Thứ Năm, 03/04/2014 13:36

Quyền tự định giá xăng dầu: Nhà nước đang làm thay doanh nghiệp

Với lý do kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng có “sự quản lý của nhà nước” và “linh hoạt” điều hành giá xăng dầu nên gần đây sự can thiệp của cơ quan quản lý vào giá xăng dầu ngày càng “dầy đặc” hơn.

Điều đó cũng mặc nhiên phủ nhận quyền tự định giá của DN trong mức độ cho phép mà hơn 4 năm nay Chính phủ đã trao cho DN trong Nghị định 84/2009/NĐ-CP ban hành ngày 15/10/2009.

“Linh hoạt” điều hành hay DN mất quyền tự định giá

Phải thừa nhận, thời gian gần đây sự điều hành về giá xăng dầu được chú ý hơn thông qua việc tăng tần suất các văn bản hành chính của cơ quan điều hành. Các văn bản này thường đưa ra thời gian, mức độ cụ thể đề nghị DN phải tăng, giảm giá bán xăng dầu. Tuy nhiên, việc điều hành “linh hoạt” liên tục đó gây sự khó hiểu vì không theo một nguyên tắc nào theo quy định trong Nghị định 84/2009/NĐ-CP (gọi tắt là nghị định 84) đang có hiệu lực. Việc liên tục ban hành các văn bản hành chính đang phủ quyết quyền tự định giá của DN, đi ngược với Điều 27 về trao quyền tự định giá của DN trong mức độ cho phép.

Hơn nữa, trong lúc xu hướng lạm phát ổn định hơn, thậm chí còn đi xuống, giá xăng dầu không còn quá “nóng” trong câu chuyện lạm phát thì việc cơ quan quản lý liên tục “dắt tay từng bước” thị trường xăng dầu qua việc tự điều chỉnh giá, thậm chí buộc DN chia sẻ lợi nhuận định mức, phải bán dưới giá cơ sở đã quy định thì sự “linh hoạt” đó đang đi ngược với mục tiêu cơ chế thị trường.

Vì thế gần đây, một số DN kinh doanh xăng dầu đầu mối như Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Petro Saigon), Tổng công ty Dầu VN (PV Oil)… đã có kiến nghị với Bộ Tài chính cho DN được phép điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu bằng giá cơ sở; hoặc khi Bộ Tài chính công bố giá cơ sở thì cho phép DN được tự xác định giá bán lẻ của mình miễn sao không vượt quá khung giá cơ sở…

Tuy nhiên, trong các công văn trả lời, Bộ Tài chính đưa ra nhiều lời giải thích về cách điều hành nhưng tuyệt nhiên không có chuyện giao cho DN quyền tự định giá mà Nghị định 84 đã thừa nhận.

Cơ quan quản lý can thiệp chưa đúng quy định

Trong Công văn số 3825/BTC-QLG và Công văn số 3826/BTC-QLG trả lời DN về việc điều hành giá, Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính đều trích dẫn các khoản mục tại Điều 27 của Nghị định 84 để lý giải việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu của mình trong thời gian qua.

Cụ thể, theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 27 Nghị định 84: “Thương nhân đầu mối được quyền quyết định giá bán buôn, việc điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự quy định tại Điều này”.

Điều khoản trên khẳng định DN được tự định giá trong mức cho phép, nhưng trên thực tế, các DN đầu mối chỉ mới thực hiện tăng giá 4 lần theo chế độ hậu kiểm theo đúng nội dung trên.

Còn Điểm c, Khoản 3, Điều 27 của Nghị định có ghi: “Trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trên mười hai phần trăm (>12%) so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế- xã hội và đời sống nhân dân, Nhà nước công bố áp dụng các biện pháp bình ổn thông qua điều hành thuế, quỹ bình ổn giá và theo quy định của pháp luật hiện hành”.

Nếu đúng theo quy định trên, việc công bố các biện pháp bình ổn giá thông qua điều hành qua công cụ thuế, quỹ bình ổn giá chỉ được tiến hành qua hai trường hợp: thứ nhất, khi giá bán lẻ xăng dầu thấp hơn 12% so với giá cơ sở; thứ hai, việc tăng giá ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.

Đối với trường hợp thứ nhất, thực tế cho thấy, kể từ khi Nghị định 84 có hiệu lực, chưa một lần giá bán lẻ xăng dầu thấp hơn 12% so với giá cơ sở, mức mà cơ quan quản lý phải can thiệp. Vì thế, hầu hết các lần điều chỉnh giá xăng dầu của cơ quan quản lý đều dựa vào nguyên nhân “đảm bảo đời sống và sự phát triển kinh tế xã hội”.

Với lý do “đảm bảo đời sống và sự phát triển kinh tế xã hội”, người viết xin phân tích như sau: Căn cứ vào nội dung Điều 27 Nghị định 84, khi giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở 0 đến 7% thì các DN đầu mối được phép tăng giá bán lẻ theo mức tương ứng. Trong trường hợp nếu giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở từ 7 đến 12% thì DN chỉ được tăng thêm 60% phần chênh lệch, 40% phần chênh lệch còn lại sẽ trích từ quỹ bình ổn giá. Việc tính toán, xác định biên độ khung đó trong nghị định đã được xây dựng trên cơ sở xem xét rất kỹ ảnh hưởng của việc tăng giảm giá bán lẻ xăng dầu đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI), “an sinh xã hội”, “an ninh năng lượng”… Hay nói cách khác, nếu có sự thay đổi giá bán lẻ trong biên độ khung thì sự thay đổi này không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh xã hội và an ninh năng lượng…

Từ phân tích trên để thấy rằng, việc cơ quan quản lý “linh hoạt” áp dụng các công cụ tài chính (quỹ bình ổn giá, thuế nhập khẩu, lợi nhuận định mức) trong cơ cấu giá cơ sở là không đúng với quy định của Nghị định 84.

Một chuyên gia trong ngành xăng dầu bức xúc nói: “Chúng tôi không hiểu việc cắt giảm lợi nhuận định mức trong giá cơ sở dựa trên cơ sở pháp lý nào, hay đây cũng chỉ là sự áp dụng “linh hoạt” của cơ quan quản lý”.

Nếu cứ tiếp tục viện dẫn khái niệm “linh hoạt” mà không làm theo quy định pháp luật thì đây là cách điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, hoàn toàn vô hiệu hóa các quy định trong Nghị định của Chính phủ”. Nếu cơ quan quản lý tiếp tục can thiệp quá sâu vào lĩnh vực kinh doanh xăng dầu không những làm mất tính chủ động của các DN mà còn tạo ra bức xúc trong xã hội. Việc Nhà nước điều hành bằng mệnh lệnh hành chính đã đặt dấu “chấm hết” cho thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu mới hình thành. Phương thức quản lý mới “cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước” chỉ còn lại vế “quản lý của Nhà nước” thì nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc đổi mới cơ chế quản lý lại trở về “vạch xuất phát” đó là điều hành bằng mệnh lệnh hành chính.

Dự thảo Nghị định mới chắc chắn vẫn khẳng định trao quyền tự định giá cho DN trong mức độ cho phép. Vì thế, cơ quan quản lý nhà nước nên tăng cường quản lý qua việc hạn chế điều hành bằng các văn bản hành chính, làm đúng chức năng của mình là giám sát, hậu kiểm và can thiệp vào thị trường bằng những biện pháp kinh tế theo đúng quy định. Đặc biệt, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước phải đứng ra công bố giá cơ sở xăng dầu, để dựa vào đó các DN tùy theo thực lực của mình tự xác định giá bán lẻ với mức không vượt quá khung giá cơ sở cho phép.

Thanh Hương

Báo Công thương

Các tin tức khác

>   Dầu giảm 3 phiên liên tiếp (03/04/2014)

>   Quỹ bình ổn xăng sai sót chục tỷ là chấp nhận được? (03/04/2014)

>   Dầu xuống dưới 100 USD/thùng sau PMI sản xuất thất vọng Trung Quốc (02/04/2014)

>   Sắp có nghị định mới về kinh doanh xăng dầu (01/04/2014)

>   Gazprom tăng 30% giá khí đốt xuất khẩu sang Ukraine (01/04/2014)

>   Đồng loạt giảm giá bán lẻ các mặt hàng dầu, xăng đứng yên (01/04/2014)

>   Xăng dầu, điện có lỗ như DN nói? (01/04/2014)

>   Từ 1/4, giá gas tiếp tục giảm hơn 20.000đ/bình (31/03/2014)

>   Lo ngại cung dầu toàn cầu đẩy giá lên cao nhất 3 tuần, khí thiên nhiên vọt mạnh hơn 3% (28/03/2014)

>   Dầu lên cao nhất 2 tuần trên 100 USD/thùng (27/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật