Thứ Bảy, 05/04/2014 15:22

ĐHĐCĐ VTB: Tận dụng căng thẳng tại Ukraine, tìm cơ hội xuất khẩu sang Nga

Nhằm tăng doanh thu và mở rộng mạng lưới hoạt động, VTB sẽ đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là tìm cơ hội xuất khẩu sang Nga để tận dụng căng thẳng với Ukraine khi Nga phải bù đắp cấm vận tại Châu Âu.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2013 của CTCP Viettronics Tân Bình (HOSE: VTB), các cổ đông đã thông qua chiến lược hoạt động kinh doanh trong năm 2014. Công ty đặt kế hoạch doanh số bán hàng trong năm 2014 đạt 220.47 tỷ, tăng 24% so với thực hiện năm 2013; lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 6% lên 13.05 tỷ đồng; tỷ lệ cổ tức dự kiến 10%. Lợi nhuận tăng dần 1 tỷ đồng từng năm từ 2015-2018 là 14-17 tỷ đồng.

Đại diện công ty cho biết do hoạt động điện máy trong nước còn gặp nhiều khó khăn khi sức tiêu thụ yếu, bên cạnh đó là sự cạnh tranh từ nhiều thương hiệu khác nên VTB phải tìm cách tăng doanh thu bằng cách mở rộng mạng lưới và xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài.

Chia sẻ với cổ đông về hoạt động xuất khẩu của VTB, đại diện công ty cho biết đặt nhiều mục tiêu xuất khẩu sang các thị trường Cuba, Lào, Campuchia, Myanmar…

  • Trong năm 2013, công ty đã xuất khẩu sang Cuba đạt giá trị 6.4 tỷ đồng.
  • Đối với Myanmar, VTB vẫn đang tìm kiếm hướng đi tại thị trường này do hàng Trung Quốc tràn ngập tại Myanmar, công ty còn gặp nhiều trở ngại nên chưa vào được thị trường Myanmar.
  • Tại Lào, VTB đã tham gia các triển lãm sản phẩm, ký vài biên bản ghi nhớ với nhà phân phối. Công ty đã xuất một lô hàng tivi sang Lào nhưng phải qua trung gian. Sở dĩ VTB không ký trực tiếp với đối tác bên Lào được do bị vướng chi phí vận chuyển, hiện VTB đang tìm hướng để giảm chi phí vận chuyển sang Lào.
  • Hàng của VTB vào thị trường Campuchia chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch là chính, công ty đã chào bán đầu karaoke vào Campuchia nhưng số lượng chưa nhiều.
  • Tại Mỹ, VTB đã xuất khẩu khoảng 300-400 đầu karaoke nhưng không chính thức mà phải thông qua đại lý khác mua hàng và xuất đi Mỹ.

Đặc biệt trong năm 2014 này, VTB đang có cơ hội đầu tư vào thị trường Nga khi nước này đang gặp sự cố căng thẳng với Ukraine. Sau vấn đề này, Nga đã đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định Hải quan, nhờ đó hàng hóa xuất khẩu qua Nga có thể đơn giản như vận chuyển từ Sài Gòn đến Hà Nội do các thủ tục hải quan không bị thực hiện chặt chẽ như trước. Nga đã có đoàn làm việc sang Việt Nam để đàm phán nhằm bù đắp các cấm vận từ Châu Âu. Đây cũng là cơ hội cho VTB và công ty sẽ phải đầu tư tìm kênh phân phối, phát triển mặt hàng có sức cạnh tranh cao để có thể xuất khẩu sang Nga.

Xuất khẩu được 6 tỷ đồng trong quý 1/2014, công ty thành viên đã có lãi

Chia sẻ thêm về kết quả xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2014, VTB đã xuất khẩu được 6 tỷ đồng trong quý 1/2014 và có đơn hàng giá trị 6 tỷ đồng trong quý 2/2014 sang Cuba.

Ngay từ đầu năm, VTB đã ký các bản ghi nhớ và tiến hành các thủ tục đầu tư mặt bằng Cát Lái cho Công ty Yusen và Sony thuê, dự kiến mức lợi nhuận hàng năm mang lại cho VTB khá lớn. Tuy nhiên, do việc thay đổi chủ trương hoạt động từ phía tập đoàn (năm 2013 Sony kinh doanh thua lỗ, phải thực hiện tái cấu trúc và mảng logistics giao cho bên ngoài – outsourcing) nên Sony đã gửi thư xin lỗi và dự án này tạm thời ngừng. Ban lãnh đạo VTB đang nỗ lực tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới, hiện đã có 2-3 đơn vị đang tiến hành tiếp xúc, khai thác mặt bằng và muốn liên doanh với VTB. Các mặt bằng khác của VTB tại Vĩnh Lộc, Phạm Văn Hai và Nơ Trang Long được khai thác tối đa và việc cho thuê đã gần như phủ kín.

