Chủ Nhật, 20/04/2014 16:36

Góc nhìn 21-25/04: Điều chỉnh do áp lực Margin Call?

Có khả năng do áp lực Margin Call, mức độ tăng điểm của thị trường dự kiến không nhiều và sẽ dao động tích lũy hoặc tiếp tục đà giảm.

Dao động tích lũy

CTCP Chứng Khoán Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHS): Thị trường ghi nhận tuần điều chỉnh giảm mạnh khi kiểm định không thành công ngưỡng cản kỹ thuật (mốc 610 điểm đối với VN-Index, đường MA12 đối với HNX-Index). Thị trường bước đầu có phản ứng với ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật, sau diễn biến giảm mạnh 3 phiên đầu tuần. Tuy nhiên thực tế KLGD tăng khi thị trường giảm mạnh, giảm khi thị trường tăng cho thấy áp lực cung vẫn chiếm ưu thế. Thị trường quay trở lại giảm điểm về cuối tuần, sau một phiên phục hồi kỹ thuật, lượng cổ phiếu giảm điểm chiếm đa số.

Kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index đã giảm sát ngưỡng hỗ trợ quan trọng khoảng +/-565 điểm, chỉ số HNX-Index đã giảm sát ngưỡng hỗ trợ quan trọng khoảng +/-80 điểm. Ngưỡng hỗ trợ mạnh hơn đối với VN-Index là khoảng 550 điểm, với HNX-Index là khoảng 76-78 điểm. Thị trường có thể bật tăng trở lại, phản ứng với ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật. Tuy nhiên với thực tế động lực thị trường yếu, mức độ tăng điểm kỹ thuật dự kiến không nhiều.

Với thực tế nhiều cổ phiếu đã quay trở lại vùng giá tích lũy hấp dẫn, SHS cho rằng khả năng thị trường giảm điểm sâu so với vùng hỗ trợ không nhiều. SHS nghiêng về kịch bản thị trường dao động tích lũy quanh vùng hỗ trợ ở thời gian còn lại của tháng 4.

Theo SHS, nhà đầu tư trung dài hạn xem xét tích lũy cổ phiếu ở phiên/thời điểm thị trường giảm sâu. Nhà đầu tư ngắn hạn duy trì trạng thái danh mục, chưa nên nóng vội tham gia thị trường.

Tiếp tục đà giảm

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC): VCSC cho rằng thị trường sẽ tiếp tục đà giảm trong phiên đầu tuần tới, nhưng các vùng hỗ trợ mạnh của hai chỉ số là 555 của chỉ số VN-Index và 79.0 của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, hệ thống Timing của VCSC rơi vào thời điểm 22/04 – 23/04/2014 cho thấy thị trường có thể sẽ cân bằng tại hai phiên giao dịch này.

Hệ thống chỉ báo xu hướng của VCSC vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn của hai chỉ số và hạ xuống mức trung tính xu hướng trung hạn cho nên VCSC cho rằng thị trường chỉ xuất hiện các nhịp hồi ngắn hạn trong tuần giao dịch tới.

Do đó, theo VCSC, các nhà đầu tư có thể dừng bán tại các mức hỗ trợ mạnh (555 điểm của chỉ số VN-Index và 79.0 điểm của chỉ số HNX-Index) và điểm rơi thời gian 22 – 23/04/2014 trong tuần giao dịch tới. Đồng thời, các nhà đầu tư có tỷ lệ tiền mặt cao và chấp nhận rủi ro cao có thể mua tỷ lệ thấp tại các vùng hỗ trợ mạnh và điểm rơi thời gian của VCSC.

Dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi thị trường

Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE): Trên đồ thị, VN-Index tạo ra nến đỏ dài chạm đúng tới hỗ trợ 565. Hiện tại, giả thiết của MBKE cho rằng thị trường giao dịch trong một khoảng tích lũy từ 565-610 đang chịu thử thách.

MBKE cho rằng rủi ro lớn nhất của thị trường hiện tại là dòng tiền có dấu hiệu rút khỏi thị trường, thể hiện bằng thanh khoản thấp. Nếu mức 565 này không đứng vững được tại mức giá đóng cửa trong các phiên tới, MBKE cho rằng đã đến thời điểm chốt lời sau xu hướng tăng kéo dài từ tháng 8 trở lại đây và đứng ngoài thị trường. Khi đó, đồ thị VN-Index có thể bước vào các mô hình khó giao dịch hơn. Trên sàn HNX, với các đỉnh và đáy sau thấp hơn, chỉ số HNX-Index đã tạo xu hướng giảm. Do vậy, MBKE khuyến nghị không nắm giữ cổ phiếu trên sàn HNX.

Tiếp tục điều chỉnh do áp lực Margin call

CTCP Chứng khoán FPT (FPTS): Kịch bản xấu về việc các ngưỡng hỗ trợ không phát huy tác dụng đã diễn ra và những kỳ vọng về khả năng trở lại đà tăng ngắn hạn của thị trường đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Hiện tại, trong bối cảnh thiếu vắng những thông tin hỗ trợ tác động trực tiếp tới thị trường, việc sụt giảm nhanh và mạnh của giá trong thời gian ngắn sẽ kéo theo áp lực Margin call và khiến cho các chỉ số sẽ còn có thể tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn. Giai đoạn này có mức rủi ro rất cao, theo FPTS, nhà đầu tư cần ưu tiên cơ cấu và đưa danh mục về trạng thái an toàn hơn, tỷ trọng cổ phiếu được khuyến nghị ở mức 20%.

