Gian nan lên sàn chứng khoán
Với chủ trương của Chính phủ, các ngân hàng cổ phần đại chúng dứt khoát phải lên sàn chứng khoán. Sẽ có khoảng 30 NHTM phải niêm yết từ năm 2014.
* Thị trường chứng khoán sẽ thêm nhiều cổ phiếu ngân hàng
Nhiều rào cản
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang xúc tiến kế hoạch thúc đẩy nguồn hàng cho thị trường chứng khoán năm 2014. Trong cuộc làm việc với NHNN mới đây về việc chào bán chứng khoán ra công chúng đối với các NHTM, UBCK và NHNN đã đạt được những thỏa thuận bước đầu: những NH đủ điều kiện niêm yết sẽ sớm được triển khai.
Theo quy định pháp luật, một NH niêm yết trên sàn chứng khoán phải đáp ứng các điều kiện: 2 năm liền kề có lãi, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ trong 2 quý liên tiếp… Được biết, đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống NHTM là 3,63%.
Thị trường khó khăn, nhiều NH lỗi hẹn niêm yết
|
Trên thực tế trong 2 năm qua, hệ thống NHTM đang trong quá trình tái cơ cấu. Cuối năm 2013, NHNN cho biết, 9 NHTM yếu kém đầu tiên đã qua giai đoạn có thể đổ vỡ. Một số NHTM hợp nhất hoặc sáp nhập trong thời gian qua cũng phải cải thiện mô hình quản trị, xử lý vấn đề tài chính và những vấn đề liên quan giữa các bên qua các cuộc “kết hôn”.
Chẳng hạn, theo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, SCB hậu sáp nhập có tỷ lệ nợ xấu được kéo xuống còn 1,7% tổng dư nợ so với mức 8% của giai đoạn trước. Một lãnh đạo NHNN cho biết, mặc dù khả năng chi trả một tuần hiện chưa tốt theo các quy định pháp luật, tuy nhiên vấn đề sở hữu trong NH này đã có những bước tiến quan trọng sau khi hợp nhất từ 3 NHTM. SCB cho biết, sẽ tính toán việc niêm yết trên sàn chứng khoán, nhưng phải ở giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu vào năm 2016.
Trên thực tế, cả những NH không nằm trong kế hoạch hợp nhất, sáp nhập và đã xây dựng phương án niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán chính thức từ trước giai đoạn khủng hoảng năm 2008 thì việc triển khai, hiện nay vẫn… bỏ lửng.
NH Đông Á (DongABank) là một trong những số đó. Mặc dù đã lên kế hoạch niêm yết trên HoSE từ nhiều năm trước và đã được ĐHCĐ thông qua, HĐQT NH này cho rằng, niêm yết là điều kiện cần thiết để minh bạch thông tin và tạo tính hấp dẫn cho cổ phiếu DongABank. Tuy nhiên, kế hoạch lên sàn chưa kịp thực hiện thì khủng hoảng tài chính khu vực và thế giới (năm 2008) xảy ra, chứng khoán sụt giảm khiến NH không mặn mà với việc lên sàn. NH Đông Á đã hoãn kế hoạch niêm yết vô thời hạn và chỉ niêm yết khi điều kiện thị trường thuận lợi, tránh thiệt hại cho cổ đông, nhất là cổ đông nhỏ.
Trong một diễn biến khác, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc NH Đông Á cho biết, NH này đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài trước khi đưa cổ phiếu lên sàn, thay vì muốn giữ nguyên “room” 20% cho NĐT ngoại trên sàn sau khi niêm yết. “Niêm yết là điều kiện cần thiết để minh bạch, song không có nghĩa là NH sẽ phải niêm yết bằng mọi giá, nếu cảm thấy bất lợi cho cổ đông” – ông Bình nói.
