Công ty NIVL nợ hơn 150 tỷ đồng, nông dân bức xúc
Công ty Đường NIVL đã thu mua sản lượng mía, nợ quá hạn từ nhiều tháng qua, hẹn lần hẹn nữa mà không chi trả. Hàng trăm nông dân và thương lái tại huyện Bến Lức, Đức Hòa (Long An) đang lâm vào cảnh điêu đứng.
Cty Cổ phần NIVL (trụ sở ấp 6, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An; chuyên sản xuất và mua bán đường ăn) nằm trên vùng đất chuyên canh cây mía của tỉnh Long An gồm các huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ. Hầu hết nông dân trồng mía tại Bến Lức và huyện lân cận Đức Hòa đều ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Cty NIVL. Theo hợp đồng không thể mang mía đi bán ở các công ty khác. Tổng diện tích công ty nhận bao tiêu mía lên đến khoảng 3.500ha.
Ông San (bìa phải, dấu X) đang lắng nghe ý kiến người dân
|
Đã hết vụ, đóng máy nhưng vẫn nợ tiền mía và hẹn lần
Theo hợp đồng cung cấp và bao tiêu sản phẩm giữa Cty và nông dân, sau khi cân mía Cty thanh toán theo định kỳ 7 ngày một lần. Tuy nhiên nhiều tháng qua, Cty liên tục hứa hẹn thanh toán tiền mía nhưng chỉ là lời hứa suông.
Số tiền nợ, theo các nông dân huyện này ước tính, đến ngày 13/4/2014 (cũng là thời điểm Cty NIVL đóng máy, ngưng sản xuất vụ 2013-2014) là khoảng hơn 150 tỉ đồng. Ông Nguyễn Chí Hoàng (ấp 1 xã An Thạnh, Bến Lức) cho biết, chỉ riêng anh chị em ruột trong gia đình ông, mức nợ đã hơn 1,6 tỉ đồng. “Mỗi năm, nông dân chỉ có một đợt thu hoạch duy nhất, tiền của nông dân giờ bị nhà máy chiếm dụng hết. Chúng tôi lấy đâu ra tiền mua tro diêm đầu tư cho vụ sau?”.
Ngày 2/3/2014, nông dân tập trung tại Cty đòi trả nợ. Tổng Giám đốc Cty hứa rằng sẽ giải quyết mỗi tuần một lần. Đến ngày 25/3 sẽ thanh toán 70% tiền đã nợ. Tuy nhiên, lời hứa này không được thực hiện. Cty hẹn lại đến ngày 10/4 sẽ thanh toán trước 40 tỉ đồng nhưng rồi cũng không thực hiện.
Ngày 11/4, nông dân kết hợp với chính quyền địa phương, đến đối thoại trực tiếp với Ban Giám đốc Cty, yêu cầu thanh toán các khoản nợ và các khoản lãi suất trong suốt thời gian Cty nợ nông dân. Ông Nguyễn Thanh San (Giám đốc Nhà máy) xin lỗi nông dân và thông báo: Hiện tại, Cty không có khả năng chi trả. Hơn 20.000 tấn đường còn nằm trong kho, chưa bán được. Giá đường trong nước chỉ 12.000 đồng/kg. Giá đường thế giới thậm chí chỉ có 10.000 đồng/kg. Mong mọi người cho công ty thêm thời gian.
Cty thoi thóp đợi, Ngân hàng ngừng cho vay
Đáp lại lời ông San, các nông dân nói rằng: “Nếu Cty không thể bán thì hãy giao đường cho chúng tôi bán. Bằng cách đó, chúng tôi cũng có thể trả lãi suất ngân hàng, cũng như các khoản vay nóng để đáo hạn ngân hàng hàng năm”.
Tuy nhiên, phương án này, theo ông San và các thành viên khác của Ban Giám đốc Cty NIVL càng không khả thi, vì thị trường sẽ càng bị loạn.
