VCCI phải tự đảm bảo kinh phí cho các hoạt động kinh doanh, dịch vụ
Theo Dự thảo Thông tư Hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), NSNN chỉ hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến phát triển theo kế hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao, còn VCCI phải tự đảm bảo kinh phí đối với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Dự thảo Thông tư đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp. Về Nguyên tắc quản lý tài chính đối với VCCI, Dự thảo nêu rõ: VCCI hoạt động theo chế độ tự chủ về tài chính và được NSNN bảo đảm hoặc hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính đặc thù.
Việc quản lý tài chính đối với VCCI được phân định và hạch toán rõ theo hai loại hoạt động.
Thứ nhất là, các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư để thực hiện chủ trương mở rộng và phát triển kinh tế của đất nước; các hoạt động theo nhiệm vụ được Nhà nước giao; các hoạt động triển khai các chương trình, dự án, đề tài theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (sau đây gọi chung là các hoạt động xúc tiến phát triển). Theo đó, NSNN sẽ hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến phát triển theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.
Thứ hai là, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ: VCCI phải tự đảm bảo kinh phí và tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
“VCCI có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách nhà nước về thuế và các khoản nộp NSNN theo quy định của pháp luật hiện hành”, Dự thảo Thông tư nêu rõ.
Vốn hoạt động của VCCI bao gồm: Vốn do Nhà nước đầu tư cho VCCI; vốn được NSNN cấp trong quá trình hoạt động; vốn nhà nước được tiếp nhận từ nơi khác chuyển đến theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; giá trị quyền sử dụng đất và các khoản khác được tính vào vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó là vốn huy động từ: vốn vay của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, các tổ chức ngân hàng, tín dụng, tổ chức tài chính và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; Vốn bổ sung từ kết quả hoạt động hàng năm theo quy định; Các loại vốn khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về huy động vốn, theo Dự thảo Thông tư, VCCI được quyền huy động vốn theo quy định của pháp luật để phục vụ cho quá trình hoạt động theo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm hoàn trả. Tổng số vốn huy động nằm trong phạm vi tổng số nợ phải trả không được vượt quá vốn chủ sở hữu ghi trên Báo cáo tài chính của VCCI được công bố theo quý gần nhất tại thời điểm huy động vốn vay.
Phương án huy động vốn phải được Ban Thường trực, hoặc Chủ tịch của VCCI phê duyệt trước khi thực hiện và đảm bảo khả năng hoàn trả đầy đủ cả nợ gốc và lãi vay. Người phê duyệt phương án huy động vốn phải chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát, đảm bảo việc sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và việc trả nợ được thực hiện theo cam kết. Việc phân cấp phê duyệt phương án huy động vốn phải ghi cụ thể trong Quy chế tài chính của VCCI...
Tuy nhiên cũng theo Dự thảo Thông tư: “VCCI có trách nhiệm sử dụng vốn huy động được đúng mục đích, có hiệu quả. Trường hợp sử dụng không đúng mục đích gây thất thoát phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể và xử lý theo quy định của pháp luật”.
P.Linh
thời báo ngân hàng
|