Luật sư dồn dập kiến nghị hoãn phiên tòa Bầu Kiên
Luật sư của ông Trần Xuân Giá xác nhận với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 11-4 rằng ông vừa gửi kiến nghị hoãn phiên tòa xử vụ án “Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép, trốn thuế, cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” dự kiến diễn ra ngày 16-4 tới.
Luật sư Lưu Tiến Dũng, thuộc Công ty Luật YKVN, người bảo vệ quyền lợi cho ông Giá, cho biết, đơn kiến nghị đã được gửi tới Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và một số cơ quan khác đề nghị hoãn phiên tòa trên “cho đến khi có kết quả xử phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như”.
Bản kiến nghị nêu, hiện tại bản án sơ thẩm số 46/2014/HSST ngày 27-1-2014 của Tòa án nhân đân Thành phố Hồ Chí Minh về xác định trách nhiệm hoàn trả số tiền gần 718 tỉ đồng cho ngân hàng ACB đang bị kháng cáo; vì thế việc ACB có bị thiệt hại số tiền nêu trên hay không vẫn chưa được xác định.
Vì lẽ đó, theo luật sư Dũng, chưa có cơ sở để xem xét một trong những yếu tố cấu thành tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB số tiền gần 718 tỉ đồng mà Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang truy tố thân chủ của ông là ông Trần Xuân Giá.
Ông Dũng nói: “Tôi tự tin cho rằng, hoãn phiên tòa là đúng. Dù phiên tòa tới sẽ phải kéo dài, nhưng nó phải theo đúng quy trình tố tụng chuẩn”.
Bản kiến nghị của Luật sư Lưu Tiến Dũng được gửi đi sau khi 6 luật sư khác bào chữa cho các bị can Nguyễn Đức Kiên, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn trong cùng vụ án đã cùng ký tên gửi một bản kiến nghị tương tự đề nghị hoãn phiên tòa tới Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội.
Theo các luật sư, việc xác định thiệt hại của ACB trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là yếu tố xác định tội danh “cố ý làm trái…”, xác định trách nhiệm dân sự của các ông Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lý Xuân Hải, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn trong vụ án sắp xử.
Nếu kết quả phiên tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm hoàn trả tiền cho người gửi tiền, trong đó có ACB, thì ACB không có thiệt hại; như vậy không đủ yếu tố cấu thành tội “cố ý làm trái…”.
Các luật sư này phân tích, trong trường hợp phiên tòa sơ thẩm xử vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm kết luận ông Kiên và các bị can trên phạm tội cố ý làm trái gây thiệt hại cho ACB số tiền 718 tỉ đồng, mà phiên phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như buộc VietinBank phải trả tiền cho ACB thì kết quả hai vụ án sẽ “mâu thuẫn nhau”.
Trong cuộc phỏng vấn với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, luật sư Lưu Tiến Dũng cho biết, ông đã nhận được Công văn số 350 của Ngân hàng Nhà nước ngày 17-5-2012 từ phía Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội. Công văn này, theo luật sư, được cơ quan cảnh sát điều tra sử dụng làm căn cứ xác định rằng, hành vi của Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB phạm tội “Cố ý làm trái...” trong bản Kết luận điều tra số 05/C46-P10 ngày 1-8-2013.
Tuy nhiên, ông không thấy công văn trên trong hồ sơ của Tòa dù đã rà soát nhiều lần trước đó.
Tư Giang
tbktsg
|