Nhiều nhà băng vẫn “bên lề” định hướng của Thủ tướng
Cuối tháng 3 vừa qua, một bạn đọc liên hệ nhờ VnEconomy tìm hiểu để có thể chuyển nhượng 30.000 cổ phiếu của một ngân hàng nọ…
Trong số hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay, mới chỉ có 8 thành viên đã niêm yết
|
Có việc gia đình, cổ đông này muốn chuyển nhượng để cân đối tài chính, không tìm được mối giao dịch đành phải nhờ hỗ trợ.
Tìm hiểu qua một số công ty chứng khoán, giao dịch cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết gần như đóng băng. Qua giới thiệu của văn phòng hội đồng quản trị chính ngân hàng đó, bên nhận chuyển nhượng được kết nối, nhưng mức giá chỉ được trả 5.000 đồng/cổ phiếu, tức chỉ bằng một nửa mệnh giá.
Quá thấp, bạn đọc trên rút lại giao dịch: “Giá cổ phiếu chỉ bằng mớ rau ở chợ. Mấy năm nay cũng chưa từng được một đồng cổ tức. Thôi đành để đấy, tính sau”.
Trường hợp trên còn có thể chuyển nhượng được, còn hiện nay nhiều cổ đông các ngân hàng chưa niêm yết để giao dịch thành công là rất khó khăn. “Cổ phiếu vua” một thời đã không còn “ngai”, thị trường OTC thì kẹt.
Nếu những ngân hàng trên đã niêm yết, cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng hẳn đã có nhiều cơ hội để giao dịch, cổ phiếu có thanh khoản cao hơn và dễ tìm được mức giá hợp lý hơn trong các đợt phục hồi chung của thị trường…
Thế nhưng, trong số hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần hiện nay, mới chỉ có 8 thành viên đã niêm yết. Sau nhiều năm kể từ thời chứng khoán khởi sắc (2006-2007), gần đây mới có quyết định lên sàn của BIDV - một yêu cầu gần như bắt buộc trong quá trình cổ phần hóa ngân hàng thương mại nhà nước.
Ngày 18/12/2013, phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2014 của ngành ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh đến vấn đề này, theo hai mục đích: các ngân hàng phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng cường sự minh bạch và nhà đầu tư có điều kiện giám sát; sự minh bạch hơn khi niêm yết cũng sẽ góp phần khắc phục tình trạng sở hữu chéo.
“Muốn khắc phục sở hữu chéo, các ngân hàng cổ phần đại chúng rồi thì dứt khoát phải đưa lên sàn chứng khoán, giao dịch công khai minh bạch để hạn khắc phục sở hữu chéo. Nếu đúng thì các đồng chí ban hành văn bản quy định bắt buộc. Đây là pháp luật. Anh không chần chừ được nữa, anh phải niêm yết”, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng tại hội nghị trên.
Theo định hướng đó, việc ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán có thể sẽ được quy định là yêu cầu bắt buộc.
Thế nhưng, với mùa đại hội cổ đông đang sắp kết thúc, hầu hết các kế hoạch hoạt động đã có chi tiết, nhiều nhà băng vẫn “ở bên lề” định hướng trên của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, thống kê sơ bộ trên cơ sở các thông tin đã công bố cho thấy, trong số hơn 20 ngân hàng thương mại chưa niêm yết chỉ có 2 trường hợp tính đến kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn trong năm nay, dù giữa mong muốn và thực tế triển khai đang có khoảng cách lớn do thị trường chứng khoán và hoạt động kinh doanh còn nhiều khó khăn.
Mặc dù đang trù tính phương án sáp nhập vào một tổ chức tín dụng khác, song đại hội đồng cổ đông vừa qua của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vẫn thông qua việc tiếp tục thực hiện kế hoạch đưa cổ phiếu vào giao dịch trên thị trường có tổ chức, ủy quyền cho Hội đồng Quản trị lựa chọn thời điểm phù hợp.
Và tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á (DongA Bank), nghị quyết đại hội đồng cổ đông 2014 cũng nhất trí tiếp tục thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán ngay sau khi hoàn thành việc tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Có thể thấy DongA Bank cũng là một điển hình khó khăn cho kế hoạch niêm yết của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng này đã cam kết niêm yết cổ phiếu từ năm 2011, nhưng mãi hai năm qua vẫn chưa thực hiện được. Trong khi đó, kế hoạch tăng vốn nói trên cũng không thể thực hiện được trong năm 2013 mà phải tiếp tục chuyển sang 2014.
Khách quan, kế hoạch niêm yết của các ngân hàng thương mại những năm gần đây có bối cảnh thị trường không thuận lợi, hoạt động kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất vẫn là ý chí của mỗi ngân hàng. Họ có thực sự mong muốn hay không?
Còn với những kế hoạch đã đặt ra qua mùa đại hội cổ đông đang diễn ra, ít nhất là trong năm nay định hướng trên của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa thể ngấm được vào thực tế.
Minh Đức
vneconomy
|