Mía đường: Hết bài toán tồn kho đến vấn đề lợi nhuận
Ngành mía đường đã giải quyết phần nào được một trong những bài toán khó là hàng tồn kho, nhưng vấn đề lợi nhuận vẫn đang cần một lời giải thích đáng.
* Ngành mía đường : Loay hoay trong gian khó
* Mía đường Lam Sơn: Gần 3 tháng chỉ đạt khoảng 10% kế hoạch
Trong năm 2013, lợi nhuận sau thuế của hầu hết các công ty mía đường niêm yết đều giảm mạnh so với năm 2012. Trong đó mức giảm của BHS và KTS lên đến 67% và 52%, tương ứng 39 tỷ và 13 tỷ đồng. Đặc biệt, Mía Đường - Nhiệt Điện Gia Lai (HOSE: SEC) lỗ 845 triệu đồng trong quý 4/2013, lũy kế cả năm đạt 46 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 28% so với năm trước.
Lợi nhuận sau thuế của các công ty mía đường trong năm 2013
ĐVT: tỷ đồng
|
Một số yếu tố chính tác động đến lợi nhuận ngành mía đường niêm yết trong năm qua là hàng tồn kho, chữ đường và đặc biệt là giá bán. Trong khi các công ty mía đường niêm yết ghi nhận những điểm sáng như hàng tồn kho giảm mạnh, hiệu suất cây mía khả quan hơn khi chữ đường tăng (từ tỷ lệ 8.5 CCS hồi đầu năm 2013, chữ đường bình quân của các công ty mía đường đã đạt mức 9.5 CCS vào cuối năm). Nhưng với mức giá bán mía đường sụt giảm khiến doanh thu các doanh nghiệp trồi sụt còn lợi nhuận nhìn chung vẫn chưa có điểm sáng.
Ấn tượng tồn kho giảm mạnh
Trong suốt năm 2013, mỗi lần xuất hiện trên các mặt báo là y như rằng ngành mía đường lại ca bài ca tồn kho tăng, giá thành sản xuất cao, nạn đường nhập lậu… Điển hình là sau khi khép lại vụ đường 2012/2013, lượng đường tồn kho cuối vụ gần 400 ngàn tấn, cao hơn vụ trước 150 ngàn tấn. Tuy nhiên, đối với các công ty mía đường đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, bài toán khó tồn kho đã được giải quyết đáng kể trong năm vừa qua. Cụ thể, tính đến cuối năm 2013, hàng tồn kho của các công ty này đã giảm mạnh so với năm trước.
Hàng tồn kho tại các công ty mía đường cuối năm 2013
ĐVT: tỷ đồng
|
Giảm tồn kho ở mức cao, trên dưới 50%, là Đường Biên Hòa (HOSE: BHS) và Mía đường – Nhiệt điện Gia Lai (HOSE: SEC), lần lượt giảm từ 820 tỷ xuống 349 tỷ và từ 109 tỷ xuống chỉ còn 59 tỷ đồng trong năm 2013. Trong đó, BHS ghi nhận giảm đột biến ở nguyên vật liệu tồn kho, từ 520 tỷ xuống 53 tỷ đồng. Còn SEC có tồn kho thành phẩm giảm 60% xuống còn 37 tỷ đồng.
Cũng giảm đáng kể thành phẩm trong kho 28% so với đầu năm xuống gần 150 tỷ đồng giúp hàng tồn của Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (HOSE: SBT) giảm 32% xuống còn 230 tỷ đồng.
Nhận xét về tín hiệu giảm hàng tồn kho này, một chuyên gia trong ngành mía đường cho biết đây là kết quả của việc đẩy mạnh bán hàng trong năm vừa qua trong khi hoạt động sản xuất vẫn giữ ở mức ổn định.
Nhưng lợi nhuận lại lao dốc
Tồn kho giảm nhờ đẩy mạnh được hàng bán, tuy nhiên doanh thu doanh nghiệp mía đường trồi sụt và không tạo được sự thay đổi lớn, trong khi đó lợi nhuận gộp hầu hết lại giảm. KTS, SBT, SLS ghi nhận lãi gộp sụt giảm trên 20%, riêng KTS giảm 37% xuống còn 34 tỷ đồng.
Chỉ riêng Mía đường Lam Sơn (HOSE: LSS) và Đường Ninh Hòa (HOSE: NHS) tăng hơn 20% lợi nhuận gộp. Đồng thời, tỷ suất lãi gộp của hai công ty này cũng tăng lên lần lượt 12.5% và 15.4%.
Kết quả trong năm 2013 của các công ty mía đường
ĐVT: tỷ đồng
|
Theo nhận định của một chuyên gia trong ngành, giá bán mía đường là nhân tố tác động mạnh nhất kến kết quả đạt được trong năm 2013 của các công ty mía đường.
Được biết, giá đường thế giới đã liên tục "dò" các đáy mới và có lúc tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 do triển vọng dư thừa nguồn cung tại các nước trồng và sản xuất mía đường chủ chốt.
Giá đường thế giới trong 3 năm qua tại sàn giao dịch hàng hóa CSCE
Nguồn: NYMEX – CME Group
|
Tại Việt Nam, giá bán đường thời điểm cuối năm 2013 cũng giảm từ 1,000-2,000 đồng/kg so với thời điểm đầu năm.
Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cũng là một phần “gánh nặng”. Đặc biệt, BHS có chi phí lãi vay cao gấp đôi năm trước với 105 tỷ đồng. Nợ vay cũng đè nặng lên vai BHS khi vay và nợ ngắn hạn đến cuối năm 2013 của công ty này hơn 940 tỷ đồng.
Vay nợ của các công ty mía đường trong năm 2013
ĐVT: tỷ đồng
|
Minh Hằng
công lý
|