ĐHĐCĐ Vinacafé BH: Kế hoạch lợi nhuận tăng gần 54% và phát triển 2 sản phẩm mới trong năm 2014
Sáng ngày 18/04, ĐHĐCĐ của CTCP Vinacafé Biên Hòa (HOSE: VCF) thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014 với doanh thu 3,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 400 tỷ đồng, tăng lần lượt 28% và 54% so với thực hiện năm 2013. VCF cũng đưa kế hoạch phát triển 2 sản phẩm mới trong năm.
Năm 2013, VCF thu về 2,298 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế là 287 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 260 tỷ đồng.
Để thực hiện kế hoạch đề ra, VCF đưa ra các chiến lược kinh doanh như tái tung nhãn hiệu Vinacafe như nhãn hiệu di sản, truyền thồng; tiếp tục đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới cho ngành thức uống café; xây dựng kênh phân phối riêng biệt cho ngành nước giải khát bao gốm cả kênh thông thường và kênh quán; thâm nhập thành công các ngành thực phẩm có nhu cầu thị trường đủ lớn và xây dựng các giải pháp công nghệ & quản lý nhằm cải thiện lợi nhuận biên tế hướng tới mức 35%.
Về kết quả kinh doanh quý 1/2014, Ban chủ tọa đoàn VCF cho biết, nếu so sánh với cùng kỳ năm 2013 thì doanh thu tăng 8% và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh gần 250% (quý 1/2013 doanh thu ở mức 416.5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 35.56 tỷ đồng).
Tại ĐHĐCĐ năm ngoái, VCF đưa ra tầm nhìn năm 2016 sẽ thống lĩnh thị trường café Việt Nam với 80% thị phần café hòa tan và 51% thị phần café rang xay. 2013 thị phần hai mảng này của VCF là bao nhiêu? Và dự kiến đến 2016 có đạt được như mục tiêu đề ra không?
Đại diện Ban chủ tọa cho biết, tầm nhìn của VCF hiện tại đã rộng mở hơn, không chỉ thực hiện chủ yếu ở café hòa tan và rang xay. VCF phấn đấu trở thành công ty café và nước uống café hàng đầu (hiện vừa ra sản phẩm nước tăng lực café không nằm trong mảng rang xay và hòa tan). Hiện tại thị trường rang xay, hòa tan và tăng lực chiếm 11 tỷ. Về thị phần VCF không đưa ra do cần thống nhất quan điểm trong HĐQT.
Tại sao VCF có triển vọng như vậy mà tổng công ty café Việt Nam lại bán cho quỹ Gaoling Fund một tỷ lệ lớn như vậy? VCF có lo ngại về sự hiện diện của quỹ này sẽ ảnh hưởng hoặc tiến gần đến kiểm soát VCF?
Đại diện Ban chủ tọa cho biết, VCF hiện là công ty niêm yết trên sàn nên việc mua bán qua lại là bình thường. Việc Tổng công café ty bán là do đơn vị này cơ cấu lại đầu tư và vốn. Với sự hiện diện của quỹ Gaoling Fund, VCF không lo lắng về vấn đề kiểm soát của quỹ này và VCF mãi mãi là của người Việt Nam.
Bên cạnh các câu hỏi trên, về sản phẩm mới của VCF là Wake-up 247, một cổ đông muốn biết là sẽ là doanh thu của VCF hay Vĩnh Hảo? Hệ thống phân phối có giống hiện tại hay là phải xây dựng thêm? Dự tính giá trị thị trường của café rang xay và nước uống café?
Đại diện ban chủ tọa cho biết, doanh thu của Wake-up 247 là thuộc về VCF. Còn về hệ thống phân phối thì do VCF đã mở rộng hệ thống phân phối ra cả về sản phẩm bột và nước nên khi đưa sản phẩm mới này ra thị trường, VCF không phải xây dựng hệ thống phân phối.
Về giá trị thị trường của café rang xay và nước uống café, đại diện ban chủ tịch cho biết thị phần rang xay chỉ khoảng 5,000 -6,000 tỷ đồng/năm, còn thị trường nước uống café (nước tăng lực café) ở mức 15,000 tỷ đồng. Rõ rang thị trường này lớn hơn nhiều, vì vậy đi tiên phong trong lĩnh vực này sẽ rất có lợi cho VCF.
Cuối đại hội, ĐHĐCĐ thông qua các tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2014, phương án phân phối lợi nhuận năm 2013, chi phí hoạt động của HĐQT – thù lao BKS năm 2013 và kế hoạch thù lao HĐQT – BKS năm 2014, lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2014, bổ sung ngành nghề kinh doanh và sửa đổi điều lệ công ty và cuối cùng là thay đổi nhân sự cho HĐQT.
Duy Hoàng
Công lý
|