Sáp nhập ngân hàng không phải là “gánh nợ” cho nhau
Sáp nhập ngân hàng để tăng năng lực cạnh tranh, là ngân hàng tốt hỗ trợ cho ngân hàng yếu hơn để vượt qua khó khăn.
Đó là khẳng định của TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 14-4.
TS Vũ Viết Ngoạn
|
. Thưa ông, nhiều ngân hàng nhỏ đã và đang sáp nhập vào ngân hàng lớn và sau đó là mất luôn tên. Như vậy có thiệt thòi cho các ngân hàng nhỏ không?
+ Cái này phụ thuộc vào từng điều kiện cụ thể. Các ngân hàng nhỏ đó phải hiểu nhu cầu của họ khi sáp nhập là gì. Và phải xem vấn đề sáp nhập này có là “cưỡng bức” hay không, còn nếu tự nguyện thì là bình thường. Ngân hàng nhỏ sáp nhập vào ngân hàng lớn để giải quyết khó khăn thì đó là điều tốt, nên khuyến khích. Điều quan trọng khi sáp nhập là đảm bảo tính minh bạch, làm theo giá thị trường. Chẳng hạn ngân hàng nào yếu hơn, rủi ro nhiều thì giá cổ phiếu phải thấp hơn và ngược lại. Cổ đông của cả hai bên đều không có thiệt thòi gì nếu đúng giá đó là giá thị trường.
. Vậy theo ông, công cuộc sáp nhập thành công sẽ giải quyết được vấn đề sở hữu chéo trong ngân hàng không?
+ Về mặt cơ học thì sáp nhập ngân hàng không liên quan gì đến sở hữu chéo. Theo tôi cái quan trọng của sáp nhập là thuần khiết nhu cầu lành mạnh hóa và phát triển ngân hàng. Mỗi ngân hàng dù yếu hay mạnh đều có lợi thế riêng và bổ trợ cho nhau sau sáp nhập.
. Hiện nay nợ xấu của các ngân hàng nhỏ khá cao, khi sáp nhập vào ngân hàng lớn thì số nợ xấu này sẽ được xử lý chung. Vậy ngân hàng lớn có được nhận cơ chế ưu tiên gì từ phía cơ quan quản lý để họ tích cực xử lý?
+ Khi sáp nhập với nhau xong thì việc định giá giá trị của ngân hàng cần sáp nhập đã được thực hiện xong. Hai bên đã tính toán và thỏa thuận được với nhau về giá cổ phiếu của ngân hàng nhỏ khi sáp nhập. Việc định giá tài sản, vốn, khoản nợ và rủi ro của ngân hàng nhỏ đó được ở mức nào đã được tính toán hết. Như vậy, chất lượng hoạt động của ngân hàng được thể hiện qua giá cổ phiếu. Ở đây không có việc ngân hàng này gánh cho ngân hàng kia, mà ngân hàng nhỏ khó khăn đã có ngân hàng lớn hơn hỗ trợ để nâng cao năng lực tài chính.
Như việc Ngân hàng SHB nhận sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nhà Hà Nội (HBB). Do SHB phải gánh cục nợ từ Vinashin nên Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính xem xét tạo điều kiện hình thành thị trường mua bán nợ để xử lý những khoản nợ xấu nằm trong ngân hàng, được miễn thuế, giảm thuế trong việc xử lý tài sản thế chấp.
. Theo kế hoạch tái cấu trúc thì đến năm 2017 sẽ chỉ còn 15 ngân hàng trên thị trường. Nghĩa là sẽ có đến hơn một nửa số ngân hàng hiện nay sẽ bị xóa tên. Điều này có dẫn đến tình trạng dư lao động trong ngành tài chính?
+ Kinh tế thị trường thì phải tôn trọng quy luật của nó. Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp nên trong khó khăn phải quản lý sao cho giảm thiểu các chi phí để gia tăng lợi nhuận. Nếu ngân hàng giảm nhân lực và tiết kiệm được chi phí hoạt động thì cũng là bắt buộc phải làm. Chính phủ sẽ tạo điều kiện ổn định vĩ mô để kinh tế phát triển tạo nhiều công ăn việc làm để cho những người không có cơ hội ở lĩnh vực này sẽ tìm được việc ở những lĩnh vực khác. Chứ không nên nói là doanh nghiệp phải tự giải quyết vấn đề lao động dôi ra cho xã hội, nếu thế thì họ lại làm chính sách xã hội mất rồi.
. Xin cảm ơn ông.
Yên Trang
Pháp luật TPHCM
|