Trước bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, giá cổ phiếu NH có nhiều thời điểm rớt xuống dưới mệnh giá thì việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán khó thu hút được NĐT. NH Đông Á đang trong quá trình hoàn tất kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. “Đông Á đã là NH đại chúng nên mọi thông tin, hoạt động đều được công khai minh bạch qua báo cáo tài chính hàng quý, thông tin về ĐHCĐ…” - ông Bình cho biết thêm.
E ngại
Theo quy định hiện hành, các NH niêm yết sẽ phải thực hiện chế độ công bố thông tin định kỳ như: báo cáo tài chính được kiểm toán, thay đổi nhân sự, giao dịch của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ… công khai, rõ ràng. Các NH niêm yết sẽ phải tuân thủ nghiêm quy định của Luật DN. Đây là một áp lực lớn, cũng là điều mà nhiều NHTMCP còn e ngại. Chủ tịch một NHTMCP cho rằng, khi niêm yết, nếu không thận trọng có khi mất nhiều hơn được. Trường hợp Sacombank (STB) đã bị thâu tóm thông qua sàn chứng khoán làm các NHTM càng e ngại.
Theo Nghị định 108/2013/NĐ-CP của Chính phủ, DN huy động vốn từ công chúng sau một năm (bán cổ phần) phải tiến hành niêm yết cổ phiếu trên 2 sàn chứng khoán. Nếu không niêm yết, DN sẽ bị xử phạt nặng và cổ đông có quyền xin rút vốn. Với chế tài mạnh, trong vòng một năm kể từ khi chào bán chứng khoán, NH buộc phải niêm yết cổ phiếu.
Sự kiện NH Nam Việt (NVB) (sau đổi tên là NH Dân Quốc) xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để rút khỏi sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) năm 2013 cũng tạo tâm lý e ngại đối với các NHTM. Lãnh đạo NH này giải thích lý do hủy niêm yết là do giao dịch NVB trên sàn đã không đem lại hiệu quả như mong đợi. Thông thường niêm yết cổ phiếu là để đáp ứng một số mục tiêu như tăng vốn sở hữu, ổn định thanh khoản, nhưng NH Nam Việt đã không đạt được điều này. Trong khi hoạt động của NH Nam Việt những năm qua không mấy thuận lợi, vì trong quá trình tái cơ cấu NH này, các cổ đông lớn đang tiến hành thoái vốn.
Sức ép lớn từ nhiều phía đến với NH Nam Việt. Mặc dù niêm yết trên HNX, là mã chứng khoán ngành Ngân hàng duy nhất nằm trong rổ HNX 30, nhưng thị giá cổ phiếu không thể đạt tới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Thực tế, NVB không niêm yết cũng không tác động xấu đến “sức khỏe” của NH này, do khối lượng giao dịch không đáng kể, nên việc hủy niêm yết lại là một lối thoát có lợi, vì tạo điều kiện dễ dàng hơn cho NH gọi vốn từ đối tác nước ngoài, nâng cao năng lực tài chính trong quá trình tái cơ cấu.
Trên đây chỉ là một điển hình lỗi hẹn niêm yết và rời sàn chứng khoán, còn nhiều NHTM khác tại các kỳ ĐHCĐ những năm qua cũng đều có tờ trình cổ đông về niêm yết cổ phiếu. SouthernBank (PNB), HDBank có ý định niêm yết cổ phiếu trên HoSE cách đây vài năm. Tuy nhiên, Southern Bank có thể tan biến khi sáp nhập vào Sacombank. HDBank vẫn muốn chờ chứng khoán hồi phục, nhất là sau khi mua lại DaiABank (DAB) và Công ty Tài chính SGVF.
Tính đến thời điểm này, cả hai sàn HoSE và HNX mới có 8/40 mã cổ phiếu ngành NH niêm yết và giao dịch. Các ngân hàng niêm yết từ trước năm 2012 đã tận dụng khá tốt những lợi thế từ thị trường vốn này. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là thị giá nhiều mã chứng khoán đã giảm rất thấp so với lúc mới chào sàn.
Quỳnh Chi
thời báo ngân hàng
|