Trong năm 2014, VTB sẽ vẫn tập trung vào công tác nghiên cứu phát triển những sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, có giá trị cộng thêm lớn như các sản phẩm HD Karaoke media center có nhiều tính năng trong một như hát karaoke, xem phim HD, xem hình, nghe nhạc, kết nối internet qua wifi, 3G... Đồng thời, VTB cũng sẽ phát triển các sản phẩm internet karaoke trên cơ sở điện toán đám mây, tạo tiền đề cho việc phát triển VTB thành công ty công nghệ cao trong vòng từ 3 đến 5 năm nữa.

Về hoạt động của các công ty thành viên, đại diện công ty cho biết đã đã tổ chức lại các công ty con nhằm tạo động lực bán hàng và kinh doanh nhưng cơ chế quản lý thời gian đầu chưa phù hợp, nhiều phương án đầu tư chưa tính toán kỹ nên phải thực hiện tái cơ cấu. Trong 3 tháng đầu năm 2014, các công ty này đã có lãi.

  • Công ty JS VTB được Công ty đa quốc gia Pioneer chọn là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam.
  • Công ty CNTT VTB bước đầu hồi phục, hoạt động trong năm đã có lãi sau một thời gian dài thua lỗ từ năm 2011.
  • Công ty Vitek VTB TPHCM hoạt động khó khăn do chi phí cao và doanh số nhỏ do cạnh tranh quá nhiều ở thị trường miền Nam. HĐQT đã quyết định tái cơ cấu theo hướng giải thể, thành lập bộ phận bán hàng trực tiếp từ công ty mẹ để giảm chi phí.
  • Công ty Vitek VTB Hà Nội trong năm hoạt động không tốt, kết quả kinh doanh lỗ do một số đầu tư không khả thi, HĐQT đã quyết định tái cơ cấu nhân sự chủ chốt, bước đầu đã ổn định.

Kết quả năm 2013, VTB đạt doanh thu thuần hợp nhất 219 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 14 tỷ đồng, tương đương 99% kế hoạch năm (14.055 tỷ đồng), Tỷ lệ cổ tức là 8%, trong đó đã tạm ứng 5% (ngày 01/04/2014) và dự kiến chia thêm 3% vào quý 2/2014 sau khi hoàn tất các thủ tục.

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh chính trong lĩnh vực điện máy, TVB còn đầu tư tài chính, bất động sản và cho thuê văn phòng. Đặc biệt hoạt động đầu tư bất động sản và cho thuê văn phòng của VTB đã tạo nguồn thu ổn định trong năm 2013 và đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh của VTB.

HĐQT công ty nhiệm kỳ mới (2014-2018) bao gồm các Thành viên:

  1. Ông Lưu Hoàng Long - Chủ tịch (đại diện cổ đông lớn Tổng CTCP Điện từ và Tin học Việt Nam)
  2. Ông Vũ Dương Ngọc Dung - Thành viên (đại diện cổ đông lớn Tổng CTCP Điện từ và Tin học Việt Nam)
  3. Ông Vũ Hoàng Chương - Thành viên (đại diện cổ đông lớn Tổng CTCP Điện từ và Tin học Việt Nam)
  4. Ông Đào Trung Thanh - Thành viên (đại diện nhóm cổ đông)
  5. Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Thành viên HĐQT độc lập

Đại hội đã thông qua các tờ trình. 

Minh Hằng

Công lý

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ OPC: Nâng cổ tức tiền mặt năm 2013 từ 20% lên 25% (05/04/2014)

>   Vinalines lại thiệt hại tiền tỉ (05/04/2014)

>   SWC: Báo cáo tài chính năm 2013 (04/04/2014)

>   ICI: Báo cáo tài chính năm 2013 (04/04/2014)

>   SDD: Báo cáo tài chính năm 2013 (04/04/2014)

>   L44: Giải trình chênh lệch trước và sau kiểm toán (04/04/2014)

>   DBF: Báo cáo tài chính năm 2013 (04/04/2014)

>   TMS: Tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 (04/04/2014)

>   EIB dự kiến bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT (04/04/2014)

>   FMC: Báo cáo thường niên năm 2013 (04/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật