Giao dịch CP bị tạm ngừng: Liều lĩnh hay bản lĩnh?
Tưởng như CP của những công ty niêm yết thua lỗ 2 năm liền và bị tạm ngừng giao dịch sẽ khiến các NĐT chùn tay, thế nhưng thực tế lại khác hẳn.
Ai dám chơi?
Cuối tháng 1, Thép Việt Ý (VIS) công bố BCTC quý IV-2013 lỗ gần 28 tỷ đồng cả năm 2013. Do năm 2012, VIS đã lỗ gần 18 tỷ đồng nên chỉ cần chính thức lỗ trong năm 2013, được thể hiện qua BCTC năm 2013 qua kiểm toán, CP này sẽ bị tạm ngừng giao dịch, tiến hành giải trình nêu các phương án khắc phục rồi mới được giao dịch lại.
Đầu tháng 3, HOSE đã quyết định đưa VIS vào diện kiểm soát và tạm ngừng giao dịch từ ngày 11-3 do công ty công bố BCTC kiểm toán 2013 với lợi nhuận âm. Tính ra thị trường đã có hơn 1 tháng để dự cảm khả năng VIS bị tạm ngừng giao dịch, đã phản ánh vào thị giá của VIS trong 3 tháng qua chỉ lên xuống quanh mốc 1.0.
Nhưng điểm khá ngạc nhiên là thanh khoản của VIS vẫn được duy trì, không hề sụt giảm do bi quan hay lo ngại. Thậm chí, có những phiên sát với ngày VIS bị hủy giao dịch, khối lượng khớp còn lên đến cả triệu CP. Việc này do VIS chỉ ngừng giao dịch 2 phiên 11 và 12-3 trước khi xuất hiện trở lại trên bảng điện sàn HOSE trong ngày 13-3.
Trong thời điểm TTCK thuận lợi, CP dù có nhiều “bệnh” vẫn có thể tăng giá, tạo ra lợi nhuận cho NĐT. Tuy nhiên, sẽ vô cùng mạo hiểm khi TTCK bước vào giai đoạn phân hóa, lúc đó dòng tiền chỉ tập trung tại một số CP nhất định. Mặt khác, cũng cần có những đánh giá đúng đắn về thanh khoản của nhiều CP đã hoặc chuẩn bị tạm ngưng giao dịch. Bởi lẽ nhìn về KLGD con số có thể lên đến hàng trăm ngàn CP. Nhưng nếu giá CP chỉ vài ngàn đồng, GTGD chỉ tương ứng vài trăm triệu đến vài tỷ đồng, tính ra thanh khoản cũng không phải quá lớn và không đảm bảo rằng CP có nhiều người tham gia.
Mấu chốt nằm ở 2 phiên giao dịch, tương đương với 2 ngày NĐT nắm giữ VIS muốn bán cũng không dễ thực hiện. Một NĐT tỏ ra cẩn trọng và bày tỏ quan điểm 2 ngày này dài như… 2 tuần hoặc 2 tháng và nếu ai rơi vào hoàn cảnh này chỉ mong mau đến ngày CP được giao dịch trở lại.
Có lẽ đây cũng là tâm lý chung của những ai nắm giữ CP bị tạm ngưng giao dịch và chờ đến ngày quay lại sàn. Về lý mà nói, công ty sẽ phải tích cực giải trình, đưa ra các phương án khắc phục thua lỗ để CP sớm được giao dịch, đảm bảo lợi ích cho cổ đông.
Tuy nhiên, thực tế lại có những rủi ro không dễ gì nhận biết được, nên lo vẫn cứ lo và rủi ro thanh khoản vẫn rất lớn. Nhưng rủi ro lớn đi kèm lợi nhuận cao, nếu mua VIS với giá 8.500 đồng/CP một số phiên trước khi hủy niêm yết, khi CP này quay trở lại sàn có thể bán được với giá 10.900 đồng/CP, lãi hơn 28% chỉ trong vòng hơn chục ngày.
Có người nói rằng đầu tư kiểu này là liều lĩnh vì tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, CP nếu đứt thanh khoản chẳng khác nào giấy lộn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đầu tư phải có rủi ro, ăn nhau ở khả năng phán đoán và đối mặt với nó.
Trong cửa tử có cửa sinh
Câu chuyện của VIS cũng hấp dẫn nhưng chưa ngoạn mục bằng trường hợp của STL (Sông Đà Thăng Long). Cuối tháng 7 năm ngoái, STL bị hủy niêm yết tại HNX do lỗ hơn 170 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ 150 tỷ đồng của công ty.
Đến tháng 11-2013, STL chuyển sang giao dịch tại UPCoM và tăng hơn 60% từ 3.600 đồng/CP lên gần 6.000 đồng/CP. Trong một sàn UPCoM với nhiều CP ở trạng thái nguội lạnh về thanh khoản STL vẫn có một số giao dịch tương đối sôi động (nhưng không ổn định).
Thậm chí, trong danh sách cổ đông lớn của STL còn có những quỹ đầu tư chuyên đánh “hàng nhỏ” mạo hiểm như Asean Small Cap Fund và Lucerne Enterprise. Bỏ qua các yếu tố như mạo hiểm, cùng những vấn đề trong hoạt động kinh doanh thì việc những CP bị hủy niêm yết hay tạm ngừng niêm yết vẫn thu hút được các NĐT cho thấy nhóm này vẫn còn một con đường sống.
Và con đường này có thể rộng hơn trong trường hợp TTCK có diễn biến thuận lợi. CP còn thu hút NĐT cũng có nghĩa công ty còn những giá trị của mình và có thể tận dụng nó để vượt qua khó khăn.
Một điểm cũng phải nói đến là quy định mới từ cơ quan quản lý đã có tác dụng hỗ trợ thanh khoản cho những CP của các công ty lỗ 2 năm liên tiếp và bị đưa vào diện kiểm soát. Trước đây CP của những công ty dạng này sau khi giải trình và đưa ra phương án khắc phục, khi được giao dịch lại sẽ chỉ được thực hiện trong 15 phút cuối, nhưng bây giờ đã được “cởi trói” và giao dịch bình thường, nhờ vậy thanh khoản được đảm bảo.
Tuy nhiên, các yếu tố tích cực này không đồng nghĩa với việc có thể “tất tay” với bất kỳ CP bị tạm ngưng giao dịch nào. NĐT bên ngoài không thể chủ động được trong việc CP khi nào sẽ giao dịch trở lại, bởi việc này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Đặt trong bối cảnh TTCK thuận lợi, có lẽ doanh nghiệp nào cũng muốn tranh thủ quay trở lại sàn sớm nhất, nhưng khi TTCK không thuận lợi hoặc có một yếu tố nào khác thì sao? Thiết nghĩ ngoài những giải trình và phương án khắc phục, công ty niêm yết cũng nên đẩy mạnh thêm hoạt động công bố thông tin để đảm bảo quyền lợi NĐT.
Các công ty này vẫn còn nhiều gánh nặng khi đã lỗ 2 năm liên tiếp, chỉ cần có thêm 1 năm lỗ nữa là sẽ bị hủy niêm yết. Vì thế cũng cần xác định chắc chắn rằng 2 năm thua lỗ đã là điểm đáy của doanh nghiệp hay chưa hay vẫn còn những rủi ro khác nữa.
NGỌC TRÚC
sài gòn đầu tư tài chính
|