Ông A.Nandaa Kumar - người Ấn Độ, Tổng Giám đốc Cty - nhờ nhân viên chuyển lời của ông rằng: Ông đang đi Singapore vay nợ để về thanh toán cho nông dân. “Một số ngân hàng lo lắng về ngành công nghiệp mía đường Việt Nam và đột ngột giảm hạn mức tín dụng, yêu cầu công ty trả ngay một số khoản vay lớn ngay lập tức” - ông Kumar viết trong thư điện tử “Ngân hàng ACB – chi nhánh Long An đã chấp thuận cấp một khoản tín dụng cho công ty nhưng sau đó lại hủy khoản tín dụng này. Ông Tổng Giám đốc lại xin khất nợ nông dân thêm 60 ngày nữa”.
Khi nông dân chất vấn khả năng có hay không trường hợp NIVL Việt Nam bị phá sản, và các chuyên gia Ấn Độ sẽ mất tích để lại một mớ hỗn độn nợ nần? Ông San khẳng định chuyện này hoàn toàn không thể xảy ra. “Chúng tôi đã hoạt động ổn định hơn 20 năm tại đây. Chúng tôi chỉ gặp khó khăn do thị trường chung chi phối”.
Có mặt tại buổi đối thoại, ông Ngô Tấn Thời, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa nhấn mạnh: “Đề nghị phía công ty lập biên bản trả nợ cho nông dân và thương lái. Để có tiền trồng trọt, nông dân phải đi vay ngân hàng. Việc công ty khất nợ thêm hai tháng là không được. Ngân hàng lúc đó đã siết nợ nông dân và các thương lái rồi”.
Đối với nông dân, ông Thời cũng khuyên mọi người không nên quá khích, sau buổi họp này, ông sẽ về trình báo toàn bộ sự việc lên lãnh đạo cấp huyện để có biện pháp giải quyết tốt nhất trường hợp Cty NIVL.
Điều lạ lùng là số nợ 150 tỉ đồng không lớn so với 20.000 tấn đường thành phẩm tồn kho. Vì sao Cty không thế chấp ngân hàng hoặc ngân hàng không chấp nhận cho vay thế chấp để giải quyết nợ cho nông dân.
Nông dân đổ nợ, nhiều người định bỏ mía
Thực tế, hiện nay một số nông dân đang đi vay bạc nóng, đáo hạn ngân hàng để giữ uy tín cho những lần vay tiếp, đồng thời mua tro diêm chuẩn bị cho mùa sau. Có người vừa mở mắt ra đã thấy ngay 900.000 đồng tiền lãi suất vay nóng. Một số người nản chí phá mía, cải tạo đất trồng chanh. “Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp hữu hiệu nhất, vì ồ ạt trồng chanh đồng nghĩa với việc năm sau chanh lại bị rớt giá, và thiệt thòi lại thuộc về nông dân chúng tôi” - họ nói.
Bà Mười Điều, một trong những thương lái mía lớn ở Long An cũng tuyên bố giải nghệ, rao bán 5 chiếc ghe với tổng tải trọng hơn 100 tấn. Nhiều người nói nếu Cty tiếp tục không trả, họ sẽ đến đập phá hoặc lấy đồ đạc trong Cty đi bán, lấy tiền trả ngân hàng.
Cuối buổi đối thoại, đại diện nông dân nhiều lần liên lạc bằng điện thoại với ông A.Nandaa Kumar, và nói với ông ấy rằng: “Ông phải trực tiếp đến gặp nông dân. Lời hứa của tôi, nông dân hết tin rồi”; ông San lại… hẹn các nông dân sang thứ ba hoặc thứ tư tuần sau (15 hoặc 16/4/2014), ông Kumar sẽ trực tiếp đến gặp nhà máy, gặp và có giải pháp trả nợ cụ thể bằng văn bản.
“Hiện nay, tiền chưa có trong tay, bản thân tôi cũng chỉ là người làm thuê, tôi không thể nói khác lời ông chủ” - ông San cho biết khi đặt bút ký vào biên bản họp nông dân và thương lái.
Nhật Minh
pháp luật Việt Nam
|