Thứ Năm, 06/03/2014 15:51

Thép "thoát hiểm"

Với những chuẩn bị kịp thời về đầu tư, thay đổi sản phẩm, mở rộng thị trường... một số doanh nghiệp (DN) ngành thép đã "thoát hiểm".

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu tiêu thụ sắt thép xây dựng năm 2013 giảm gần 10% so với năm trước, nhập siêu thép khoảng 5 tỷ USD, nhiều nhà máy thép chỉ còn hoạt động ở mức 40 - 50% tổng công suất do cung vượt cầu... Bất chấp những con số "u ám" này, theo ghi nhận của ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch VSA, vẫn có khoảng 30% DN ngành thép "trụ được" và ăn nên làm ra.

Ông Vũ Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen (HSG) xác nhận, trong năm tài chính 2012-2013, HSG đạt 11.760 tỷ đồng doanh thu, 581 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST), lần lượt tăng 17% về doanh thu và 58% về lợi nhuận so với niên độ trước.

Với Hòa Phát (HPG), doanh thu năm 2013 là 19.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tức tăng gần gấp đôi năm ngoái. Nam Kim Group (NKG) gây bất ngờ khi công bố doanh thu năm 2013 tăng hơn 59% và lợi nhuận vượt kế hoạch. Một số như Công ty Đầu tư Thương mại SMC (SMC) tuy lợi nhuận không như mong đợi nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng doanh thu.

"Tấn công" thép nhập khẩu

"Thực ra khó khăn hiện tại của ngành thép là khó trong lĩnh vực thép xây dựng. Còn với những sản phẩm thép mà lâu nay ta phải nhập khẩu sức cầu vẫn nhiều", ông Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP TMĐT SMC (SMC) cho biết. Theo thống kê từ VSA, trong năm 2013, dù sản lượng tiêu thụ thép xây dựng giảm thì ở mảng thép mạ kim loại, tôn lại tăng 36%, hay ống thép tăng 20%.

Đặc biệt, nhiều mặt hàng thuộc thép dẹt như thép tấm cán nóng, thép lá cán nguội vẫn phải nhập khẩu. Thấy được cơ hội từ thị trường thép dẹt, từ chỗ thuần túy thương mại, năm 2009 SMC chuyển dần sang vừa phân phối vừa sản xuất gia công các loại thép dẹt gồm thép lá, cắt tấm, xả băng thép cán nguội theo yêu cầu khách hàng.

Đến nay, SMC đã có 4 nhà máy đặt tại TP.HCM, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng sản lượng hơn 200.000 tấn/năm. Thép dẹt tuy chỉ chiếm 1/3 sản lượng tiêu thụ nhưng lại đóng góp chính vào lợi nhuận của SMC. Ông Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh: "Nếu không có hệ thống nhà máy này, SMC khó lòng tồn tại và phát triển trong 5 năm gần đây".

Trong các năm tới, SMC sẽ tùy theo nhu cầu thị trường để điều chỉnh linh hoạt giữa hai mảng thép xây dựng và thép dẹt. Mục tiêu trước mắt của SMC là gia tăng lượng tiêu thụ thép dẹt lên 40% tổng tiêu thụ thép. Công ty sẽ tạm dừng đầu tư nhà máy để tập trung vào công tác nghiên cứu, tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn và đạt giá trị gia tăng cao hơn.

Về phía Công ty CP Thép Pomina (POM), ông Đỗ Duy Thái, Thành viên HĐQT của POM cho biết, POM sẵn sàng đầu tư 300 triệu USD xây Nhà máy Pomina 3 vì chiến lược hội nhập. Nhà máy Pomina 3 hiện là nhà máy luyện thép hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á.

Nhà máy này cho công suất 1 triệu tấn thép/năm, 1 triệu tấn phôi/năm sẽ giúp POM tạo uy thế và nâng cao cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Tương tự, từ khi có Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ, sản lượng tiêu thụ của HSG trong 4 niên độ gần đây (từ 2009 - 2013) đều tăng lần lượt 64%, 45%, 29% và 32%.

Doanh thu tăng lần lượt 73%, 67%, 23,5% và 17%. Thị phần tôn mạ của HSG luôn ở vị trí dẫn đầu. Trong năm 2013 - 2014, khi các dây chuyền thuộc giai đoạn 2 của nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ đều đưa vào vận hành. Ông Vũ Văn Thanh cho biết, doanh thu của HSG dự kiến sẽ tăng thêm 19% lên 14.000 tỷ đồng. Hoa Sen phấn đấu đạt doanh thu 1 tỷ USD giai đoạn 2015-2016.

Nhờ đưa vào vận hành Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát giai đoạn 2 (10/2013) mà sản lượng thép của Hòa Phát đã tăng trưởng mạnh, vượt Pomina để dẫn đầu toàn ngành. Thị phần của Hòa Phát cũng liên tục tăng, từ 14,5% (9/2013) lên 14.8% (10/2013) và 15,2% (cuối 2013).

Các chuyên gia dự báo, với năng lực sản xuất 1,15 triệu tấn thép/năm, 1,1 triệu tấn phối/năm cộng thêm hệ thống đại lý được phát triển mạnh, thị phần của Hòa Phát có thể sẽ tăng lên 18-20% trong năm 2014.

Thực tế, với quy trình khép kín, với công nghệ sản xuất lò cao, giá đầu vào thấp, Hòa Phát rất có lợi thế trong cạnh tranh sản phẩm. Theo ước tính, giá của thép Hòa Phát đang thấp hơn 5-10% so với các đối thủ.

Nam Kim Group, Thép Tiến Lên (TLH) cũng đang bước vào năm 2014 với nhiều triển vọng. Năm ngoái, nhà máy Nam Kim 2 đã giúp NKG gia tăng chuỗi giá trị từ thương mại sang sản xuất tôn mạ. Thị phần tôn mạ của NKG đã tăng mạnh từ 6,2% năm 2012 lên 10,1% hiện tại.

Riêng nhà máy thép hình Bắc Nam sẽ giúp TLH cung cấp trực tiếp các sản phẩm thép hình cỡ lớn mà không phải nhập khẩu như trước, từ đó rút ngắn thời gian sản xuất, tăng tỷ trọng doanh thu sản xuất và cải thiện lợi nhuận gộp.

Gia tăng xuất khẩu

Đẩy mạnh xuất khẩu là cách để các DN thép giảm rủi ro từ cạnh tranh thị trường nội địa và duy trì đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận. Thực tế trong niên độ 2012-2013, xuất khẩu đã là động lực tăng trưởng chính của HSG khi góp 45% tổng doanh thu.

Ông Vũ Văn Thanh cho biết, mục tiêu xuất khẩu trong niên độ 2013 - 2014 là đóng góp 40 - 50%tổng doanh thu, với sản lượng xuất khẩu khoảng 310.400 tấn, tương đương doanh thu 289 triệu USD.

HSG vẫn sẽ tìm kiếm thị trường mới ngoài 40 thị trường mà HSG đã đặt chân đến nhưng trọng tâm của HSG vẫn là đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường truyền thống Đông Nam Á.

Với POM, ông Đỗ Duy Thái cho biết, sẽ tăng tỷ trọng xuất khẩu từ 15% doanh thu năm 2013 lên khoảng 30% năm 2014. Thị trường nhắm đến của POM vẫn là Đông Nam Á trong đó sẽ chú ý đến thị trường Philippines, Malaysia.

Ở các thị trường khó tính hơn như Mỹ, châu Âu... ông Thái thừa nhận, do yêu cầu khắt khe về chất lượng, thuế nhập khẩu, các rào cản kiện chống bán phá giá, chi phí vận chuyển tốn kém đã khiến sản phẩm thép của Việt Nam chưa thể tiến xa hơn.

Nếu DN thép được hưởng lãi suất vay dài hạn dưới 5%/năm, khả năng cạnh tranh và tiến công xuất khẩu sang các nước phát triển của DN thép sẽ cao hơn. Ngoài ra, một khi Việt Nam gia nhập vào Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cơ hội xuất khẩu thép sang thị trường sang Mỹ, Canada, Chile, Mexico sẽ cao hơn do hưởng thuế suất bằng 0.

Dù xuất khẩu hay trên sân nhà, các DN lớn đã và sẽ chiếm lĩnh thị trường thép. Ông Phạm Chí Cường cho rằng, các DN nhỏ khó đủ lực để vượt lên và phát triển. Ở góc nhìn khác, ông Đỗ Duy Thái cho rằng, chừng nào thị trường còn khách hàng chọn sản phẩm mà không quan tâm đến thương hiệu, chất lượng thì khả năng "sống" của các DN nhỏ vẫn còn. Nhưng hướng đi của các DN này sẽ khó bền vững.

NGỌC THỦY

doanh nhân sài gòn

Các tin tức khác

>   OPC: Nghị quyết HĐQT miễn nhiễm chức danh Giám đốc kế hoạch (06/03/2014)

>   LCG: 18/03 GDKHQ dự ĐHĐCĐ thường niên 2014 (06/03/2014)

>   LCM: Ngày đăng ký cuối cùng (06/03/2014)

>   PVT: Ngày đăng ký cuối cùng (06/03/2014)

>   TAC: Ngày đăng ký cuối cùng (06/03/2014)

>   DIG: Ngày đăng ký cuối cùng (06/03/2014)

>   TIS: Báo cáo tài chính năm 2013 (Công ty mẹ) (06/03/2014)

>   NBS: Giấy chứng nhận đầu tư (06/03/2014)

>   PDC: Báo cáo tài chính năm 2013 (06/03/2014)

>   TIS: Báo cáo tài chính năm 2013 (06/03/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật