Nhiều mặt hàng ổn định giá trong tháng 3
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo, trong tháng 3 giá một số hàng hóa thiết yếu như lúa gạo, thực phẩm tươi sống có xu hướng ổn định; giá gas giảm; chỉ một số mặt hàng dự báo có thể tăng giá trong đó có giá xăng, dầu.
Thực phẩm tươi sống giá cả ổn định là tin vui đối với người tiêu dùng.
|
Lúa gạo, thực phẩm tươi sống giá cả ổn định
Tính đến các yếu tố có thể khiến giá cả tăng trong tháng 3, Cục Quản lý giá cho rằng, kinh tế thế giới tiếp tục đón nhận những tín hiệu tích cực từ sự phục hồi của các nền kinh tế lớn. Dự báo giá một số nguyên nhiên vật liệu thiết yếu trong thời gian tới có chiều hướng nhích nhẹ.
Tình hình trong nước, tháng 3 vẫn đang là thời điểm của Lễ hội, nhu cầu đi lại, tiêu dùng thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình khả năng sẽ tiếp tục tăng; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm... cũng là các yếu tố khiến tăng giá trong tháng này.
"Tuy nhiên, cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững, nhu cầu tiêu dùng đối với nhiều mặt hàng sau Tết không cao; giá một số hàng hóa, dịch vụ có khả năng giảm (gạo; LPG-gas) hoặc ổn định (giá điện, than bán cho sản xuất điện, đường, xi măng, thép ..); chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được thực hiện tại các địa phương; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan... lại là các yếu tố kìm giá thị trường tháng này theo xu hướng ổn định", Cục Quản lý giá nhận định.
Đáng chú ý, một số hàng hóa thiết yếu như lúa gạo, thực phẩm tươi sống, đường, phân bón... được dự báo có xu hướng giảm hoặc ổn định.
Giá lúa, gạo tháng 3 được dự báo có xu hướng giảm do hiện là thời điểm thu hoạch cao điểm vụ Đông Xuân trong khi nhu cầu lại thấp. Nguyên nhân là do nguồn cung gạo từ các nước xuất khẩu như Ấn Độ và Pakistan khá lớn trong khi nhu cầu không cao đã tác động đến giá chào bán gạo xuất khẩu ổn định và giảm. Giá chào gạo xuất khẩu có xu hướng giảm trong tháng 3 do nguồn cung thị trường tăng khi các nước xuất khẩu gạo lớn bắt đầu vào vụ thu hoạch mới và Thái Lan nỗ lực bán gạo ra thị trường sau khi chương trình trợ giá lúa gạo chấm dứt cuối tháng 2-2014.
Giá các thực phẩm tươi sống cũng được dự báo có xu hướng ổn định do nhu cầu thị trường không có nhiều biến động sau Tết. Giá các loại rau củ quả tăng nhẹ do thời tiết mưa rét, ảnh hưởng đến sự phát triển của rau xanh, nguồn cung giảm.
Hai mặt hàng là hàng hóa đầu vào của ngành xây dựng là xi măng và sắt thép có tín hiệu khả quan khi được dự báo giá cả có xu hướng ổn định, đặc biệt thời điểm này thị trường xây dựng đã bắt đầu khởi động.
Thêm một tín hiệu đáng mừng trong dự báo giá cả thị trường tháng này đó là giá LPG thế giới tháng 3 dự kiến giảm khoảng 107,5 USD/tấn so với tháng 2-2014. Theo đó, giá LPG thị trường trong nước dự kiến giảm khoảng 31.000 đồng/ bình 12 kg.
Giá xăng dầu có thể tăng
Đáng ngại nhất là thông tin dự báo giá xăng, dầu thành phẩm thế giới trong thời gian tới dự kiến có thể tăng. Cục Quản lý giá trích dẫn theo tổng hợp tin từ Reuters ngày 21-2-2014, nguồn cung dầu thô của một số quốc gia dự kiến sẽ giảm trong thời gian tới. Bất ổn chính trị ở phía Nam Sudan làm nguồn cung dầu thô của nước này giảm khoảng 30%, tương đương mức giảm 170.000 thùng/ngày. Bên cạnh đó, trong tháng 3-2014, một số nhà máy ở Plutonio, Angola sẽ tiến hành sửa chữa bảo trì định kỳ làm giảm nguồn cung khoảng 180.000 thùng/ngày. Những nguyên nhân trên sẽ khiến giá xăng dầu dự báo sẽ có thể tăng trong tháng này.
Mặt hàng được dự báo có xu hướng ổn định hoặc tăng nhẹ là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm, giá phần lớn các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như sắn lát, ngô, khô dầu đậu tương, cám gạo tăng so vơi tháng trước trong khi giá một số nguyên liệu khác như ly sine, bột cá, methionine giảm nhẹ.
Tuy nhiên, thời điểm này, tại thị trường thế giới, giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng do nguồn cung dự báo giảm, cho nên dự báo giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới và trong nước có xu ổn định hoặc tăng nhẹ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 2-2014 tăng 0,55% so với tháng 1-2014. Đáng chú ý là mặc dù những ngày cao điểm của tết Nguyên đán Giáp Ngọ rơi trọn trong kỳ tính chỉ số giá tháng 2-2014 nhưng chỉ số giá tiêu dùng tháng này vẫn tăng thấp hơn mức tăng của tháng 1-2014 (tăng 0,69%), đồng thời tăng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ tháng 2 nhiều năm trở lại đây.
Xét theo cơ cấu nhóm hàng, có 9/11 nhóm hàng cấp I có chỉ số giá tăng, tuy nhiên chỉ 2 nhóm (Hàng ăn và dịch vụ ăn uống, Văn hóa, giải trí và du lịch) có tốc độ tăng chỉ số giá cao hơn tháng 1-2014.
Trong đó, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng cao nhất với mức tăng 1,15% (Lương thực tăng 0,68%; thực phẩm tăng 1,16%; ăn uống ngoài gia đình tăng 1,60%).
Các nhóm khác có mức tăng chỉ số giá dưới 1% gồm: Giao thông tăng 0,66%, Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,61%, Đồ uống và thuốc lá tăng 0,60%, Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,55%, Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22%, Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%, Giáo dục tăng 0,01%...
Hai nhóm có chỉ số giá giảm là Nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,64%, Bưu chính viễn thông giảm 0,02%.
Minh Anh
hải quan
|