Thâm hụt tài khoản vãng lai của Nhật tăng hơn 15 tỷ USD
Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 10/3 đã ra báo cáo cho biết kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 0,7%/năm trên cơ sở điều chỉnh lạm phát. Con số này giảm so với số liệu trước đó, chủ yếu là do điều chỉnh giảm chi tiêu vốn của các doanh nghiệp.
Tăng trưởng trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế quý 4/2013 đạt 0,2%, tăng so với quý trước. Trước đó, báo cáo ban hành ngày 17/2 của Nội các Nhật Bản cho biết nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này tăng trưởng 1%/năm trong quý Bốn.
Chi tiêu vốn của doanh nghiệp mà Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe coi là yếu tố then chốt cho việc vực dậy nền kinh tế tăng 0,8% so với quý trước, giảm so với mức tăng 1,3% trong số liệu sơ bộ.
Tiêu dùng tư nhân chiếm tới 60% GDP của Nhật Bản cũng giảm đà tăng còn 0,4% so với mức 0,5% trước đó. Lĩnh vực đầu tư công tăng 2,1%, giảm so với mức 2,3% của số liệu trước. Năm 2013, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,5%, so với mức tăng 1,6% thông báo ban đầu.
Trong một báo cáo khác của Bộ Tài chính Nhật Bản, nền kinh tế đứng thứ ba thế giới phải hứng chịu mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất trong tháng 1/2014, đánh dấu bốn tháng liên tiếp thâm hụt trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng và đồng yen giảm giá làm gia tăng chi phí nhập khẩu.
Theo báo cáo sơ bộ ra ngày 10/3, thâm hụt trong cán cân thương mại của Nhật Bản, một trong những thước đo lớn nhất của thương mại quốc tế, là 1.589 tỷ yen (tương đương 15,38 tỷ USD).
Nhập khẩu tăng 30,3% so với năm 2013 lên mức 7.862 tỷ yen trong bối cảnh gia tăng nhập khẩu dầu thô trong khi xuất khẩu tăng 16,7% lên mức 5.516,7 tỷ yen. Do đó, cán cân thương mại hàng hoá thâm hụt 2.345,3 tỷ yen.
Trong tháng Một, đồng yen giảm so với đồng USD tới 16,6%, xuống mức 103,94 yen/1 USD trong khi giảm so với euro tới 19,4% xuống 141,5 yen/1 euro. Đồng yen giảm giá sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu vì góp phần giảm giá bán sản phẩm của Nhật Bản so với nước ngoài và thúc đẩy giá trị lợi nhuận ở nước ngoài mặc dù nó sẽ đẩy giá nhập khẩu tăng cao.
Cùng ngày, thị trường chứng khoán Tokyo đã mở cửa với mức sụt giảm nhẹ trong bối cảnh nhà đầu tư tìm cách duy trì lợi nhuận sau cú giành điểm ấn tượng của chỉ số Nikkei trong bốn ngày qua.
Trong 15 phút giao dịch đầu tiên, chỉ số trung bình Nikkei 225 giảm 23,23 điểm, tương đương 0,15%, so với ngày 7/3 xuống 15.250,84 yen. Chỉ số Topix của tất cả các mã Khu vực 1 trên Sàn giao dịch Tokyo giảm 3,53 điểm (0,29%) đứng ở mức 1.233,44 yen.
Việc mở sàn với ít biến động diễn ra sau khi dữ liệu về xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Hai giảm 18,1% so với năm trước, cho thấy dấu hiệu ảm đạm đối với nền kinh tế hướng về xuất khẩu của Trung Quốc. Trong suốt bốn ngày giao dịch vừa qua, chỉ số Nikkei tăng tới 4,2%.
Hữu Thắng
vietnam+
|