Mô hình 2 đỉnh

CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Ba ngày đầu tuần thị trường lao dốc, nhưng hồi phục vào ngày 17/04. Tuy nhiên, trong phiên giao dịch 17/04 thanh khoản khá thấp, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư và cho thấy sự hồi phục là không vững. Điều đó được phản ánh ngay trong phiên giao dịch ngày cuối tuần với sự tiếp tục lao dốc trên cả hai sàn.

Như vậy, sau một thời gian khá dài không có nhiều thông tin hỗ trợ, các nhà đầu tư đã bắt đầu mất kiên nhẫn và áp lực bán tăng mạnh. Đây cũng là phản ứng bình thường của các nhà đầu tư. Một tín hiệu tốt là khối ngoại tăng mua ròng trong tuần này đã hỗ trợ thị trường rất nhiều.

Mô hình sóng Ending Diagonal Expanding đã đỗ vỡ khi VN-Index giảm sâu qua 586 điểm và nhiều khả năng mô hình đã dịch chuyển sang mô hình 2 đỉnh, với mức giảm điểm rơi vào khoảng từ 550-560 điểm. Cho dù chưa có thông tin xác nhận cụ thể về hoạt động bán giải chấp (margin call) thì tâm lý lo ngại này vẫn đang hiện hữu trên thị trường và có thể đẩy thị trường xuống sâu. Hoạt động bắt đáy chung cần thận trọng, và chỉ nên diễn ra khi thị trường giảm về vùng kháng cự tin cậy hơn quanh 550-560 điểm. Mặt khác, BSI cho rằng bất kì thị trường tăng giá nào cũng có mức điều chỉnh từ 2 tuần đến 1 tháng sau chu kỳ tăng giá 3 – 4 tháng, quá trình điều chỉnh này hiện tại vẫn được nhìn nhận ở xu thế cấp 2 của lý thuyết Dow và do vậy hoạt động mua vào các cổ phiếu cơ bản giá hợp lý với tầm nhìn trung và dài hạn tiếp tục được khuyến nghị.

Sóng giảm theo Elliot

CTCP Chứng khoán MB (MBS): Về cơ bản, sau 3 tháng tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã hoàn thành mẫu hình 5 sóng tăng của sóng Elliot và hiện tại thị trường đang ở sóng C tức sóng giảm cuối theo mẫu hình này. Ngưỡng hỗ trợ 575 điểm đã bị phá vỡ và thị trường đang nghiêng về kịch bản giảm sâu nhưng mức đáy năm nay khả năng vẫn cao hơn so với 2013 dự kiến trong các khoảng 537 - 550 điểm.

Theo MBS nên tiếp tục chờ đợi và gom mua trong các phiên giảm mạnh, thận trọng không mua đuổi nếu thị trường hồi phục tại 560. Chờ đợi cơ hội giải ngân trong các đợt giảm trong vùng 550-560, nhất là trong các đợt giảm mạnh.

Xu hướng tăng giá trung hạn có thể bị đe dọa

CTCP Chứng khoán SSI (SS): Sau khi chạm vùng kháng cự 608-610 điểm vào ngày 10/4, VN-Index đã để mất gần 44 điểm chỉ trong 6 phiên giảm điểm. Riêng tuần hiện tại chỉ số đã mất 35.24 điểm với nhiều mã cổ phiếu giảm sâu trên diện rộng.

Tuần giao dịch kế tiếp có hai mốc quan trọng là 563 điểm của đáy đầu tháng 3 và đường trung bình động 100 ngày ở mức 559 điểm, nếu chỉ số không hồi lại được ở trên vùng này xu hướng tăng giá trung hạn có thể bị đe dọa.

Minh Hằng tổng hợp

công lý

Các tin tức khác

>   Tuần 21 - 25/04: 10 cổ phiếu ”nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (20/04/2014)

>   Adam Khoo: Muốn có lợi nhuận cao, hãy đầu tư ngắn hạn (18/04/2014)

>   Góc nhìn 18/04: Tăng thêm phiên nữa? (17/04/2014)

>   Góc nhìn 17/04: Hồi kỹ thuật hay tiếp tục lao dốc? (16/04/2014)

>   Thị trường lao dốc vì “bầu” Kiên? (16/04/2014)

>   Góc nhìn 16/04: Chờ dòng tiền trở lại (15/04/2014)

>   Góc nhìn 15/04: Lùi dần về 590 điểm? (14/04/2014)

>   Mua gì khi VN-Index giằng co ở ngưỡng 600? (14/04/2014)

>   Góc nhìn 14-18/04: Dao động tích lũy (13/04/2014)

>   Tuần 14 - 18/04: 10 cổ phiếu ”nóng” dưới góc nhìn PTKT của Vietstock (13/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật