Chủ Nhật, 06/04/2014 11:23

Chứng khoán phái sinh: Thành bại ở người “chơi”

Cách đây không lâu khi Công ty Chứng khoán VNDirect giới thiệu sản phẩm hợp đồng hợp tác đầu tư gần giống với hợp đồng quyền chọn hay một số công ty khác manh nha việc đưa ra sản phẩm dạng hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu, tất cả đã nhanh chóng bị cấm thực hiện - ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), nhấn mạnh trong cuộc hội thảo “Cơ hội đầu tư các sản phẩm mới của chứng khoán Việt Nam” do báo Đầu tư tổ chức mới đây. Theo ông, sự cấm khi đó là do chưa có hành lang pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh (CKPS).

Sẽ cho bán khống?

Vậy CKPS là gì? Đó là những công cụ được phát hành trên cơ sở các công cụ đã có như cổ phiếu, trái phiếu nhằm hoàn thiện ba chức năng quan trọng của thị trường: huy động vốn, phân bổ vốn và phân tán rủi ro.

Nhìn từ đây, đã có thời gian ở Việt Nam tồn tại quan điểm: với CKPS vì sao chúng ta không đi theo cách mà nhiều nước đã làm? Đó là để các công ty manh nha tạo nên cơ sở, sau đó cùng ngồi lại tạo thành thị trường cơ sở và phát triển dần lên. Câu trả lời là ở Việt Nam chỉ có UBCK được phép tổ chức, quản lý thị trường. Ngoài ra không có thể nhân hay pháp nhân nào khác. Hơn nữa CKPS phải được chuẩn hóa bởi thị trường này sử dụng đòn bẩy cao. “Nếu không cẩn thận, từ chỗ hỗ trợ thị trường, CKPS có thể làm đổ vỡ thị trường”, đại diện UBCK nói.

Đề cập đến một trong những khía cạnh có liên quan đến CKPS là bán khống, UBCK cho biết CKPS cho phép bán khống có căn cứ. Nói cách khác bán khống là một sản phẩm của phái sinh. Sắp tới đây, bán khống từ chỗ bị cấm ở Việt Nam có thể sẽ được nới lỏng. Để chuẩn bị cho quá trình này, phải tạo dựng hệ thống bù trừ chứng khoán, điều mà Trung tâm Lưu ký hiện chưa tiến hành được.

Những sản phẩm đầu tiên

Theo báo cáo về “Phát triển thị trường phái sinh ở Việt Nam” thuộc dự án Luxembourg Development tài trợ, trong giai đoạn đầu của CKPS việc lựa chọn tài sản cơ sở có ý nghĩa quyết định. Nó phải vừa phù hợp với nhu cầu thị trường, vừa dễ quản lý, giám sát và mang tính tiên phong cho những sản phẩm kế tiếp. Tài sản cơ sở cần đảm bảo có tính thanh khoản, độ sâu giao dịch, đủ thông tin và cơ chế pháp lý rõ ràng.

Cổ phiếu trên hai sàn niêm yết là loại tài sản cơ sở có thanh khoản tương đối cao, nhưng độ sâu giao dịch không đồng đều. Trên thực tế, không ít cổ phiếu cả lớn và nhỏ đã từng bị làm giá, nguy cơ thao túng thị trường là có. Trong khi đó, trái phiếu chính phủ là tài sản cơ sở ít bị làm giá, nhưng thanh khoản thấp, quy mô giao dịch lớn, không thích hợp với nhà đầu tư cá nhân.

“Cá nhân tôi cho rằng các bộ chỉ số cổ phiếu như VN30, VNMidCap, VNSmallCap, HNX30, PVN-Index (chỉ số cổ phiếu dầu khí), PVN-10... là những tài sản tiềm năng cho CKPS”, ông Nguyễn Sơn nhận xét, “Xét trên bình diện lý thuyết và thực tiễn, các CKPS trên chỉ số là sản phẩm đáp ứng được tính đơn giản về mặt thiết kế, độ phổ biến rộng rãi, khó làm giá, mức tác động đến thị trường chung khá ổn định. CKPS dựa trên các chỉ số nên được ưu tiên xem xét”.

Lộ trình của UBCK chỉ ra hai sản phẩm CKPS đầu tiên là hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số (Stock Index Futures) và hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu chính phủ (Bond Futures) sẽ chào đời vào năm 2016. Việc tung ra các sản phẩm khác như hợp đồng quyền chọn (Options) dựa trên chỉ số và cổ phiếu đòi hỏi nhiều thời gian hơn.

Người chơi hiểu luật chơi

CKPS yêu cầu hạ tầng công nghệ riêng, trong đó trọng tâm là hệ thống thanh toán có tên gọi Đối tác bù trừ trung tâm. Hệ thống này là bắt buộc, mang đặc thù của CKPS. Khi hai sở giao dịch chứng khoán được thống nhất sắp tới, sàn giao dịch phái sinh là một bảng của sở giao dịch chứng khoán hợp nhất, song hành cùng bảng cổ phiếu niêm yết và bảng trái phiếu. Theo UBCK, hệ thống công nghệ thông tin cho toàn bộ sở giao dịch chứng khoán hợp nhất được dự kiến mua mới của Hàn Quốc.

Trên hết CKPS chỉ suôn sẻ nếu hiểu biết, nhận thức của nhà đầu tư về nó trở nên phổ biến. Việc tuyên truyền, đào tạo nhà đầu tư đủ kiến thức tham gia thị trường được xem là yếu tố vô cùng quan trọng, thách thức không chỉ về mặt thời gian. Kinh nghiệm từ các quốc gia thành công về CKPS là đào tạo nhà đầu tư cần đi trước một bước. Phải có “người chơi hiểu luật chơi”, nếu không cỗ máy CKPS sẽ không thể khởi động được.

Cho đến nay cơ sở pháp lý đầu tiên của CKPS là Đề án xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán phái sinh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt ngày 11-3-2014. Các văn bản tiếp theo như nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, quy chế của hệ thống thanh toán bù trừ, lưu ký... đang được UBCK soạn thảo. Con đường mà CKPS phải đi qua còn rất dài.

Thành Nam

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Công ty chứng khoán: Kẻ ngán người thèm (06/04/2014)

>   Tự doanh CTCK: Mua ròng mạnh khi thị trường giảm điểm! (05/04/2014)

>   Thị phần môi giới quý 1/2014 HOSE: SSI vươn lên dẫn đầu, HSC giảm thị phần (05/04/2014)

>   HOSE: FDC thay thế ALP trong rổ chỉ số VNMidcap, loại DCT, PNC, PTL, VST khỏi VNSmallcap (04/04/2014)

>   DCL: Quyết định đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo (04/04/2014)

>   FLC: Ngày đăng ký cuối cùng (04/04/2014)

>   SRA: Vào diện bị kiểm soát từ ngày 07/04 (04/04/2014)

>   DLC: Thay đổi người công bố thông tin (04/04/2014)

>   Bản công bố thông tin CTCP Thủy điện Miền Trung (04/04/2014)

>   Có thể Bottom-fishing khi thị trường điều chỉnh (04/04/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật