20% doanh nghiệp FDI thừa nhận chuyển giá
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện, khoảng 20% doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam thừa nhận có thực hiện việc chuyển giá.
Báo cáo này điều tra 1.610 DN FDI trên 13 tỉnh - thành, trong đó 92% là DN 100% vốn nước ngoài. Nhóm nghiên cứu đưa ra 4 hoạt động chủ yếu mà các DN FDI sử dụng để giảm gánh nặng thuế ở Việt Nam là: thuê công ty tư vấn luật quốc tế tư vấn về thuế, thuê công ty luật hoặc tư vấn trong nước tư vấn về thuế, tăng cường mua hàng từ các nhà cung cấp Việt Nam, nâng giá hàng hóa, dịch vụ mua nội bộ để giảm lợi nhuận trên sổ sách (thực chất là chuyển giá) và yêu cầu các DN trả lời.
Theo ông Nguyễn Trọng Hạnh, nguyên Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam phổ biến nhất có 3 nhóm: đầu tư để sản xuất hàng hóa tiêu thụ trong nước, đầu tư vào sản xuất trong nước để xuất khẩu, đầu tư vào để gia công hàng hóa xuất khẩu. Ba nhóm DN FDI này có nhiều điểm chung trong "thủ thuật" để chuyển giá.
Trong đó, có thủ thuật nâng chi phí đầu vào và ép giá xuống ở đầu ra. Chẳng hạn, sản xuất một đôi giày tại Việt Nam chi phí 10 USD, thị trường châu Âu chấp nhận mua 12 USD, nếu đúng giá họ lời 2 USD và đây là thu nhập chịu thuế. Họ né bằng cách hàng sản xuất Việt Nam được xuất khẩu qua một nước trung gian, từ công ty nước trung gian đưa vào châu Âu.
Những nước trung gian này là những nước có thuế suất thấp. Ở một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, người ta áp dụng hình thức thỏa thuận trước giá với DN để hạn chế việc chuyển giá.
Ví dụ, DN sản xuất ô tô, điện tử, rượu, bia... đều có cách thỏa thuận như trên một đơn vị sản phẩm DN nộp bao nhiêu tiền thuế, hoặc doanh số bán ra nộp bao nhiêu tiền thuế trên đó. Như vậy, DN cũng chủ động, Nhà nước cũng không mất nhiều biện pháp, công sức thanh kiểm tra.
KHÁNH ĐINH
doanh nhân sài gòn
|