Thứ Năm, 17/04/2014 16:07

Dòng tiền có thể chảy nhanh, đến đúng đích

Việc gọi chương trình hợp vốn cho vay cho lĩnh vực BĐS và chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà (gồm ngân hàng với chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung ứng, sản xuất vật liệu xây dựng) do Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam phát động mới đây là “gói 50.000 tỷ đồng” đã khiến nhiều người hiểu sai về bản chất của chương trình này - TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói với phóng viên.

Thưa ông, mặc dù mới được phát động, nhưng cũng đã có những ý kiến đánh giá khác nhau về chương trình cho vay này. Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Dominic Mellor thậm chí phát biểu rằng “gói tín dụng 50.000 tỷ đồng là mục tiêu đầy tham vọng và khó giải quyết”. Ông có bình luận gì?

Trước hết, con số 50.000 hay 70.000 hay 120.000 tỷ đồng chưa phải là quan trọng, vì thực chất vay được đến đâu mới là chuyện quan trọng. Tôi nghĩ chính cách gọi “gói tín dụng” dễ khiến người ta hiểu lầm nó tương tự gói 30.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Chương trình khác hẳn, hoàn toàn mang tính chất thương mại. Vấn đề là ở chỗ sự liên kết 4 nhà như đã nói sẽ giúp tiết kiệm chi phí vay vốn. Hiện nay từ người đi mua, DN sản xuất vật liệu, rồi nhà đầu tư xây dựng... đều phải đến vay vốn ở ngân hàng; mỗi lần đi vay là một lần mất phí. Bây giờ 4 lần phí đó có thể gộp lại còn 1, 2 thôi, vì tất cả những người có liên quan trong chuỗi tự giao dịch với nhau.

Ngân hàng trở thành người trung gian, kết nối các nhu cầu, làm cho giá vay thấp xuống. Cũng nhờ đó mà tạo ra được luồng tiền “chạy” thông suốt, không bị ngưng nghỉ chỗ nào, đồng thời đảm bảo tiền được sử dụng đúng mục đích. Nói ngắn gọn là cái được quan trọng nhất của chương trình ấy là thúc đẩy dòng tiền đi đúng đến đích với chi phí thấp hơn cho xã hội, góp phần củng cố lòng tin của người tiêu dùng.

Do đối tượng được vay không rộng rãi mà chỉ khoanh lại trong vài chục nhà sản xuất, đầu tư nên đã có chuyên gia địa ốc lo ngại tiềm ẩn lợi ích nhóm; rồi tiền đổ ra “sân sau” của ngân hàng và làm gia tăng tình trạng nợ xấu?

Lợi ích nhóm cũng không hẳn đã là xấu. Những ai tham gia vào chuỗi sản xuất - xây dựng - kinh doanh nhà ở một số khu vực nhất định thì được vay và giảm chi phí nhờ bớt được đầu mối giao dịch. Tôi không cho là lo ngại trên có cơ sở nếu họ làm không có gì sai luật thì sao lại không ủng hộ? Một nhóm doanh nghiệp hoàn toàn có thể liên kết với nhau để tạo ra thị trường, bán sản phẩm chạy hơn.

Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản pháp quy khác có liên quan không cấm điều này?

Không. Ngân hàng có quyền tự chủ kinh doanh, quyền định hướng khách hàng mục tiêu. Có nhiều chương trình cho vay có ràng buộc là để đóng tàu đánh cá hoặc chỉ cho vay để tiêu dùng, mua nhà, mua xe... Vẫn là người dân ấy, nhưng vay để mua nhà, mua xe thì được, ngân hàng không cho vay để sử dụng vào mục đích khác. Vả lại, đừng hình dung là các ngân hàng sẽ cộp ra một khối tiền lớn để đó mà họ sẽ điều chỉnh trên cơ sở khả năng huy động và cho vay thực tế. Nếu chưa có người vay theo chương trình này thì ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động cho vay khác như bình thường.

Gói 30.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội có ưu đãi hẳn hoi còn không giải ngân được thì chương trình này có tìm được khách hàng vay vốn hay không?

Như tôi đã nói, hai việc này khác nhau về bản chất. Gói 30.000 tỷ đồng chỉ nhắm đến một đối tượng chứ không phải cả dây chuyền, cả chuỗi. Chính từ “gói” làm cho người ta dễ có ý niệm không đúng.

Có gì cần lưu ý để chương trình thành công?

Còn quá sớm để “lưu ý” điều gì. Theo tôi nên để các ngân hàng triển khai hoạt động kinh doanh bình thường của họ và theo dõi xem thị trường có ấm lên không; các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có cải thiện được tình hình tài chính không; chương trình có giúp đẩy nhanh tiến độ ra đời các khu đô thị văn minh hiện đại không. Những “răn đe” và cảnh báo quá sớm có khi giống như bảo với một cậu bé đang nỗ lực tập đi (mà động tác chưa có gì sai) là “cẩn thận kẻo ngã” đấy!

Xin cảm ơn ông!

Cẩm Hà (thực hiện)

Hải quan

Các tin tức khác

>   Chuyển động tích cực trong tái cơ cấu DN ngành Xây dựng (17/04/2014)

>   Vì sao thị trường gạch không nung ảm đạm? (17/04/2014)

>   Kiểm tra quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội ở Hà Nội (17/04/2014)

>   Phá sản mục tiêu nội địa hóa (17/04/2014)

>   Loạn giá bán căn hộ (17/04/2014)

>   Không chỉ lợi trước mắt! (17/04/2014)

>   “Nút thắt”... tiền sử dụng đất (16/04/2014)

>   Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm: Có nhà, gói 30.000 tỷ đồng mới “chạy” (16/04/2014)

>   Bất động sản: Sáp nhập, thay đổi để hồi sinh? (16/04/2014)

>   ĐHĐCĐ Nhà Khang Điền: Kế hoạch lãi 40 tỷ đồng sau 2 năm thua lỗ (15/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật