liệu giảm mạnh nhưng thực tế là không giảm, giá sữa chỉ giảm trong ngắn hạn (4 tuần), hôm qua (24/04/2014) giá sữa đã tăng lại.

Về việc tăng giá sữa, để đảm bảo trượt giá thì giá sữa phải tăng 11% nhưng VNM chỉ tăng 6% và phải chịu áp lực với các cơ quan chức năng.

VNM đặt kế hoạch phải giữ thị phần bằng mọi giá (là mục tiêu lâu dài, bền vững cho những năm tới). Theo bà Mai Kiều Liên, kế hoạch này HĐQT đặt ra là khả thi. Lợi nhuận kế hoạch của VNM có giảm so với năm trước nhưng các chỉ số so với các công ty cùng ngành trong nước và trong khu vực cao hơn nhiều.

Kết quả kinh doanh của Tập đoàn Sữa Driftwood?

Trong quý 1/2014, Tập đoàn Sữa Driftwood đạt doanh số 34 triệu USD và lợi nhuận 1.1-1.2 triệu USD.

Khi mới mua Sữa Driftwood, Tập đoàn này đã lỗ trong thời gian tương đối dài, VNM đã tham gia tái cấu trúc tài chính, giảm các khoản vay về lãi suất thấp.

Hoạt động kinh doanh lĩnh vực nước giải khát như thế nào?

VNM mới tham gia vào lĩnh vực nước giải khát. Trong lĩnh vực này, VNM chỉ tham gia phân khúc có lợi cho sức khỏe thông qua việc sử dụng các nguyên liệu mà đối thủ không có như linh chi, nha đam…Mặc dù doanh số chưa cao nhưng đây là hướng đi cho VNM, lợi nhuận lĩnh vực nước giải khát cũng đã cải thiện qua các năm.

Công suất hoạt động của VNM và công suất nhà máy sữa ở Bình Dương?

Sau khi thực hiện đầu tư mới, công suất của VNM đạt 8 tỷ sản phẩm mỗi năm, VNM sẽ đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu là đàn bò.

Nhà máy sữa nước của VNM trên 50% công suất, nhà máy sữa bột đạt 67% công suất. Bà Mai Kiều Liên cho biết công suất trong mấy tháng đầu năm như vậy là tương đối cao.

Cổ đông thảo luận tại đại hội.

Việc xuất khẩu là chứng chỉ cao nhất về chất lượng sản phẩm của VNM

Tình hình tiêu thụ khó khăn, tại sao VNM không xuất khẩu qua thị trường mới như Trung Quốc mà lại co cụm trong các thị trường cũ?

VNM đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm nay, và bất cứ thị trường nào có nhu cầu thì VNM đều tiến hành xuất khẩu. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường có rủi ro cao, bên cạnh đó hiệp định về sữa giữa hai nước chưa cho Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc mà phải xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch nên VNM không làm do rủi ro cao, có thể bị nhái sản phẩm.

Hiện VNM đang làm việc với Bộ Nông nghiệp để có thể xúc tiến đàm phán với Trung Quốc về Hiệp định sữa giữa hai nước.

Ngoài ra, Miraka cũng sẽ xuất khẩu sữa nước vào Trung Quốc chính thức từ quý 2/2014 và kỳ vọng lợi nhuận sẽ khá hơn.

Tiếp tục về vấn đề xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, tại sao VNM không xây dựng nhà máy ở đây?

Xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc rất rủi ro, điển hình mọi người có thể thấy cảnh hàng nông sản của Việt Nam hiện nay. Hiện sữa của Trung Quốc không vào được Việt Nam và Việt Nam cũng không vào được Trung Quốc. VNM đã mang sữa đi tham gia hội chợ tại Trung Quốc nhưng đến biên giới vẫn phải bỏ lại do không có hiệp định giữa hai nước.

Năm nay VNM sẽ thúc đẩy Hiệp định giữa hai nước về sữa.

Về việc xây dựng nhà máy chỉ thực hiện khi thương hiệu đã có trên thị trường, tại Trung Quốc đã có nhiều đối thủ, nếu VNM chưa có thương hiệu tại đây thì chưa nên xây dựng nhà máy vì rất rủi ro. Như tại Campuchia thì VNM đã có thương hiệu rồi nên mới xây dựng nhà máy ở đó.

VNM có kế hoạch gì để giảm tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam?

Người tiêu dùng có tâm lý chuộng sữa bột ngoại còn cao, xu thế sính ngoại không chỉ riêng trong ngành sữa mà còn xuất hiện trong nhiều ngành hàng khác từ rất lâu rồi. Hai năm vừa rồi VNM đã ra sản phẩm không thua kém hàng ngoại và còn được xuất khẩu đi nước khác.

Việc xuất khẩu là chứng chỉ cao nhất về chất lượng vì hàng của VNM có tốt thì nước khác mới nhập khẩu vào.

Phân khúc cao này của VNM tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng trên 50%/năm mặc dù doanh số khá nhỏ. Bà Mai Kiều Liên thuyết phục cổ đông cần kiên nhẫn do không thể trong 1-2 năm là đánh bại được sữa ngoại ngay được.

Không đi vay để đầu tư vùng nguyên liệu

Liên quan đến Hoàng Anh Gia Lai (HAG), HAG đã tập trung chăn nuôi bò, VNM có hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu với HAG không?

Gần đây báo đài thông tin HAG có dự kiến chăn nuôi bò ở Lào, Campuchia; HAG đã có bắp và quỹ đất, điều này giúp giảm nhập ngoại và tiết kiệm ngoại tệ. Đối với VNM, ai tham gia vào thị trường cung cấp sữa đều tốt. Trước mắt HAG đang đầu tư nuôi bò thịt, đến lúc nào HAG nuôi bò sữa sẽ bàn tiếp về chuyện này, và VNM luôn sẵn sàng hợp tác với mục đích cùng phát triển.

Khác biệt của VNM với các đối thủ nhỏ và đối thủ mới bước chân vào ngành?

Ai tham gia vào thị trường sữa VNM cũng quý, mấy chục năm VNM đã cố gắng hợp tác cùng bà con nông dân, tạo công ăn thu nhập. VNM có điểm khác là không đi vay để đầu tư vùng nguyên liệu (nông nghiệp là đường trường, dùng vốn vay rất nguy hiểm, hôm nay vay với lãi suất này nhưng ngày mai ngân hàng cần thì có thể tăng lãi suất do hợp đồng không giữ nguyên lãi suất trong thời gian dài).

VNM đã làm thì phải chắc, không có áp lực vốn vay nhưng có áp lực năng suất cao. Năm vừa rồi (2013) là năm đầu tiên trang trại bò sữa của VNM có lãi. Trang trại tại Tuyên Quang mua năm 2007 đã có lãi từ đầu, nhiều nhà máy khác lỗ 3 năm, qua năm thứ 4 đã có lãi.

Trong vòng 5-10 năm nữa, VNM sẽ tự túc 50-60%.

Đặc biệt, bò của VNM nhập phải có gia phả 3 đời, là bò giống để đảm bảo năng suất. Khi bán bò giống (F1) cho bà con nông dân, lượng bò này đều bán hết vì nông dân biết bò của VNM có năng suất cao.

Bà Mai Kiều Liên cho biết nhiều người thích vào ngành sữa do lợi nhuận cao. Tuy nhiên thương hiệu VNM đang đứng đầu thị trường.

VNM có kế hoạch gì trong việc bán hàng và cạnh tranh với các đối thủ?

VNM đầu tư rất nhiều cho đội ngũ bán hàng với mục tiêu đầu tư bán hàng online, cung cấp máy tính bảng cho bán hàng. VNM là đơn vị làm đầu tiên tại Việt Nam đầu tư mạnh cho đội quân bán hàng.

Do xu hướng tiêu dùng giảm nên việc bán hàng còn gặp nhiều khó khăn. VNM không đặt kế hoạch quá cao mà ở mức vừa phải để tạo động lực cho bán hàng.

Bình quân thu nhập của đội ngũ bán hàng VNM xây dựng không thấp hơn các đối thủ khác.

Thị phần sữa nước đứng đầu cả nước

Thị phần sữa nước?

Sữa nước của VNM chiếm 48-49% thị phần, đứng đầu cả nước.

Kết quả thanh tra giá sữa?

Thanh tra đã thực hiện tại 5 công ty, hiện VNM chưa có kết quả thanh tra. Tuy nhiên, cổ đông có thể yên tâm vì VNM không làm gì sai, giá sữa thấp rất nhiều, chi phí thực hiện đúng quy định của Bộ Tài chính, tăng giá sữa đã xin phép đúng quy trình thì VNM mới làm.

Tin đồn VNM bị truy thu thuế là có thật không?

Không biết làm sao có tin đồn này vì VNM luôn nộp thuế đúng và đầy đủ. Hiện chưa có văn bản nào đề nghị truy thu thuế của VNM.

Không thâu tóm công ty sữa nội

VNM có ý định thâu tóm công ty sữa nội không? Đối thủ cạnh tranh của VNM?

VNM không có ý định thâu tóm công ty sữa nội vì cơ ngơi của VNM có thể tự thân vận động, nếu thương vụ có lợi thì VNM sẵn sàng, bà Liên nhấn mạnh vấn đề là VNM phải có lợi. VNM một mình chống chọi nhiều đối thủ trên mọi phân khúc, VNM cám ơn đối thủ, nhờ có các đối thủ và VNM sẽ thúc đẩy phát triển hơn.

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài?

Tỷ lệ sở hữu cổ đông ngoại là 49%, SCIC chiếm 45% vốn điều lệ và còn lại là các cổ đông nhỏ lẻ.

HĐQT đã có SCIC, BKS cũng có SCIC có làm hạn chế VNM vì SCIC chỉ muốn vắt sữa chứ không muốn quan tâm đến con người VNM? Chính sách giữ nhân tài?

VNM là CTCP, số lượng người tùy theo đại diện vốn, không có vấn đề gì về nhân sự tại VNM miễn là cũng một mục đích vì lợi ích chung.

VNM có chính sách đào tạo nhân tài, đã cùng Công ty tư vấn tại Mỹ khảo sát lại toàn bộ ban quản lý, tìm ra người tiềm năng cho thế hệ kế cận.

Dự đoán về nhu cầu sữa trong thời gian tới?

VNM có niềm tin nhu cầu sữa vẫn tăng, có thể giảm trong mấy quý nhưng xu hướng dài hạn vẫn tăng, nhiều trẻ em ra đời phải có nhu cầu sữa để cải thiện chiều cao, thể lực.

Cổ đông lớn F&N Dairy Investment cử người vào HĐQT

10h05: Ông Lê Anh Minh trình Đại hội thù lao HĐQT

HĐQT trình cổ đông thông qua thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát năm 2014 ban đầu là 0.2% lợi nhuận sau thuế năm 2014. Tuy nhiên, do nhận thấy tình hình kinh doanh năm 2014 sẽ còn gặp nhiều khó khăn nên đại diện công ty trình thay đổi thù lao so với tài liệu ban đầu là sẽ giữ nguyên như năm 2013. Theo đó, thù lao HĐQT là 4.88 tỷ đồng, BKS là 2 tỷ đồng.

Về tờ trình phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự vào HĐQT và BKS, ngày 23/05/2013, ông Pascal De Petrini (TGĐ Food & Beverage, thuộc Tập đoàn Fraser and Neave) xin từ nhiệm thành viên HĐQT; bầu bổ sung thay thế ông Ng Jui Sia do cổ đông lớn F&N Dairy Investment Pte. Ltd. giới thiệu.

Về BKS, ông Nguyễn Ngọc Vũ Chương có đơn xin từ nhiệm và bầu thay thế ông Nguyễn Đình An - Chuyên viên Ban quản lý vốn đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước.

9h40: Đại diện công ty trình cổ đông báo cáo của Ban kiểm soát.

Trong năm 2013, Ban kiểm soát đã sử dụng phần lớn ngân sách của mình để thuê tư vấn độc lập KPMG hoàn thiện quy chế kiểm soát.

Điểm cộng cho Ban điều hành

9h35: Ông Lê Anh Minh - Thành viên HĐQT trình báo cáo giám sát Ban điều hành.

Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu của Vinamilk đều tốt hơn so với năm 2012 và vượt kế hoạch đề ra.

Ông Minh còn nhấn mạnh về tính minh bạch của HĐQT và Ban điều hành, cụ thể Ban điều hành có thể tăng thêm tổng doanh thu vào cuối năm bằng cách đẩy lượng hàng cho nhà cung cấp, việc này không quá khó và có thể nâng cao thành tích của Ban điều hành. Tuy nhiên Ban điều hành đã không thực hiện việc này, đây là điểm minh bạch trong hoạt động của Ban điều hành công ty.

9h15: Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT báo cáo hoạt động năm 2013 và kế hoạch 2014.

9h00: ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 của Vinamilk bắt đầu với sự tham dự của 444 cổ đông, đại diện tỷ lệ sở hữu 79% cổ phần có quyền biểu quyết.

Chủ tịch Mai Kiều Liên phát biểu tại Đại hội

Trước Đại hội

Kế hoạch lãi sau thuế gần 6,000 tỷ, phát hành cổ phiếu thưởng

Vinamilk tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 ngày 24/04/2013 tại TPHCM. Tại Đại hội, HĐQT Vinamilk sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2014 với tổng doanh thu 36,298 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 8% và đạt 5,993 tỷ đồng.

Tỷ lệ cổ tức bằng tiền không quá 50% lợi nhuận sau thuế, chia làm 2 đợt vào tháng 09/2014 và tháng 07/2015.

Về kế hoạch đầu tư trong năm 2014, Vinamilk dự kiến giải ngân thêm 2,575 tỷ đồng, trong đó 222 tỷ đồng vào Liên doanh Campuchia.

Công ty cũng sẽ trình cổ đông phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1 với số lượng phát hành thêm tối đa 166.79 triệu cp dự kiến trong quý 2, 3/2014.

Nâng cổ tức 2013 lên 48%

HĐQT công ty sẽ trình cổ đông tỷ lệ chia cổ tức năm 2013 là 48% (thay vì mức 34% đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2013). Vinamilk đã tạm ứng đợt 1 và đợt 2 lần lượt tỷ lệ 20% và 8%. Như vậy, cổ tức đợt 3/2013 dự kiến là 20% bằng tiền mặt sẽ được thanh toán vào ngày 30/05/2014, tương đương 1,668 tỷ đồng.

Trong năm 2013, Vinamilk đạt 31,586 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 17% so với năm 2012. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 12% và đạt 6,534 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch năm.

Vinamilk đã thực hiện quốc tế hóa đảm bảo chủ động trong nguồn cung ứng nguyên vật liệu, mở rộng sản xuất kinh doanh ra các thị trường mới thông qua việc đầu tư ra nước ngoài như Mỹ, Campuchia, Ba Lan, đầu tư vào dự án tại New Zealand.

Số điểm bán lẻ của Vinamilk trên toàn quốc đạt 224,000 điểm đến cuối năm 2013. Công ty đã đưa ra 21 sản phẩm mới cho thị trường nội địa và 3 sản phẩm mới cho thị trường xuất khẩu.

Những "con bò sữa" đắt giá của Vinamilk

Vinamilk có 7 công ty con, liên doanh và liên kết. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Bò sữa Việt Nam do Vinamilk sở hữu 100%, công ty con này đang quản lý 5 trang trại bò sữa bao gồm trang trại Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định và Lâm Đồng với tổng đàn bò 8,818 con.

Công ty TNHH MTV Sữa Lam Sơn tại Thanh Hóa với năng lực sản xuất 49 triệu lít sữa tươi và 156 triệu hũ sữa chua. Trong năm 2013, công ty đạt lợi nhuận sau thuế 31 tỷ đồng, tăng 21% so với năm trước.

Công ty TNHH MTV Đầu tư Bất động sản quốc tế do Vinamilk sở hữu 100% đã có quyết định giải thể trong năm 2014.

Tập đoàn Sữa Driftwood do Vinamilk mua thâu tóm 70%, là một trong những nhà sản xuất sữa lớn nhất bang Califonia và cung cấp sữa cho các trường học ở miền Nam Hoa Kỳ với 106 tuyến phân phối sản phẩm.

Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa có vốn điều lệ 600 tỷ đồng do Vinamilk nắm 96% vốn, công ty đang trong giai đoạn đầu tư cơ sở và dự kiến chính thức đi vào hoạt động vào quý 1/2015.

Công ty TNHH Miraka có 72.8 triệu cổ phần do Vinamilk sở hữu 19.3% (14.4 triệu NZD), là dự án đầu tư ra nước ngoài đầu tiên của Vinamilk có trụ sở tại New Zealand. Miraka đi vào hoạt động từ tháng 08/2011 và đạt công suất 100% vào tháng 08/2012. Một phần sản lượng sẽ được nhập về Việt Nam với thương hiệu Twin Cows. Trong năm 2013, Miraka đạt lợi nhuận sau thuế 5.49 triệu NZD, cao gấp 3 lần năm trước.

CTCP Nguyên liệu Thực phẩm Á Châu Sài Gòn (AFI) có vốn điều lệ 120 tỷ đồng do Vinamilk sở hữu 15% vốn.

Minh Hằng

công lý

Các tin tức khác

>   PPG: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 (24/04/2014)

>   SCL: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 (24/04/2014)

>   DAP: Báo cáo thường niên 2013 (24/04/2014)

>   PGT: Thông báo tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 (24/04/2014)

>   NBP: Gia hạn thời gian họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 (24/04/2014)

>   GTH: Báo cáo thường niên 2013 (24/04/2014)

>   BTW: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 (24/04/2014)

>   HDM: Nghị quyết Hội đồng quản trị (24/04/2014)

>   BMJ: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 (24/04/2014)

>   REM: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 (24/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật