Gần 400 triệu đồng: Chị sếp BIDV chê… nhỏ
Giao dịch hơn 381 triệu đồng nhưng chị gái của một sếp BIDV vẫn chê nhỏ và “quên” thông báo.
Chê 380 triệu đồng… nhỏ
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV-mã BID) vừa công bố bản giải trình báo cáo giao dịch cổ phiếu của bà Lê Thị Kim Uyên, chị ruột của bà Lê Thị Kim Khuyên. Bà Khuyên hiện đang là ủy viên Hội đồng quản trị BIDV, cũng là cổ đông của BIDV. Bà Khuyên nắm giữ 30.828 cổ phiếu BID.
Theo giải trình, kể từ 24/1, ngày đầu tiên BID giao dịch trên sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh tới 12/3, bà Uyên đã giao dịch cả 2 chiều mua và bán BID. Cụ thể, tổng khối lượng bà Uyên mua vào là 16.000 đơn vị và bán ra 7.000 đơn vị. Trước khi giao dịch, bà Uyên không nắm giữ cổ phiếu nên hiện tại, bà Uyên đang có 9.000 cổ phiếu BID.
Bà Uyên cho biết, bà mua bán BID qua cả phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Điều đáng nói, dù tổng khối lượng giao dịch (cả 2 chiều mua và bán) lên tới 23.000 đơn vị nhưng bà Uyên lại “quên” công bố thông tin.
Theo lịch sử khớp lệnh, từ 24/1 tới 12/3, mức giá đóng cửa thấp nhất của BID là 16.500 đồng/CP. Nếu tính theo mức giá này, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu BID của bà Uyên đạt 380 triệu đồng. Giá trị cổ phiếu bà Uyên nắm giữ là 148,5 triệu đồng.
Ngày 12/3, bà Uyên đã có giải trình tới Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh và ngân hàng BIDV. Trong công văn giải trình, bà Uyên lý giải: “Do không thường xuyên giao dịch cổ phiếu BID nên tôi không nắm rõ các quy định về công bố thông tin của người có liên quan của cổ đông nội bộ theo thông tư số 52/2012/TT-BTC và đã sơ suất khi giao dịch cổ phiếu BID mà không thực hiện công bố thông tin”.
Bản giải trình của bà Uyên đánh giá: "Khối lượng giao dịch nhỏ, mục đích giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu chi tiêu cá nhân mà không ảnh hưởng tới giá cổ phiếu hay quyền lợi của các cổ đông khác".
380 triệu đồng có nhỏ?
Các nhà đầu tư lâu năm đều có chung nhận định trên thị trường chứng khoán, thông tin là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại. Vì vậy, thông tin xung quanh hoạt động của doanh nghiệp niêm yết, giao dịch của cổ đông lớn và các thành viên liên quan tới lãnh đạo doanh nghiệp ít nhiều tác động tới thị trường. Vấn đề quan trọng là xác định được mức độ tác động đó lớn tới đâu.
Trong trường hợp này, trừ phi Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh công bố giao dịch chi tiết của bà Uyên, nếu không, rất khó xác định mức độ ảnh hưởng của bà Uyên khi giao dịch 23.000 cổ phiếu BID.
Như đã thống kê ở trên, từ 24/1 tới 12/3, bà Uyên mua vào 16.000 và bán ra 7.000 cổ phiếu BID, tương đương ít nhất 380 triệu đồng. Khối lượng giao dịch bình quân trong một ngày của BID đạt khoảng 950.000 đơn vị.
So với 950.000 đơn vị, con số 16.000 có vẻ khá khiêm tốn. Vì thế, nếu xét theo tỷ trọng trong một ngày, thì mức độ ảnh hưởng của bà Uyên không lớn. Mức độ ảnh hưởng này càng nhỏ đi nếu bà Uyên "xé lẻ" lệnh mua bán. Tuy nhiên, nếu bà Uyên giao dịch theo lô lớn, tâm lý nhà đầu tư ít nhiều sẽ bị tác động
BIDV “mất” gần 6.200 tỷ đồng
Là một trong 4 ngân hàng lớn nhất Việt Nam nên thông tin về BIDV và cổ phiếu BID rất được nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, BID lại không được may mắn như cổ phiếu của một số ngân hàng khác. Kể từ 24/1, ngày BID chào sàn, BID trải qua 28 phiên giao dịch. Trong 28 phiên, số phiên giảm giá của BID là 13, đứng giá là 8, tăng giá là 7.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/3, BID dừng ở mức 16.500 đồng/CP. Như vậy, so với ngày chào sàn, BID đã giảm 2.200 đồng/CP. BID đi xuống khiến vốn hóa thị trường của BIDV “bốc hơi” 6.184,6 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng thời kỳ, cổ phiếu của một số ngân hàng khác như VCB, SHB, MBB,… đều tăng mạnh.
Có thể thấy, hiện tại, BID đang yếu thế so với những ngân hàng kể trên. Tuy nhiên, BID cũng được “an ủi” khi một số ngân hàng khác không có nhiều bước tiến trong thời gian qua dù VN-Index tăng mạnh, đó là EIB, CTG, ACB.
Hà Phương
VTC.vn
|