Tiền tổ chức Asiad 2019: Ngân sách địa phương là của ai?
Cứ mỗi một thông tin liên quan đến việc đăng cai Asiad 2019 được lộ ra là người ta lại càng thêm bức xúc...
Đây là lớp học của cô giáo Tòng Thị Minh - tác giả clip “Chui vào túi nilông để… qua suối” - cùng các học trò của điểm Trường Sam Lang 2 (Điện Biên). Ngân sách nhà nước còn “nặng nợ” với rất nhiều ngôi trường rách nát như thế này
|
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trong phiên báo cáo trước Văn phòng Chính phủ vào ngày 29-3, vẫn chưa có một quyết định cuối cùng nào được đưa ra.
Đơn giản bởi đây không phải là điều dễ quyết định, khi mà chúng ta đã nhận quyền đăng cai từ Hội đồng Olympic châu Á. Được biết, sẽ có một cuộc làm việc nữa do Thủ tướng chủ trì để lắng nghe phần trình bày của lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch (VH-TT&DL).
Không xin ngân sách trung ương!
Riêng trong cuộc làm việc ngày 29-3, nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết lãnh đạo Bộ VH-TT&DL tiếp tục khẳng định rằng chi phí tổ chức Asiad 2019 vẫn không quá 150 triệu USD.
Đặc biệt, lãnh đạo bộ này trấn an rằng chi phí sửa chữa các sân thi đấu của Hà Nội cùng các địa phương vệ tinh sẽ không xin ngân sách của trung ương mà lấy từ ngân sách địa phương.
Đây không phải lần đầu tiên Bộ VH-TT&DL cũng như các quan chức của Ủy ban Olympic VN, Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) sử dụng khái niệm tách bạch “địa phương” với “trung ương”.
Cụ thể ngay sau khi Ủy ban Olympic châu Á công bố trao quyền đăng cai Asiad 2019 cho VN, giới báo chí đã chất vấn lãnh đạo Tổng cục TDTT về việc “nước đã đến thắt lưng” nhưng sao vẫn chưa thấy kế hoạch đào tạo vận động viên cho Asiad như cách chuẩn bị chu đáo hồi SEA Games 2003?
Khi ấy, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã cho rằng việc đào tạo vận động viên (VĐV) chủ yếu là ở các địa phương, từ con người đến kinh phí nhằm giải thích cho việc ngành thể thao cấp trung ương chưa động tịnh gì.
Theo đó, Tổng cục TDTT chỉ có nhiệm vụ rà soát, để rồi đầu tư tập trung cho một số VĐV tài năng. Đúng một năm sáu ngày sau khi chính thức nhận quyền đăng cai Asiad, Tổng cục TDTT có văn bản số 4191 gửi đến Bộ Tài chính để lấy ý kiến về dự thảo đề án đào tạo VĐV tham dự Asiad 2019.
Trong đó, Tổng cục TDTT dự trù cần 984,6 tỉ đồng cho việc đào tạo nâng cao cho 850 VĐV (có 50 VĐV đưa đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài).
Còn về chuyện tiền để tu sửa sân bãi, chi phí tổ chức, các vị lãnh đạo của Bộ VH-TT&DL liên tục nhắc đi nhắc lại rằng các thành phố vệ tinh cùng Hà Nội tham gia tổ chức Asiad cam kết không xin ngân sách trung ương mà lấy từ ngân sách địa phương!
Thật sự ngỡ ngàng với quan điểm mà Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT trình bày. Phải chăng các “địa phương” cùng tham gia tổ chức Asiad như Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, TP.HCM... không thuộc nước VN, nên ngân sách địa phương chẳng phải là từ tiền thuế của người dân VN?
Một lần nữa, chúng ta lại nhớ đến câu hỏi của đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến mà Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã “né”, không trả lời: “Liệu có chuyện chia nhỏ tổng kinh phí dự kiến chi cho Asiad 2019 để dư luận không giật mình về số tiền khủng hay không?”.
Hãy lắng nghe Bộ Tài chính
Trong hàng loạt văn bản của Bộ Tài chính trả lời, góp ý cho Asiad 2019 do Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh ký, luôn luôn thể hiện sự ngờ vực, e ngại từ cách tính của Bộ VH-TT&DL.
Ví dụ, trong công văn số 883/BTC ngày 16-1-2013 trả lời về việc xây dựng đề án tổ chức Asiad 2019, Bộ Tài chính đã phân tích rất chi li về quy mô hoành tráng của Asiad vượt trội so với SEA Games 2003, vậy mà tổng dự toán kinh phí Asiad mà Bộ VH-TT&DL đưa ra chỉ cao gấp 1,2 lần so với SEA Games (trong khi đó thời giá năm 2012 - thời điểm làm đề án, tăng khoảng hai lần so với năm 2003).
Để giải thích về chuyện này, Bộ VH-TT&DL cho rằng nhờ tận dụng sân bãi đã có từ hồi tổ chức SEA Games. Tuy nhiên, bộ không tính đến hàng loạt sân cho những môn phải có ở Asiad mà VN chưa có!
Tương tự, trong công văn số 8808/BTC ngày 8-7-2013 nhằm đóng góp ý kiến cho đề án tổng thể mà Bộ VH-TT&DL gửi đi ngày 30-5-2013, Bộ Tài chính hoài nghi về tỉ lệ 72% của tổng kinh phí đầu tư cho Asiad sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Bộ Tài chính nêu hàng loạt các câu hỏi như: Huy động như thế nào? Huy động từ đâu và huy động của ai? Các điều kiện khi huy động, cơ sở pháp lý để huy động...?
Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ thế nào nếu không đạt tỉ lệ nêu trên? Và Bộ Tài chính giải thích cho sự thắc mắc của mình: “Trong trường hợp huy động thấp hơn so với dự kiến thì toàn bộ thiếu hụt sẽ dồn lên ngân sách nhà nước”.
Ngay cả với đề án đào tạo VĐV tham dự Asiad 2019, Bộ Tài chính bày tỏ sự ngỡ ngàng trong công văn số 17573/BTC ký ngày 19-12-2013, về việc Bộ VH-TT&DL, Tổng cục TDTT lên kế hoạch đào tạo tập trung cho 850 VĐV (theo dự thảo đề án đào tạo VĐV tham dự Asiad ký ngày 14-11-2013), nhưng không hề đề cập đến tiêu chí để tuyển chọn 850 VĐV này!
Trong các văn bản liên quan đến việc tổ chức Asiad 2019, Bộ Tài chính luôn nhắc nhở Bộ VH-TT&DL về tình hình kinh tế đang còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, trong công văn 883/BTC nêu: “Tránh trường hợp xây dựng đề án với dự toán thấp, nhưng khi thực hiện lại điều chỉnh tăng, tạo gánh nặng chi cho ngân sách, gây áp lực đối với nguồn lực chi an sinh xã hội và các nhu cầu chi thiết yếu khác cho Nhà nước trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn”.
Hay: “Bộ Tài chính đề nghị Bộ VH-TT&DL cân nhắc, rà soát lại nhu cầu kinh phí, bảo đảm tính khả thi vì trong những năm tới nền kinh tế VN còn khó khăn, ngân sách nhà nước trước mắt phải ưu tiên những vấn đề cấp bách về an sinh xã hội” (công văn 17573/BTC).
Đã quá rõ những hoài nghi, e ngại của Bộ Tài chính thể hiện rõ sự chuẩn bị cẩu thả, thiếu thận trọng của Bộ VH-TT&DL trong việc chuẩn bị tổ chức Asiad 2019.
Huy Thọ
tuổi trẻ
|