Bỏ tỷ đô để giảm nửa chi phí
Đầu tư nâng cấp tuyến đường thủy nội địa chính giúp giảm chi phí vận tải, nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa.
Đầu tư quá ít
Khoảng 71,7%-99,6% chi phí vận tải và 23-68% khí thải từ vận chuyển đường thủy ở các tuyến huyết mạch có thể được tiết giảm nếu Việt Nam đầu tư tối đa 1,15 tỷ USD cho việc nâng cấp các hành lang đường thủy chính hiện có. Đó là khuyến cáo của các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), tại một báo cáo có tiêu đề “Tăng cường phát triển bền vững của Việt Nam”, phát đi năm ngoái.
Theo ông Luis C. Blancas, chuyên gia Giao thông Vận tải thuộc Vụ Phát triển bền vững Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (WB), vận tải đường thủy nội địa (VTĐTNĐ) ở Việt Nam hiện nay đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Tính trên tổng số các phương thức vận tải thì vận tải thủy chiếm khoảng 48% tổng trọng tải vận chuyển của cả nước. Trong đó, các mặt hàng chính như gạo, mía đường, gỗ, vật liệu xây dựng, phân bón, hàng thủy sản… có tỷ lệ vận chuyển thông qua các phương tiện đường thủy chiếm tỷ lệ cao, từ 30 - 80%.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, việc đầu tư phát triển mạng lưới giao thông thủy nói chung của Việt Nam không được chú trọng. Cụ thể, số liệu 8 năm (giai đoạn 1999-2007) cho thấy, tổng nguồn vốn dành cho việc phát triển hạ tầng giao thông của Việt Nam khoảng 113 nghìn tỷ đồng (tương đương 5,6 tỷ USD). Tuy nhiên, có đến 80% nguồn kinh phí này được đầu tư phân ngành đường bộ. Phần vốn dành cho việc nâng cấp, phát triển các tuyến đường thủy nội địa lại quá ít, chỉ chiếm khoảng 2% (tương đương 110 triệu USD cho 8 năm).
Ông Blancas cho rằng, do thiếu kinh phí đầu tư cho VTĐTNĐ và ven biển nên phí vận chuyển cao được đưa vào giá hàng hóa của Việt Nam, khiến sức cạnh tranh của sản phẩm bị sụt giảm. Điều đáng nói hơn là, việc đầu tư thiên lệch này sẽ khiến cho nhiệm vụ duy tu các tuyến đường bộ huyết mạch luôn trong trạng thái căng thẳng, với nhu cầu vốn liên tục tăng lên.
“Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam và các ban, ngành hữu quan cần xem xét gia tăng nguồn vốn để nâng cấp các tuyến hành lang đường thủy quan trọng”, ông Blancas khuyến nghị. Trong đó, các tuyến quan trọng nhất, cần quan tâm đầu tư là hành lang số 1 vùng đồng bằng sông Cửu Long (tuyến nối Vĩnh Long với TP. Hồ Chí Minh), hành lang số 1 vùng đồng bằng sông Hồng (nối Quảng Ninh với Việt Trì).
9 tuyến trọng điểm
Nghiên cứu một giải pháp tổng thể, trên cơ sở phân tích các số liệu về tiềm năng phát triển của các tuyến VTĐTNĐ chính tại Việt Nam, đồng thời tính toán các khả năng nhằm nâng cao hiệu quả và tiết giảm chi phí vận chuyển, các chuyên gia của WB đề xuất thực hiện 9 dự án nâng cấp cải tạo các tuyến VTĐTNĐ.
Theo đó, ở khu vực miền Bắc, chuyên gia của WB đề xuất thực hiện dự án nâng cấp tuyến hành lang số 1 (Quảng Ninh - Việt Trì) từ đường thủy cấp II lên cấp I; nâng cấp tuyến hành lang số 2 (Hải Phòng - Ninh Bình) và tuyến hành lang số 3 (Hà Nội - Lạch Giang) từ cấp III lên cấp II. Các dự án này sẽ được thực hiện trong thời gian từ 2014 - 2020 với tổng kinh phí khoảng 450 - 750 triệu USD. Ở khu vực miền Nam, chuyên gia đề nghị thực hiện dự án nâng cấp tuyến hành lang đường thủy số 1 (TP. Hồ Chí Minh - Vĩnh Long) từ cấp III lên cấp II. Dự án này có thể thực hiện từ 2014 - 2016 với tổng chi phí từ 150 - 250 triệu USD.
Ngoài các dự án trên, nhóm nghiên cứu của WB đề xuất ngành giao thông nên tính toán thực hiện thêm 5 dự án nhỏ khác là các dự án như: Nâng cấp cảng vận tải container ven biển ở miền Bắc; Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng cửa ngõ mở rộng ở đồng bằng sông Hồng để phục vụ thị trường Hà Nội; Thúc đẩy hiện đại hóa động cơ và đội tàu trong giao thông VTĐTNĐ… Tổng kinh phí để thực hiện các dự án này ước khoảng trên 100 triệu USD.
Theo tính toán của các chuyên gia WB, nếu được đầu tư đúng tiến độ và hiệu quả thì sau khi hoàn thành 9 dự án nói trên, chi phí vận tải đường thủy ở các tuyến hành lang chính sẽ tiết kiệm được từ 71,3 - 99,6%, trong khi đó lượng khí thải sẽ giảm xuống 23 - 27% so với thời điểm hiện nay. Song song đó, tỷ lệ người sử dụng VTĐTNĐ cũng sẽ tăng lên 0,5 - 3% vào năm 2030. Mỗi năm, khoảng 18 triệu tấn hàng hóa sẽ được chuyển từ vận tải đường bộ sang vận tải đường thủy. Do chi phí vận chuyển đường thủy trung bình đang rẻ hơn so với vận chuyển đường bộ khoảng 0,17 USD tấn/km, mỗi năm các DN sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu có thể tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn.
Hà Minh
thời báo ngân hàng
|