Thứ Sáu, 28/03/2014 09:00

Trực tuyến ĐHĐCĐ REE: Vay ngân hàng 1,000 tỷ đồng để đầu tư

ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) sẽ trình kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2014 giảm 8.6% so với năm trước và đạt mức 892 tỷ đồng.

11h25: Đại hội thông qua tất cả tờ trình

11h15: Vay ngân hàng 1,000 tỷ đồng để đầu tư

Cổ đông có ý kiến về vấn đề đầu tư trong năm 2014 và cơ cấu hoạt động của REE khi thiên theo hướng tăng đầu tư và giảm hoạt động sản xuất chính của công ty.

Bà Mai Thanh cho biết, trong mảng bất động sản, công ty sẽ đầu tư mua đất. Còn mảng đầu tư cũng sẽ tăng tỷ lệ vào ngành điện. Do sau khi chia cổ tức vốn còn lại khoảng 200-300 tỷ đồng nên công ty sẽ gia tăng dùng đòn bẩy mạnh hơn trong năm 2014.

Hiện HĐQT đã phê duyệt khoản vay ngân hàng 1,000 tỷ đồng cho đầu tư. Trong đó, mức đầu tư cho ngành điện nước ở mức 1,000-1,500 tỷ đồng trong năm nay.

Hoạt động thế mạnh của REE vẫn phát huy tối đa vào REE ME và Reetech, còn đầu tư sẽ tận dụng mọi cơ hội để tăng trưởng lợi nhuận, trong đó có việc phát hành trái phiếu hay vay mượn ngân hàng.

Khi đạt đến mức đầu tư mong muốn, công ty sẽ định hình tỷ trọng đầu tư và sẽ xây dựng dòng tiền thu nhập rõ ràng cho năm 2014.

Nợ vay của REE qua các năm (tỷ đồng)

11h00: Reetech đặt kế hoạch lãi ròng 50 tỷ

Về hoạt động của Reetech, đại diện của REE cho biết năm 2013 là năm Reetech gặp nhiều khó khăn do giá trên thị trường rất cạnh tranh, công ty phải tìm nguồn cung cấp để tăng lợi nhuận cho năm 2014.

Trong mảng phân phối của Reetech phải tăng doanh thu và chiếm 40% trên kế hoạch, lợi nhuận chiếm 30%.

Còn mảng dự án công trình, tập trung cung cấp sản phẩm thương hiệu Reetech do đã có thương hiệu trong nước. Tuy nhiên, trong năm 2013 công ty rớt nhiều công trình do không cạnh tranh lại nhiều thương hiệu khác như Panasonic… Mảng dự án công trình dự kiến chiếm doanh thu và lợi nhuận 40%.

Lợi nhuận sau thuế kế hoạch năm 2014 của Retech là 50 tỷ trên vốn điều lệ 150 tỷ đồng, như vậy ROE kế hoạch của Reetech sẽ là 30%.

10h45: Lợi nhuận quý 1/2014 khoảng 150-200 tỷ đồng

Bà Mai Thanh cho biết lợi nhuận quý 1/2014 khoảng 150-200 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2014, theo bà Mai Thanh, nhìn lợi nhuận sau thuế có vẻ giảm so với năm trước nhưng nếu loại trừ lợi nhuận khác từ PPC, lãi sau thuế kế hoạch tăng 14% so với năm 2013.

Về cơ cấu tỷ trọng lợi nhuận kế hoạch các lĩnh vực trong năm 2014, mảng cho thuê văn phòng chiếm 220 tỷ, cơ điện lạnh 200 tỷ và đầu tư khoảng 480 tỷ đồng.

Bà Mai Thanh (trái) - Chủ tịch HĐQT REE tại Đại hội

10h30: Tại sao chỉ phát hành cổ phiếu ESOP cho riêng quản lý?

Cổ đông có ý kiến về việc REE phát hành cổ phiếu ESOP riêng cho cấp quản lý điều hành thì các cổ đông khác sẽ bị thiệt thòi.

Đại diện công ty, ông Dominic cho biết đây cũng là sai sót của HĐQT khi không giải thích rõ vấn đề đề này. Đây không hoàn toàn là phát hành cổ phiếu ESOP mà là khoản thưởng vượt kế hoạch, áp dụng cho ban điều hành quản lý của công ty, thay vì thưởng bằng tiền thì thưởng bằng cổ phiếu. Mặc dù là cổ phiếu ESOP nhưng không khác khái niệm thưởng.

Về cổ tức, cổ đông có ý kiến nên tìm cách chia thêm cho cổ đông, lợi nhuận để lại quá lớn, ông Dominic cho biết hiện REE đang có nhiều dự án tham vọng so với trước đây, do đó công ty không chia hết lợi nhuận mà để lại để tái đầu tư.

Cổ đông hỏi thêm về chế độ thưởng của công ty đối với Ban quản trị và điều hành, ông Dominic chia sẻ công ty đang tiến tới xây dựng chế độ thưởng theo mô hình quản trị không có thưởng mà dành phần thưởng cho Ban điều hành, người trực tiếp tạo ra lợi nhuận cho công ty. REE sẽ xây dựng chương trình thưởng hàng năm, và khoản thưởng tính cho lợi nhuận vượt kế hoạch nhưng không tính các khoản lợi nhuận bất thường (khoản thưởng năm 2013 đã trừ lợi nhuận có được từ chênh lệch tỷ giá của PPC) mà chỉ thưởng trên lợi nhuận thực sự được tạo ra.

Về kế hoạch phân phối 2013, REE sẽ phát hành cổ phiếu ESOP cho Ban điều hành để thưởng 52 tỷ bằng cổ phiếu tính theo giá thị trường chiết khấu 10%, bà Mai Thanh cho rằng rất công bằng với nhà đầu tư. Nguồn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế và thưởng bằng cổ phiếu nên Ban điều hành không lấy ra khỏi vốn của công ty.

10h15: Mềm dẻo đàm phán giá điện

Trả lời thắc mắc của cổ đông về quản lý rủi ro tỷ giá đối với các khoản đầu tư vào nhà máy điện, bà Mai Thanh cho biết cách hoạt động của REE là lấy tiền trước. Với khoản đầu tư vào PPC, bà Mai Thanh cho rằng hầu hết các nhà máy điện đều có tỷ lệ vay vốn nước ngoài rất lớn, từ 70-90%. Trong khi đó, giá điện của các nhà máy điện chưa có tính chênh lệch tỷ giá do theo quy định thì nhà máy phải tính chênh lệch tỷ giá sau giá điện. Như vậy, nhà máy chịu chênh lệch tỷ giá và tính sau giá điện là không hợp lý. Tuy nhiên đây là quy định của Chính phủ nên chủ đầu tư chịu rủi ro chi phí chênh lệch tỷ giá.

Hiện PPC dự phòng chênh lệch trên 3,000 tỷ, REE đã bàn trả trước nợ cho EVN và EVN trả cho nước ngoài, thời điểm đó tỷ giá cao nên không có lợi, EVN không chấp nhận và không muốn chịu rủi ro. Do đó PPP vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro và lấy tiền dự phòng đó đi gửi ngân hàng lấy lãi.

Cổ đông cũng thắc mắc về mức độ tham giá vào các công ty điện đã đầu tư, REE có tham gia bảo dưỡng các nhà máy điện không. Bà Mai Thanh cho biết REE đang giữ trên 20% các công ty điện này, REE có ý định thành lập công ty để vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện (trừ sửa chữa lớn). Với khoản bỏ ra đầu tư 10 triệu USD, công ty này sẽ có doanh thu 25 triệu USD, chi phí 19 triệu USD, như vậy khoản lời khoảng 5 triệu USD. Hiện IRR khi đầu tư vào ngành điện là IRR 10.7%.

Bà Mai Thanh trả lời thắc mắc về việc REE có tham gia đàm phán giá điện với EVN không, bà Thanh cho biết REE có tham gia cùng với EVN trong việc đàm phán giá điện.

Bộ công thương có văn bản quy định lợi nhuận của nhà máy điện tính trên vốn chủ sở hữu sau khi trừ khâu hao. Khi cổ phần hóa, nhà đầu tư mua cổ phần theo giá thị trường rất cao nên vốn đầu tư không chỉ bằng vốn điều lệ mà cao hơn. Do đó không có song phẳn trong việc đàm phán giá điện. Việc đàm phán giá điện của REE phải mềm dẻo thực hiện, như VSH rất cứng rắn đàm phán nên 3-4 năm rồi vẫn không có giá điện. REE hy vọng trong tương lai sẽ có cơ chế giá điện rõ ràng và không theo cơ chế xin cho.

10h00: Thâm nhập vào thị trường Myanmar qua dự án của Hoàng Anh Gia Lai

Đối với ý kiến thâm nhập thị trường Myanmar, bà Mai Thanh cho biết REE đã tiến hành khảo sát thị trường Myanmar, tại đây không có đội ngũ xấy dựng tại chỗ mà chỉ có lực lượng từ Việt Nam hoặc Singapore tùy theo từng nhà thầu.

Bà Mai Thanh chia sẻ, việc phân phối máy lạnh tại Myanmar giống như thực hiện tại Việt Nam 20 năm về trước, tức là phải cấp quota để nhập khẩu, quota này phải do công ty Việt Nam sở hữu. Nếu liên doanh với bên Myanmar thì chưa đủ tin tưởng để cho họ đứng tên. REE chỉ có thể vào thị trường này trong lĩnh vực M&E.

Có khả năng REE sẽ bắt đầu bằng một vài dự án như dự án của Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và sẽ thâm nhập tiếp các dự án không phải chủ đầu tư Việt Nam khác. Thị trường này là tiềm năng về lĩnh vực M&E

08h50: Sẽ xem xét thay Ban điều hành điện máy Reetech nếu không đạt kế hoạch lãi ròng 50 tỷ

Năm 2013, lĩnh vực ME do ảnh hưởng khó khăn từ thị trường bất động sản nên doanh số ký mới giảm 63% và đạt 742 tỷ đồng.

Lĩnh vực điện máy Reetech đã có sự cạnh tranh khốc liệt từ lâu nên cũng gặp nhiều khó khăn. Theo bà Mai Thanh – Chủ tịch HĐQT công ty, đối với Reetech, năm vừa rồi là năm phải làm cuộc cách mạng, tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại kinh doanh, “năm nay là năm cuối cùng cho hội đối với Ban điều hành của Reetech, nếu hoàn thành được thì phải moving thôi”.

Với lĩnh vực quản lý và cho thuê bất động sản, REE duy trì được tỷ lệ lấp đầy trên 97%, tuy nhiên, có sự chênh lệch giữa tỷ lệ đăng ký và tỷ lệ thu tiền thực tế, tỷ lệ chính thức thu tiền ở mức 95%. 

Đặc biệt mảng đầu tư tài chính là năm thành công của REE, công ty tập trung đầu tư vào lĩnh vực điện, nước, cơ sở hạ tầng và kinh doanh chiến lược. REE sở hữu trên 20% tại 5 nhà máy điện, 4 nhà máy sản xuất kinh doanh nước sạch. Năm 2013, REE đầu tư điện 70%, nước 20%, 10% bất động sản, định hướng trong năm nay sẽ tăng tỷ trọng ngành điện và nước.

Ngân hàng cho vay đầu tư rất thận trọng, nhưng với quan hệ tốt, lãi suất cho vay bổ sung bổ sung lưu động của REE chỉ ở mức 6% so với mức vay đầu tư trung hạn bình thường là 9-10%.

08h30: Khai mạc ĐHĐCĐ thường niên 2014

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 của REE diễn ra tại TPHCM sáng 28/03

ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) ngày 28/03/2014 có sự tham dự của 338 cổ đông, đại diện tỷ lệ 69.01% cổ phiếu có quyền biểu quyết.

Đại hội sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2014 với doanh thu thuần 2,654 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 8.6% và ở mức 892 tỷ đồng. Cổ tức không thấp hơn 12%.

Nếu vượt chỉ tiêu đề ra, TGĐ và các GĐ điều hành sản xuất kinh doanh sẽ được khen thưởng tương đương 15% phần lãi sau thuế vượt so với mức thực tế thực hiện năm 2013 (có loại trừ lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá của PPC) đối với hoạt động đầu tư và bất động sản; 30% đối với Reeme và Reetech. Mức thưởng vượt kế hoạch năm 2013 của ban lãnh đạo REE ở mức hơn 52 tỷ đồng.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của REE qua các năm (tỷ đồng)
LNST: Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ

Bên cạnh đó là phương án tăng vốn tăng từ 2,446 tỷ lên 2,719 tỷ đồng thông qua việc phát hành gần 2 triệu cp ESOP và chuyển đổi số trái phiếu còn lại của năm 2013 khi có room cho nhà đầu tư nước ngoài (138,900 trái phiếu chưa chuyển đổi).

Trong năm 2013, REE đạt doanh thu 2,413 tỷ, tăng nhẹ so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng 49% so với thực hiện và vượt 50% kế hoạch đề ra, đạt 976 tỷ đồng.

Minh Hằng

cÔNG LÝ

Các tin tức khác

>   VNL: BCTC CẤP TRÊN KT 2013 (27/03/2014)

>   VNL: BCTC HN KT 2013 (27/03/2014)

>   TLG: BCTC RIÊNG CTY MẸ KT 2013 (27/03/2014)

>   NHS: BCTC RIÊNG 2013 (27/03/2014)

>   KMR: BCTC KT 2013 (27/03/2014)

>   KBC: BCTC HN KT 2013 (27/03/2014)

>   KBC: BCTC CTY MẸ KT 2013 (27/03/2014)

>   TVSC: Báo cáo thường niên năm 2013 (27/03/2014)

>   VDSC: Báo cáo thường niên năm 2013 (27/03/2014)

>   MAFPF1: Thông báo Đại hội Nhà Đầu tư thường niên năm tài chính 2013 (27/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật