Thứ Sáu, 04/04/2014 11:21

Giá lúa rơi tự do, 8.000 tỷ về đâu?

Giá lúa trên Đồng bằng sông Cửu Long rớt thảm không chỉ nông dân chết mà còn kéo theo cả thương lái, đại lý phân bón, thuốc trừ sâu… Đằng sau danh hiệu quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đời sống của những người trực tiếp “trồng” ra danh hiệu ấy còn quá bấp bênh.

Nông dân Nguyễn Văn Đậm ở ấp Tân Bình 1, xã Long Phú, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) mấy hôm nay như ngồi trên lửa. “Vụ đông xuân này gia đình tôi thu hoạch khoảng 20 công (2ha - phóng viên) giống lúa IR 50404. Trước khi thu hoạch khoảng gần 1 tháng, thương lái đã đến đặt cọc tiền với tôi để mua lúa với giá 4.600 đồng/kg, tuy nhiên đến ngày gặt, họ bỏ tiền cọc không mua lúa nữa. Hiện nay gia đình tôi đang phơi lúa chờ được giá, nghe Thủ tướng chi 8.000 tỷ đồng mua gạo tạm trữ để bình ổn giá, tôi mừng lắm và chờ... Ai dè giá lúa vẫn rơi tự do. Chết!” - anh Đậm bày tỏ.

Nông dân, đại lý cùng “chết chùm”

Giá lúa giảm, nhiều thương lái chấp nhận bỏ tiền cọc chứ không mua lúa để chịu lỗ. Hiện tại giá lúa IR 50404 được các thương lái mua với giá 4.400 đồng, lúa hạt dài như OM 5451 giá từ 4.700 đến 4.800 đồng, riêng OM 4900 vẫn được giá 5.000 đồng. Nhìn chung, giá lúa giảm hơn so với đầu tháng 3 từ 200 đến 500 đồng/kg. Trước tình trạng giá lúa giảm, người nông dân chọn biện pháp phơi lúa khô để chờ giá lên mới bán.

“Nhà nước sớm có chính sách làm sao để giá lúa tăng lên chứ điệp khúc được mùa mất giá cứ đến vào lúc đầu vụ thế này chúng tôi nản lắm rồi” - chị Lý Thu Hà, ở ấp Long Bình 1 bày tỏ. Chị Hà cho biết thêm, từ cách đây vài ngày giá lúa là 5.300 đồng, đến nay giảm chỉ còn 4.800 đồng, thậm chí là 4.500 đồng,

Một “ông Hai lúa” huyện Tam Nông (Đồng Tháp) bộc bạch: “Tôi sở hữu 300 ha lúa, nhà báo đừng gọi tôi địa chủ. Nhân công của tôi được trả lương đầy đủ theo hợp đồng. Tôi chết, nào ai biết: vốn vay ngân hàng, tiền phân bón, thuốc trừ sâu... “.

Mà người trồng lúa chết là “chết chùm”, kéo theo cả đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cả thương lái cũng chết. Một đại lý phân bón than: “Giá lúa hiện nay thì nông dân lỗ nặng, họ lỗ thì lấy đâu tiền trả phân bón...” Ông này chua chát thêm: “Xem ra cái nghề bán “phân” này đã đến thời mạt vận”.

Thương lái Nguyễn Tài Phú ở Châu Thành A, Hậu Giang chuyên thu mua lúa vùng Cần Thơ, Hậu Giang thông tin: “Chỉ hơn 1 tuần qua, cánh thương lái chúng tôi lỗ khá nặng, giá gạo hạt tròn giảm còn 700 đồng/kg, gạo hạt dài giảm 1.000 đồng/kg. Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ, anh em thương lái không thu mua cả lúa lẫn gạo nữa. Tính toán, 1 chiếc ghe 30 tấn nếu mua theo hợp đồng đặt cọc trước sẽ lỗ từ 7 đến 10 triệu đồng còn bỏ cọc thì lỗ ít nhất là 5 triệu đồng nên thương lái nào cũng ngán ngẩm đành neo ghe, thiệt hại chút đỉnh còn hơn là thu mua lúa gạo…”.

