Nhà máy xi măng nghìn tỷ nợ từ kỹ sư đến nông dân
Công nhân làm việc cật lực gần cả năm trời không có lương, nhiều người phải bán xe máy, cầm cố tư trang để có tiền về quê… Đó là những gì đang diễn ra tại công trình thi công mỏ thuộc đại dự án Nhà máy xi măng Đồng Lâm (huyện Phong Điền, tỉnh TT-Huế).
Khốn khổ vì “bê phẩy”
Hay tin ở TT-Huế triển khai đại dự án xi măng Đồng Lâm có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, đầu năm 2013, kỹ sư P.Đ rời quê Nghệ An xin vào làm việc tại công trình mỏ đá nguyên liệu, do Cty CP Đầu tư Xây dựng Thương mại và Công nghệ Hà Nội (HNCIT - nhận thầu từ Ban quản lý (BQL) dự án Cty CP Xi măng Đồng Lâm).
Được ông Vũ Đình Tiến, Đội trưởng xây dựng cơ bản mỏ thuộc HNCIT, bố trí làm việc với mức lương tháng hơn 6 triệu đồng cùng nhiều lời hứa hấp dẫn, Đ. mừng như bắt được vàng.
“Rời quê nghèo, đây là cơ hội tốt để mình đỡ đần gia đình. Nào ngờ, đến bây giờ, người làm công cho ông Tiến bị xù nợ hàng loạt. Tết rồi, bọn mình phải bán tháo xe máy, tư trang để có tiền về quê. Nhiều người không còn gì để cầm cố đành cầu cứu người thân ở quê gửi tiền lộ phí”, anh Đ. kể.
Nhiều người lao động và chủ nợ liên quan khu mỏ Đồng Lâm dài cổ chờ trả nợ lương, tiền thuê nhà, chi phí ăn ở
|
Công trình khai mỏ nguyên liệu Nhà máy xi măng Đồng Lâm do HNCIT nhận thầu trên danh nghĩa. Doanh nghiệp này giao lại cho “bê phẩy” thứ cấp là Cty CP Xây dựng Thương mại & Khai thác mỏ Thành Đông (Hà Nội) cùng hai nhà thầu phụ khác.
Do phương tiện, nhân lực, xe máy hạn chế, Cty Thành Đông đi thuê lại các “bê phẩy” khác đào múc, san lấp cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân nhiều tỉnh, thành miền Trung. Từ đây, nhiều người lao động lâm cảnh “làm công không lương”, túng bấn, khốn khổ do tình trạng giao thầu qua nhiều tầng nấc vô tội vạ, thiếu sự quản lý, giám sát, thẩm định năng lực chuyên môn, tài chính từ chủ đầu tư.
Anh N.T (quê Thanh Hoá) cho biết, ban đầu, tất cả kỹ sư, công nhân, bảo vệ đều làm việc dưới quyền chỉ đạo của ông Tiến, Đội trưởng của HNCIT. Sau chừng hai tháng, người lao động mới biết mình thuộc Cty Thành Đông- một thầu phụ của HNCIT.
“Gói thầu mà Cty Thành Đông nhận lại từ HNCIT trị giá khoảng 200 tỷ đồng. Mọi lương, thưởng của kỹ sư, công nhân do nhà thầu phụ này chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, từ tháng 3 năm ngoái tới giờ, chưa ai nhận được bất kỳ đồng xu nào từ ông Tiến, điện thoại không liên lạc được với vị đội trưởng này”, anh T. phản ánh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ Cty Thành Đông lại là vợ của ông Tiến - người bị tố quỵt nợ công nhân lao động mỏ Đồng Lâm. Khoản tiền ông Tiến nợ người lao động, các nhà thầu thứ cấp hiện lên đến hàng tỷ đồng. Trước Tết Nguyên đán, một số chủ phương tiện cơ giới, san lấp bị ông Tiến xù tiền từng cất công từ miền Trung ra Hà Nội chầu chực đòi nợ nhưng vẫn không có kết quả.
Sống chết mặc bay
Anh Thái Văn Tuấn, trú cạnh khu mỏ thuộc xã Phong Xuân (Phong Điền), từ nhiều tháng nay như ngồi trên đống lửa, do bị ông Tiến nợ hàng chục triệu đồng tiền lương bảo vệ, cấp dưỡng, cho thuê mặt bằng, chi phí ăn uống của công nhân. Là nông dân chân lấm tay bùn, anh Tuấn được ông Tiến hợp đồng thuê nhà làm nơi ăn, ở cho kỹ sư, công nhân và nhận vào làm bảo vệ.
“Ông Tiến từng ký bảo lãnh, đóng dấu đỏ công ty hẳn hoi để tôi giải quyết nơi ở, lo cơm ăn, bán nợ nhu yếu phẩm cho công nhân mỏ. Các chi phí đó phải đi vay mượn mới có, nay tôi bị các chủ nợ khác thúc ép mà chưa biết phải giải quyết thế nào”. Tương tự, nhiều người dân ở xã Phong An (Phong Điền) được ông Tiến thuê trồng cỏ bao phủ đê bao khu mỏ cũng chưa được thanh toán tiền công, vật liệu. Sự “biến mất” của ông Tiến kéo theo nhiều hạng mục công trình khu mỏ bị đình trệ.
Cuối năm ngoái, trước tình hình nợ nần của người lao động tại khu mỏ rộ lên nóng bỏng, cảnh sát kinh tế tỉnh từng cử cán bộ về nắm tình hình. “Công an hứa xem xét, kiến nghị các bên liên quan giải quyết nợ nần, nhưng không hiểu sao, đến giờ mọi việc vẫn rơi vào im lặng. Trong lúc, Nhà máy xi măng Đồng Lâm lại là dự án trọng điểm, một điển hình về thu hút đầu tư của tỉnh TT-Huế hiện nay”, một kỹ sư cho biết. |
Ngọc Văn
Tiền Phong
|