Minh bạch tài sản công chức
Việc một tờ báo đăng “phóng sự” về dinh cơ của một quan chức cao cấp về hưu là điều không bình thường. Do lẽ, nếu những quy định về việc kê khai tài sản của công chức đủ chặt chẽ, từ việc kê khai đến việc xác minh kê khai, công khai... thì đâu cần đến báo chí làm cái công việc “bật mí”!
Chính vì những quy định “để cho có” như thế nên đã và đang xảy ra những vụ “bật mí” làm cho uy tín nhà nước bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như chuyện dinh cơ của con trai một quan đầu tỉnh... Nếu áp dụng nghiêm các quy định sẵn có, thì làm gì xảy ra cớ sự để cho những lời thanh minh của “người trong cuộc” làm thương tổn niềm tin! Càng buồn hơn nữa khi mà nội vụ vỡ lỡ tung tóe, nhưng chẳng thấy có “tiếng nói” nào. Cứ như thể một hòn sỏi hay hòn đá rớt vào mặt hồ khiến lăn tăn vài gợn sóng rồi thôi. Sự lăn tăn trên mặt nước có thể không quan trọng, song lăn tăn dư luận, thì không đơn giản như thế! Đó là bài học cơ bản của nghành khoa học xã hội!
Thật ra, không phải chúng ta không có luật pháp. Việt Nam đã ký kết sớm nhất công ước Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng và phê chuẩn mấy năm sau đó. Trong điều 8 của công ước, khi nói đến “Quy tắc ứng xử cho công chức”, có nêu rõ: “(1). Nhằm đấu tranh chống tham nhũng, mỗi quốc gia thành viên sẽ thúc đẩy, cùng những tiêu chuẩn khác, sự liêm chính, trung thực và trách nhiệm trong đội ngũ công chức nước mình...(2). Cụ thể, mỗi quốc gia thành viên sẽ nỗ lực áp dụng... những quy tắc hoặc chuẩn mực ứng xử...”. Vấn đề ở chỗ chúng ta đã thúc đẩy, áp dụng các quy tắc chuẩn mực đó đúng và đủ hay chưa?
Thế nào là “đủ”? Hãy thử nhìn qua nghiên cứu của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) về “Kê khai tài sản tại một số nước châu Á chọn lọc”. Các nước “chọn lọc” ở đây là những nước đứng ở tốp cuối bảng xếp hạng cảm nhận tham nhũng (CPI) hàng năm. Chẳng hạn như ở Afghanistan, công chức cao cấp (trong chính phủ, quốc hội, tòa án...) là phải khai tất tần tật, thậm chí cả tiền vay nợ, cùng mọi xe, cộ, vật dụng có giá trên 4.000 đô la Mỹ và biên lai học phí cho con cái. Ở Pakistan cũng thế, thêm cả mục nữ trang bên cạnh mục vay nợ, cũng như tiền lãi ngân hàng nếu có. Ở Kyrgystan, vợ con các quan chức đều phải khai y hệt. Mẫu số chung cho các nước này là: “Các quan chức phải được yêu cầu công bố thông tin về tài sản của vợ, con cùng những thành viên khác trong gia đình... Phải khai mọi khoản nợ, nghĩa vụ nợ, khoản vay tín dụng, thế chấp, bảo lãnh, và cùng đứng tên (tài sản, khoản vay). Phải khai mọi quà biếu, bổng lộc kể cả hỗ trợ tài chính hay hỗ trợ du lịch...”. Không chỉ các quan chức nhà nước, mà cả các viên chức của các tổ chức phi chính phủ, do lẽ các hoạt động này cũng có thể là những “mỏ vàng”.
Nói đến chuyện “đủ”, còn phải nhắc đến khoản 6 trong điều 52 của công ước liên quan đến tài khoản, tài sản ở nước ngoài, buộc kê khai bằng không phải có biện pháp chế tài. Đây là điều mà Trung Quốc, nay mất bò mới đang làm chuồng, ráo riết “ra tay” thu hồi tài sản các quan chức và người có tiền có tài sản đang để ở nước ngoài, bằng con đường “đầu tư... xây trường ở Mỹ, Canada” mà tại Việt Nam có thể thấy quảng cáo...!
Còn thế nào là “đúng”? Nghiên cứu trên cho biết, “tại đa số các nước liên quan đó, luật pháp buộc phải công bố toàn diện thông tin về tài sản, về nợ phải trả, nguồn thu nhập, hoạt động kinh doanh...” của các cá nhân thuộc diện kê khai tài sản cùng thân nhân, trước, trong và sau khi giữ chức vụ.
Có lẽ ta cũng không thiếu những quy định đó, do cùng ký một công ước từ hơn 10 năm qua, và phê chuẩn cũng đã lâu. Nếu ta có thiếu là thiếu cái khoản công bố toàn diện, nên mới xảy ra những “phóng sự” cười ra nước mắt như thế trên các phương tiện truyền thông. Và ta cũng đang thiếu một chi tiết kỹ thuật then chốt: cơ sở dữ liệu đăng ký nhà đất, xe cộ... vẫn chưa được kết nối toàn quốc!
Thiên Di
thời báo kinh tế sài gòn
|