Ông Phú lý giải về việc giá lúa gạo liên tục giảm: Có thể do các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu đang còn gặp khó khăn về hợp đồng xuất khẩu nên hạn chế mua vào. Thương lái mà lỗ thì nông dân khó mà có lời…

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang, vụ đông xuân này Hậu Giang có diện tích khoảng 13.400 ha đang vào giai đoạn thu hoạch rộ. Được mùa, chưa kịp mừng thì giá lúa đã rớt thảm. “ Chết!”, một lãnh đạo than khi phóng viên vừa mới mở lời.

Tại sao chết? Một “Hai lúa” khác, sở hữu 500 ha lúa vùng tứ giác Long Xuyên kể: “Hiệp hội Lương thực thông tin trên báo là Ấn Độ, Thái Lan “xả hàng” bán hàng triệu tấn gạo làm ảnh hưởng đến giá gạo Việt Nam. Gạo đâu họ bán? - Đừng chỉ đạo 8.000 tỷ đồng mua tạm trữ ban ơn cho người trồng lúa như chúng tôi, mà hãy làm như họ, Nhà nước bao tiêu lúa của nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đấu thầu mua lúa từ Nhà nước. Tại vì sao họ định đoạt giá gạo trên thị trường thế giới? Kho dự trữ họ lớn, doanh nghiệp xuất khẩu gạo họ giỏi, nông dân họ được nhờ. Còn nông dân mình, ca mãi khúc được mùa, mất giá”.

Ông “Hai lúa” có 500ha lúa này bật khóc vì giá lúa rơi tự do, ông vừa phải bán ô tô để... trả tiền phân bón và thuốc trừ sâu. Một cái chết tức tưởi!

Đến lúc “làm lại” thị trường lúa gạo

Đã có nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước không cần hỗ trợ lãi suất 0% để các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ như hiện nay. Bởi từng doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu gạo thì phải tự chủ nguồn nguyên liệu cho chính mình và cần có trách nhiệm với người dân.

Nếu kéo dài cơ chế tạm trữ sẽ khiến một số doanh nghiệp ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Thay vì hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua gạo tạm trữ thì nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua những mô hình khác sẽ hiệu quả hơn.

“Việc thu mua tạm trữ lúa năm nào cũng làm, nhưng theo tôi hiệu quả không cao, thậm chí dư luận còn xì xầm có lợi ích nhóm” - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL nói. Theo TS Bảnh, điều quan trọng là phải có quy định ràng buộc trách nhiệm giữa doanh nghiệp với nông dân. Mỗi doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần hình thành khoảng 5.000ha vùng nguyên liệu trồng lúa (có thể gắn với cánh đồng mẫu).

Nếu chỉ lấy con số khoảng 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, việc hình thành khoảng 500.000ha, tương đương khoảng 3 triệu tấn lúa đạt chuẩn, chất lượng đồng đều, đảm bảo yêu cầu xuất khẩu. Từ đó, xây dựng thương hiệu, giá trị mang về tăng lên thì đời sống nông dân sẽ được cải thiện. Thông qua mô hình này sẽ ký kết hợp đồng bao tiêu và tạm trữ là tốt nhất.

Thế nhưng, trên thực tế thì dẫu có hợp đồng rồi cũng bị “bẻ”. Trong vụ đông xuân 2013-2014, gần 800 nông dân của các xã Nhị Bình và Điềm Hy, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang trồng 421ha lúa trong cánh đồng mẫu lớn. Sau khi thu hoạch xong, niềm vui lớn nhất của nông dân là năng suất lúa đạt cao nhất từ trước tới nay, đạt 8-10 tấn/ha.

Song niềm vui ngắn chẳng tày gang, bởi doanh nghiệp không mua lúa của nông dân như hợp đồng đã ký trước đó. Không đồng tình, nông dân phản ánh đến các ngành chức năng xã, huyện để giải quyết chuyện doanh nghiệp không giữ lời hứa, nhưng cũng không có kết quả.

Hai doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân là Công ty TNHH P.Đ và Công ty TNHH P.Q. Đầu vụ, công ty hợp đồng hẳn hoi với nông dân nói rằng mua lúa bằng với giá thành sản xuất lúa tại Tiền Giang theo khuyến nghị của Bộ Tài chính, cộng thêm 30% lợi nhuận. Tuy nhiên, đến kỳ thu hoạch, họ lại viện lý do giá lúa xuống thấp quá, tình hình xuất khẩu khó khăn để trì kéo… Không thỏa thuận được giá, nông dân đành bán lúa cho thương lái bên ngoài.

Sau khi xảy ra chuyện phá vỡ hợp đồng, ngành nông nghiệp tỉnh, lãnh đạo huyện Châu Thành có mời doanh nghiệp và nông dân đến bàn hướng xử lý. Nhưng mọi chuyện cũng không đi đến đâu. Theo một nguồn tin của PLVN, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang đã gửi công văn đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam về trường hợp “bẻ kèo” này, nhưng cũng chưa có hồi âm. Mới đây, tại cánh đồng mẫu lớn của xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè cũng xảy ra chuyện lùm xùm giữa nông dân và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Nhiều nông dân tham gia mô hình bức xúc: Đầu vụ lúa đông xuân 2013-2014, nông dân hợp đồng bán lúa cho Công ty Lương thực Tiền Giang.

Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, giá lúa giảm, khiến hai bên không đi đến thống nhất về giá cả. Công ty thu mua nhỏ giọt và cũng không có ý kiến phản hồi đối với những nông dân còn lại. Biết chuyện “bẻ kèo” giữa nông dân và doanh nghiệp, nhiều thương lái đến thương lượng mua lúa của nông dân với giá bèo. Nhưng vì đã ký hợp đồng trước đó với doanh nghiệp, nên nông dân vẫn cố gắng đợi thêm…

Người dân “một nắng hai sương” làm ra hạt lúa, doanh nghiệp mang sản phẩm từ đồng ruộng quê hương bán khắp toàn cầu, đó là mối quan hệ cộng sinh cùng có lợi. Nhưng thực tế ai cũng cũng thấy, đằng sau danh hiệu quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đời sống của những người trực tiếp tạo ra danh hiệu ấy còn quá bấp bênh.

Quá nhiều vấn đề còn ngổn ngang trên vựa lúa mà cho dẫu đổ 8.000 hay 10.000 tỷ đồng rồi cũng chẳng đến được tay nông dân nếu không giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc dỡ các cơ chế vận hành trên thị trường lúa gạo ra làm lại hoàn toàn.

Ngọc Long - Nam Giao

pháp luật Việt Nam

Các tin tức khác

>   Nguy cơ cuộc chiến giá gạo tại châu Á (03/04/2014)

>   Đồng Tháp thu mua tạm trữ được gần 42.000 tấn gạo (03/04/2014)

>   Tồn kho gần 600 nghìn tấn, giá đường “đang rơi tự do” (03/04/2014)

>   Rà soát các chính sách khai thác, nuôi trồng thủy sản (02/04/2014)

>   OceanBank cho vay mua, tạm trữ thóc gạo lãi suất 7% (01/04/2014)

>   Giá đường giảm mạnh (01/04/2014)

>   Định danh rõ tên cao su tự nhiên để gỡ vướng về thuế (01/04/2014)

>   Nước mắt bên vựa lúa (01/04/2014)

>   Agribank lãi suất cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo tối đa là 7%/năm (31/03/2014)

>   Thương nhân Hàn Quốc, Trung Quốc tranh mua chuối VN (31/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật