Cuộc chơi lớn của Vinamilk
Từ một công ty nhà nước chỉ có 3 nhà máy, sau 37 năm Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM) đã vươn lên vị trí số 1 trong ngành sữa.
Như nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đi lên từ thời kỳ bao cấp, Vinamilk đã đi qua một chặng đường đủ dài để trở thành công ty hàng đầu trong ngành sữa. Không phủ nhận những lợi thế và đặc quyền mà cơ chế mang lại cho Vinamilk, nhưng thành quả hiện nay phần lớn bắt nguồn từ chiến lược kinh doanh đúng đắn, cũng như khả năng chớp cơ hội trên thương trường của ban lãnh đạo công ty – đứng đầu là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên.
Thơ ấu gian khó
Khó có thể hình dung người khổng lồ Vinamilk hôm nay lại sinh ra và lớn lên trong môi trường khó khăn đến như thế vào những năm 1970-1980 của thế kỷ trước. Năm 1976, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) được thành lập, tiền thân là Công ty Sữa, Cafe Miền Nam, trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Thực phẩm miền Nam. Công ty bao gồm ba đơn vị trực thuộc là Nhà máy sữa Thống Nhất, Trường Thọ và Dielac. Theo lời Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, buổi đầu tiếp quản 3 nhà máy này tình hình sản xuất chung của công ty gặp rất nhiều khó khăn. Toàn bộ hệ thống dây chuyền, máy móc cũ kỹ lạc hậu, phụ tùng thiếu thốn, nguyên liệu sản xuất không có. Cái khó bó cái khôn, trong điều kiện đó Vinamilk vẫn cố gắng xoay xở nhằm đảm bảo một lượng hàng nhất định phục vụ người tiêu dùng, chủ yếu là người già, người bệnh và trẻ em.
Trải qua các giai đoạn phát triển với nhiều thăng trầm, Vinamilk đã không ngừng mở rộng về quy mô lẫn thị trường và đặc biệt cho ra đời nhiều sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu. Theo số liệu chính thức của Vinamilk, đến năm 2013 công ty đã có 24 đơn vị trực thuộc và 1 văn phòng chính, với tổng số cán bộ công nhân viên gần 6.000 người. Trong đó có 1 nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand (do Vinamilk đầu tư xây dựng và sở hữu – PV) và 13 nhà máy sản xuất sữa hiện đại, trải dài từ Bắc vào Nam và đã chạy hết 100% công suất.
Cụm nhà máy này mỗi ngày sản xuất và đưa ra thị trường hơn 18 triệu sản phẩm đủ chủng loại. Chức năng chính của Vinamilk là sản xuất sữa và các chế phẩm từ sữa bao gồm: sản phẩm chủ lực là sữa nước và sữa bột, sữa chua, nước trái cây; sản phẩm có giá trị gia tăng như sữa đặc, sữa chua ăn và sữa chua uống, kem, pho mát… Nhiều năm qua, với những nỗ lực lớn Vinamilk đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam đóng góp lớn cho việc hiện đại hóa đất nước. Nói một cách hình ảnh thì thời thơ ấu khó khăn đã tạo ra động lực lớn cho sự phát triển mạnh mẽ của Vinamilk sau này, cũng như giúp doanh nghiệp trụ vững trước những khúc cua gấp trên đường.
Cốt lõi công nghệ
Nền tảng khoa học công nghệ đóng một vai trò then chốt đối với một doanh nghiệp sản xuất sữa. Thị trường Việt Nam có một đặc điểm là trong tâm lý của hầu hết người tiêu dùng, sản phẩm nhập ngoại được mặc định phải tốt hơn, được bán với giá cao hơn sản phẩm sản xuất trong nước. Tin tưởng vào công nghệ hiện đại của các hãng sữa nổi tiếng nước ngoài, nhiều người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền ra mua, “tặc lưỡi” tin tưởng vào chất lượng của các sản phẩm sữa bột nhập khẩu với giá cao ngất ngưởng. Để thay đổi tâm lý và hành vi tiêu dùng ấy, không có cách nào khác các doanh nghiệp sữa nội phải chứng minh công nghệ của mình hoàn toàn có thể sản xuất được những sản phẩm sữa có chất lượng tương đương nhưng giá cả cạnh tranh hơn so với sữa ngoại. Vinamilk cho biết họ luôn đi đầu trong việc đầu tư trang thiết bị hiện đại để thực hiện mục tiêu nâng tầm chất lượng sữa nội. Quan điểm kinh doanh được đặt ra là “Không thể có những sản phẩm tốt nhất nếu không có những công nghệ tốt nhất”.
Bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk – cho biết: “Mục tiêu của Vinamilk là nâng tầm dinh dưỡng chất lượng quốc tế cho các sản phẩm sữa, từ đó tạo cơ hội cho trẻ em Việt Nam được sử dụng sản phẩm dinh dưỡng không thua kém sản phẩm sữa nước ngoài với giá cả hợp lý”.
Không khó để nhận thấy Vinamilk đã thường xuyên, liên tục đầu tư để nâng chất sản phẩm của mình. Trong năm 2013, công ty này đã đầu tư hai “siêu” nhà máy sữa lớn hiện đại bậc nhất thế giới, đặt tại tỉnh Bình Dương. Đó là Nhà máy sữa bột Việt Nam có vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng, bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2013 và Nhà máy sữa Việt Nam (chuyên sản xuất sữa nước) có vốn đầu tư 2.400 tỉ đồng khánh thành vào tháng 9/2013. Hai nhà máy được đầu tư công nghệ tiên tiến nhất của ngành sữa, đủ sức đáp ứng mọi tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường. Bà Liên cho biết, mục đích của việc đầu tư này là làm sao mọi sản phẩm Vinamilk từ sữa chua, sữa tươi, sữa bột… đều cạnh tranh được với các nhãn hiệu sữa nổi tiếng quốc tế. Nhà máy sữa bột Việt Nam có tổng công suất 54.000 tấn sữa bột/năm, được thiết kế nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng sữa đạt chuẩn quốc tế cho khoảng 700.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm. Toàn bộ trang thiết bị, công nghệ của nhà máy được cung cấp bởi tập đoàn GEA (Đức), đảm bảo các dưỡng chất, vitamin, khoáng chất… không bị biến đổi trong quá trình chế biến.
Nhà máy sữa Việt Nam có công suất lên đến hơn 400 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 1 và tăng lên 800 triệu lít sữa/năm trong giai đoạn 2. Nhà máy sử dụng công nghệ tích hợp và tự động hiện đại do Tetra Pak (Thụy Điển), tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này cung cấp. Ông Bert Jan Post, Giám đốc Điều hành Công ty Tetra Pak Việt Nam, cho biết công nghệ được lắp đặt theo yêu cầu của Vinamilk là công nghệ mới nhất mà tập đoàn này đang cung cấp trên thế giới. Nhà máy sữa nước hoạt động dựa trên một dây chuyền tự động khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào đến đầu ra sản phẩm.
Chìa khóa vùng nguyên liệu
Một đại diện của Vinamilk chia sẻ, vấn đề quan trọng với các nhà máy rất lớn như của Vinamilk là nguồn nguyên liệu. Với mục tiêu nâng dần sử dụng nguyên liệu nội địa từ 30% hiện nay lên 40%, Vinamilk đã đầu tư vào hệ thống phát triển nguồn nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế từ khâu trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, chế biến thức ăn cho bò đến quản lý thú y, môi trường xung quanh…Từ năm 2007 đến nay, Vinamilk đã đầu tư khoảng 800 tỉ đồng xây dựng 5 trang trại có quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Úc, trong đó có 8.000 con bò sữa, cho 90 tấn sữa/ngày. Công ty còn liên kết với hơn 5.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa với hơn 65.000 con bò trên cả nước, thu mua 460 tấn sữa/ngày. Sắp tới, Vinamilk sẽ đầu tư thêm 4 trang trại mới với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng tại Tây Ninh (10.000 con bò); Hà Tĩnh (3.000 con bò); Thanh Hóa 1 (Thống Nhất) với 20.000 con bò và Thanh Hóa 2 (Như Thanh) với 3.000 con bò.
Hệ thống chuồng trại chăn nuôi bò sữa được Vinamilk đầu tư xây dựng theo công nghệ hiện đại nhất của thế giới, như hệ thống mái được áp dụng công nghệ chống nóng bằng tôn lạnh với lớp nguyên liệu cách nhiệt; hệ thống cào phân tự động; hệ thống máng uống tự động; hệ thống quạt làm mát trong chuồng. Mỗi con bò được đeo một con chíp điện tử dưới cổ để nhận dạng qua hệ thống Alpro hiện đại do Công ty Delaval cung cấp. Những chíp điện tử này giúp kiểm tra lượng sữa chính xác của từng con và phát hiện được bò động dục và bò bệnh để các bác sỹ thú y điều trị kịp thời. Trong năm 2013, Tổ chức Bureau Veritas (Pháp) cũng đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2008 cho hai Trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk tại tỉnh Tuyên Quang và Nghệ An.
Tuy nhiên, Vinamilk cũng phải đối mặt với không ít thách thức trong việc mở rộng vùng nguyên liệu. Cụ thể, theo một nguồn tin trong ngành sữa, giá mua sữa nguyên liệu đầu vào tại Việt Nam có thể lên tới 12.000 đồng/lít, trong khi giá mua một lít sữa nguyên liệu tại Mỹ chỉ bằng một nửa, khoảng 6.000 đồng. Đó chính là lý do khiến Vinamilk tiến hành thương vụ M&A gần đây đối với một công ty sữa tại Mỹ, mục đích là đầu tư xây dựng nhà máy tại Mỹ để sản xuất các sản phẩm rồi xuất ngược về Việt Nam. Chiến lược này còn có một lợi thế nữa là đánh trúng tâm lý chuộng mác ngoại của người tiêu dùng Việt, vì sản phẩm này có thể sẽ được Vinamilk đặt tên thương hiệu ngoại.
Ra thế giới – Cuộc chơi lớn
Với cột mốc 1 tỉ USD mà Vinamilk đã hoàn thành, bây giờ là thời điểm mang tính bước ngoặt cho vận mệnh của công ty trong tương lai. Sau hơn 37 năm phát triển, có thể nói Vinamilk đã tạo lập được một thương hiệu uy tín và được người tiêu dùng tin tưởng. Thị phần của Vinamilk tại Việt Nam trong phân khúc sữa đặc có đường là 75%, sữa nước 50%, sữa bột 30% và sữa chua lên đến 90%. Không chỉ nỗ lực nâng cao thị phần trong nước, Vinamilk còn đang vươn ra một số thị trường khác trên thế giới. Năm 2013, tổng doanh số xuất khẩu của Vinamilk đạt khoảng 230 triệu USD, trong đó riêng thị trường Campuchia vào khoảng 40-50 triệu USD, một thị trường đủ tiềm năng để công ty tính chuyện xây một nhà máy tại đây. Ngoài ra, công ty còn có cổ phần tại một nhà máy sữa ở New Zealand, không chỉ sản xuất sữa bột phục vụ thị trường nước sở tại mà Vinamilk còn đầu tư dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng để cung cấp cho thị trường Việt Nam. Hiện sản phẩm của Vinamilk đã có mặt tại 26 quốc gia trên thế giới.
Doanh số xuất khẩu trong năm 2013 dự kiến tăng 27% và trong những năm tiếp theo tăng từ 10-15%/năm. Lũy kế doanh thu xuất khẩu trong vòng 5 năm liên tục, từ năm 2008 đến 2012, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Vinamilk đạt 62%. Năm 2008, Vinamilk đạt doanh thu xuất khẩu hơn 1.215 tỉ đồng, đến năm 2012 tăng lên hơn 3,712 tỉ đồng. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của công ty đã đạt tổng giá trị khoảng 230 triệu USD (tương đương với 4.700 tỉ đồng).
Năm 2010, Vinamilk là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được công nhận là 1 trong 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất châu Á do tạp chí Forbes Asia bầu chọn. Tạp chí Forbes của Mỹ đã 3 lần liên tiếp bình chọn bà Mai Kiều Liên là một trong 50 nữ doanh nhân xuất sắc nhất châu Á. Đầu tháng 9/2013, tạp chí Forbes Việt Nam vừa công bố danh sách 50 công ty tốt nhất trên thị trường chứng khoán, trong đó Vinamilk đứng đầu.
Thách thức lớn nhất bây giờ có lẽ là tiếp tục duy trì vị thế số 1 thị trường nội địa trước sự trỗi dậy của các đối thủ tiềm tàng khác, đồng thời mở rộng vùng nguyên liệu sữa trên khắp cả nước. Đối với thị trường nước ngoài, uy tín và tiềm lực tài chính cho phép Vinamilk đi những bước vững chắc để từng bước đạt mục tiêu của mình. Vấn đề dòng tiền có lẽ cũng không phải là rào cản đáng ngại với doanh nghiệp này. Tuy vậy, nếu Vinamilk muốn biến mình thành một tập đoàn hàng đầu về thực phẩm và đồ uống họ sẽ phải mở rộng danh mục sản phẩm của mình giống như tập đoàn khổng lồ Danone (Pháp) chẳng hạn. Nếu điều này xảy ra, thị trường sẽ có dịp kiểm chứng một lần nữa năng lực thực sự và khả năng biến tất cả những lĩnh vực mà họ chạm tay vào thành “vàng” giống như vua Midas. Trước kia, các dự án mở rộng mà Vinamilk lấn sân như cà phê và bia đã không đạt được thành công. Còn trong tương lai thì sao?
Thành Trung
diễn đàn doanh nghiệp
|