Những câu chuyện kinh tế sau khủng hoảng ở Ukraine
Khủng hoảng chính trị ở Ukraine kéo dài đã vài tháng qua và trong khoảng thời gian chính trị bất ổn thì nền kinh tế nước này cũng lâm vào tình thế nguy nan, rất cần sự trợ giúp từ bên ngoài, mà cụ thể là từ Nga, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Nhưng khi chuyện cứu nguy cho nền kinh tế Ukraine còn chưa ngã ngũ, thì một vấn đề mới lại nảy sinh, gắn liền với diễn tiến của cuộc khủng hoảng tại nước này. Đó là những đe dọa trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với Nga vì những hành động can thiệp của nước này tại Ukraine.
Vấn đề đang được đặt ra là liệu mọi chuyện có dừng lại ở mức độ đe dọa hay sẽ trở thành một cuộc đối đầu, với những tổn thất không nhỏ cho cả hai phía.
Chưa xong chuyện cứu nguy kinh tế Ukraine
Một trong những vấn đề đáng lo ngại về tình hình tài chính Ukraine là dự trữ ngoại tệ giảm sút mạnh. Trong vòng ba năm qua, dự trữ ngoại tệ của Ukraine đã giảm từ 37 tỷ USD xuống còn 15 tỷ USD vào cuối tháng 2/2014, khi Ngân hàng Trung ương bơm tiền ra để ngăn chặn đà xuống giá của đồng nội tệ hryvnia so với đồng USD. Những nỗ lực đó chỉ đạt được thành công ít ỏi, đồng hryvnia đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.
Bên cạnh đó, theo ước tính của ngân hàng Commerzbank AG (Đức), Ukraine cần phải thanh toán khoản nợ khoảng 6,5 tỷ USD trước cuối năm 2014 đồng thời cần thêm 6,5 tỷ USD để trang trải các khoản thâm hụt tài khoản vãng lai. Chính phủ Ukraine đã xác định nhu cầu tài chính của nước này trong hai năm tới ở mức 35 tỷ USD.
Trong khi đó, nền kinh tế Ukraine hoạt động kém hiệu quả kể từ sau khi nước này độc lập vào năm 1991. Tuy là một trong những nhà sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, song cơ sở hạ tầng sản xuất của Ukraine cũ kỹ. Ngành công nghiệp thép từng nổi tiếng cũng trở nên lỗi thời. Khó khăn chồng chất khi đầu cơ làm cho giá trị tiền tệ ở mức cao giả tạo, giúp nhập khẩu tiêu dùng rẻ nhưng xuất khẩu không có tính cạnh tranh. Nền kinh tế cũng phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên (từ Nga).
Chính phủ Ukraine “bao” khoảng 80% chi phí nhập khẩu khí đốt của Nga - phần còn lại do người tiêu dùng và các doanh nghiệp trả, khiến cho nợ công lên tới 40% GDP. Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseni Yatsenyuk cho biết, nợ công của nước này đã lên tới 75 tỷ USD.
Với sự hỗ trợ của IMF, Kiev đã thiết lập chương trình cải cách giai đoạn 2008-2010 nhằm củng cố cơ sở tài chính đất nước. Tuy nhiên, cả hai khoản vay trước đây từ IMF đều bị đình lại khi Ukraine không thực hiện đúng cam kết về cải cách.
Sau khi từ chối ký Hiệp định liên kết với EU, Ukraine đã quay sang Nga để được giúp đỡ. Nga đồng ý hỗ trợ 15 tỷ USD thông qua việc mua trái phiếu và cũng sẽ giảm 30% giá khí đốt cho Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine hiện mới chỉ nhận được 3 tỷ USD trong số tiền 15 tỷ USD này, khoản giải ngân thứ hai trị giá 2 tỷ USD sẽ bị hoãn cho tới khi Ukraine có chính phủ mới và nếu không có thỏa thuận mới được ký kết cho quý hai tới, giá khí đốt sẽ quay trở lại mức cũ.
Trước những khó khăn kinh tế hiện nay của Ukraine, việc đảm bảo cho vay 1 tỷ USD của Mỹ là quá ít ỏi so với nhu cầu tài chính của Ukraine, trong khi châu Âu cũng chỉ giải ngân khoảng 1,6 tỷ USD trong gói trợ giúp 11 tỷ USD cho Ukraine trong năm nay.
Bên cạnh đó, một điều mà Ukraine cũng đang rất cần là khoản vay từ IMF có ít điều kiện đi kèm và được giải ngân nhanh hơn. Ukraine đã đề nghị IMF hỗ trợ 15 tỷ USD để bổ sung cho các nguồn dự trữ và ổn định tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, người phát ngôn của IMF, Gerry Rice, nói rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận về con số cụ thể.
Còn theo Tổng giám đốc IMF, Christine Lagarde, chương trình hỗ trợ tài chính của IMF sẽ đi kèm với những điều kiện ngặt nghèo, nhằm đảm bảo Ukraine có thể ổn định kinh tế và tạo đà tăng trưởng.
Lại đến nguy cơ phương Tây trừng phạt kinh tế Nga
Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine hiện nay, nhằm gây sức ép với Nga, các nước phương Tây đe dọa trừng phạt kinh tế nhằm vào nước này. Nếu các biện pháp trừng phạt hiện nay như cô lập ngoại giao, phong tỏa tài sản hay cấm nhập cảnh đối với các quan chức Nga không làm thay đổi lập trường của nước này, hay khiến cho Nga có những hoạt động quân sự sâu thêm vào phía Đông Ukraine, EU đã tuyên bố sẽ tiến thêm một bước nữa tới việc cấm vận kinh tế.
Tổng thống Mỹ cũng nói nước này sẵn sàng áp đặt thêm lệnh trừng phạt tùy vào việc Nga có làm tăng căng thẳng ở Ukraine hay không. Giới chuyên gia nhấn mạnh nếu phương Tây và Nga cùng đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế lẫn nhau, thì cả hai bên đều sẽ bị tổn hại.
Viện nghiên cứu Oxford Economics đã ước tính các hậu quả trong giả định Nga ngừng cung ứng khí đốt cho châu Âu qua hệ thống ống dẫn dầu đặt trên lãnh thổ Ukraine, còn phương Tây áp dụng các biện pháp trả đũa về tài chính nhắm vào Nga, giá khí đốt sẽ tăng khoảng 15% và dầu mỏ tăng 10% từ nay đến năm 2015 trên thị trường châu Âu, còn GDP của các nước trong Khu vực sử dụng đồng euro giảm 1,5% và tăng trưởng kinh tế của một số nước Đông Âu sẽ giảm tới 3%. Tuy nhiên, Oxford Economics cho rằng bên bị thua thiệt nhiều sẽ là Nga, với đồng rup bị mất giá mạnh, lạm phát tăng cao và GDP ước giảm 2% trong năm 2014 và 4,5% năm 2015.
Theo các chuyên gia của Oxford Economics, trong trường hợp 80% lượng dầu khí xuất khẩu của Nga bị cấm vận, GDP của Nga từ nay đến năm 2015 sẽ bị giảm tới 10%. Lý do khiến Nga bị thiệt hại nặng như vậy là bởi năng lượng đem lại hơn một nửa nguồn thu cho ngân sách của nước này và 3/4 là bán qua châu Âu.
Tuy nhiên, vấn đề là trong bối cảnh toàn cầu hóa cao độ như hiện nay, quan hệ kinh tế giữa Nga và châu Âu có thể nói thuộc dạng "môi hở răng lạnh," nếu Nga xuất hiện vấn đề, châu Âu cũng không thể hoàn toàn ở thế hưởng lợi mà cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí còn làm kinh tế toàn cầu đổ vỡ.
Xuất khẩu của châu Âu vào Nga trong năm 2012 đạt hơn 170 tỷ USD và châu Âu đang lệ thuộc năng lượng vào Nga: 30% khí đốt tự nhiên mà châu Âu cần là do Nga cũng cấp. Bởi thị trường Nga đang tiêu thụ 40% hàng hóa nhập khẩu từ EU và 50% xuất khẩu của Nga vào các nước EU, nên việc áp dụng các biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga sẽ gây ra thiệt hại kinh tế to lớn cho cả hai bên. Sự thật là EU chỉ có thể gây sức ép thực sự với Nga nếu sẵn sàng chấp nhận thiệt hại với chính mình. Đây là điều khó khăn khi nhiều nước châu Âu đang chật vật để tăng trưởng kinh tế trở lại.
Đối với châu Âu, gót chân Achilles có thể nói chính là sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Hơn một nửa khối lượng khí đốt mà các nước thuộc EU sử dụng hàng năm phải nhập khẩu và chi phí cho việc nhập khí đốt ước tính sẽ lên tới 500 tỷ euro tính đến năm 2030.
Kể từ năm 2011, Nga đã trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt và dầu mỏ số một cho EU, và từ vị thế của một quốc gia cung cấp nhiên liệu, Moskva ngày càng buộc Brussels phải phụ thuộc vào các chính sách của mình, điều mà EU và Mỹ không hề mong muốn. Do đó, vũ khí đầu tiên và cũng là quan trọng nhất của Nga chính là chính sách năng lượng mà EU đang phải phụ thuộc vào và chính sách này không thể không phụ thuộc vào sự ổn định của Ukraine, một trong những điểm trung chuyển then chốt trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt chạy từ Trung Á sang châu Âu.
Bên cạnh đó, lập trường của châu Âu và Mỹ trong vấn đề trừng phạt Nga có khác biệt khi xét tới mức độ thiệt hại về kinh tế nếu đối đầu với Nga.
Trong khi Mỹ không phải là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Nga và thiệt hại nếu có sẽ rất không đáng kể thì nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức lại rất dễ bị tổn thương. Cụ thể, kim ngạch thương mại song phương Nga-Đức năm 2013 đạt gần 76 tỷ euro, trong đó Nga nhập khẩu hơn 40 tỷ euro và xuất khẩu sang Đức 36 tỷ euro. Các doanh nghiệp Đức hiện đầu tư vào Nga gần 20 tỷ euro trong các dự án rất dài hạn và triển vọng.
Đức còn cần Nga với tư cách nhà cung cấp năng lượng chủ yếu cho nền kinh tế nước này và khách hàng nhập khẩu ôtô lớn thứ tư.
Và trong khi Mỹ không cần đến các nguồn năng lượng của Nga và hợp tác kinh tế còn dừng lại ở con số hết sức khiêm tốn thì một cuộc xung đột với Nga ngay lập tức có thể khiến thị trường lao động của Đức mất đi 300.000 việc làm./.
Lê Minh
Vietnam+
|