Dự án Spelendora: Hé lộ những “thỏa thuận” động trời
Báo Thanh tra đã có loạt bài viết xung quanh tố cáo của các khách hàng mua nhà tại Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Spelendora). Trong khi chưa nhận được hồi âm của chủ đầu tư dự án này cũng như các cơ quan chức năng có trách nhiệm thì mới đây, chúng tôi tiếp tục nhận được đơn thư của nhóm khách hàng đề nghị làm rõ nhiều bất thường trong quá trình An Khánh JVC thực hiện dự án.
Đã có thời điểm, tập thể khách hàng tại Spelendora tập trung biểu tình với băng rôn này.
Vi phạm về quản lý ngoại hối: Quá rõ!
Bà Nguyễn Thị Đông, đại diện nhóm khách hàng cho biết: Ngày 04/03/2014 chúng tôi đã nhận được Công văn số 14 ngày 28/02/2014 của Cty trả lời đơn tố cáo của khách hàng. Tuy nhiên, văn bản này khiến chúng tôi rất bức xúc. Cụ thể, Công văn của An Khánh JVC cho rằng, khi An Khánh JVC ký kết hợp đồng góp vốn (HĐGV) với khách hàng cuối năm 2009 (đầu năm 2010), Công văn 9861 của Ngân hàng Nhà nước chưa được ban hành (Công văn 9861 mà chúng tôi có đề cập trong bài viết trước ban hành ngày 21/12/2010 - PV). Do vậy, việc khách hàng cho rằng An Khánh JVC cố tình vi phạm qui định về ghi giá trong hợp đồng mua bán (HĐMB) là không hợp lý.
Bà Đông khẳng định, An Khánh JVC đang cố tình bao biện cho những việc làm vi phạm các qui định về quản lý ngoại hối. Bởi Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH ngày 13/12/2005 quy định “Mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo” không được thực hiện bằng ngoại hối. Tuy nhiên, trong giao dịch ký HĐGV vào thời điểm cuối năm 2009 đầu năm 2010, An Khánh JVC đã niêm yết đơn giá /m2 sàn xây dựng tương đương với 2000 USD/m2 (đối với biệt thự) và 1100 USD/m2 (đối với liền kề) là đã cố tình vi phạm Điều 22 của của Pháp lệnh nêu trên.
Khách hàng chỉ cho PV thấy cốt sân bằng cốt đường.
Cũng theo bà Đông, sau khi ký HĐMB, khách hàng đã gửi rất nhiều đơn thư đề nghị Cty giải trình việc tính sai tỷ giá nhưng không nhận được bất cứ một sự hồi âm nào bằng văn bản. Trong HĐGV đã xác định rõ “Giá bán được tính dựa trên tỷ giá bán ra của Đô la Mỹ do Vietcombank công bố ngày 23/12/2009. Tại thời điểm thanh toán các khoản tiền đến hạn, nếu tỷ giá bán ra của Đô la Mỹ do VCB công bố được điều chỉnh tăng, khách hàng phải thanh toán khoản tiền chênh lệch tỷ giá”. Như vậy, nếu có, khách hàng của An Khánh JVC chỉ phải “thanh toán khoản tiền chênh lệch tỷ giá” chứ không phải “tính thêm yếu tố biến động gíá nguyên vật liệu, trượt giá, lạm phát thông thường và một số yếu tố hợp lý khác” nhằm nâng giá nhà lên cao một cách vô lí như trả lời của An Khánh!
Chi trả ngầm cho lỗi không bàn giao phần thô
Về nội dung An Khánh JVC vi phạm các điều khoản của hợp đồng về việc bàn giao phần thô cho khách hàng mà chúng tôi đã nhiều lần đề cập, bà Nguyễn Thị Mai bổ sung thêm: Theo Điều 3.3(b) và Điều 5.1 của HĐMB, việc bàn giao phần thô là trách nhiệm và nghĩa vụ của An Khánh JVC để xác định thời điểm khách hàng nộp tiền giai đoạn 2, tương đương 70% giá trị hợp đồng. Nghĩa vụ đóng tiền đợt 2 chỉ phát sinh khi khách hàng nhận được thông báo hoàn tất phần thô. Đến nay, khách hàng chưa nhận được thông báo đó thì đương nhiên nghĩa vụ nộp tiền đợt 2 chưa phát sinh.
Cũng theo bà Mai, Công văn số 1626 ngày 25/02/2013 của An Khánh JVC gửi cho rất nhiều khách hàng nêu “Chúng tôi xin lưu ý, việc bàn giao phần thô của căn nhà chỉ được thực hiện ngay sau khi khách hàng đã thanh toán đợt 2” là không đúng với quy định tại Điều 5.1 trên đây. Mặt khác, từ tháng 8/2011 đến tháng 1/2012, An Khánh JVC liên tục gửi thông báo nộp tiền cho khách hàng, ráo riết ép khách hàng nộp tiền mà không hề gửi cho khách hàng thông báo hoàn tất phần thô. Mặc dù một số khách hàng đã nộp đủ 70% tiền đợt 2 nhưng vẫn không được An Khánh JVC bàn giao phần thô mà Cty tự ý hoàn thiện nhà.
Bằng chứng điển hình cho thấy An Khánh JVC mâu thuẫn trong các văn bản gửi các cơ quan Trung ương là từ tháng 08/2011, An Khánh JVC đã liên tục gửi thông báo ép khách hàng nộp tiền nhưng đến cuối tháng 06/2012 mới gửi “Thông báo cải tạo nhà”. Do vậy, không thể coi Thông báo cải tạo nhà là văn bản thông báo về việc hoàn thiện phần thô. Rõ ràng, An Khánh JVC đã chiếm dụng vốn bất hợp pháp của những khách hàng đã đóng 70% trong suốt thời gian dài, gây thiệt hại nặng nề.
Nhóm phóng viên chúng tôi cũng được cung cấp nhiều tài liệu, bằng chứng cho thấy An Khánh JVC đã chi trả ngầm để đạt được thỏa thuận im lặng của một nhóm khách hàng về lỗi không bàn giao phần thô. Cụ thể, ngay khi phát hiện ra việc An Khánh JVC vi phạm các điều khoản hợp đồng và có nhiều đơn đề nghị không được giải quyết, tập thể các khách hàng của An Khánh JVC đã làm đơn khởi kiện tại Tòa án. Tuy nhiên, trong quá trình Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức thụ lý và giải quyết vụ án này, chỉ có một nhóm rất ít khách hàng được chi trả một khoản tiền không nhỏ để rút đơn kiện. Chị C, khách hàng trong nhóm được chi trả tiền cho biết: Dưới sự chủ trì của Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức, chúng tôi đã được đại diện An Khánh JVC chi trả tiền mà không phải ký vào bất kỳ biên bản hòa giải hay chứng từ nào. Người nhiều nhất được nhận trên 200 triệu đồng. Người ít nhất được nhận trên 100 triệu đồng. Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn ký vào một bản kê excel về số tiền và một giấy xác nhận tách rời. Tuy nhiên, chỉ có 2 người ký. Số còn lại, chúng tôi không ký và sau đó liên tục nhận được tin nhắn của Thẩm phán Tòa án đề nghị gửi giấy xác nhận cho An Khánh JVC và chúng tôi gửi giấy xác nhận này đến An Khánh JVC qua đường công văn.
Chủ đầu tư cũng chưa… dám nhận nhà
Chưa hết chuyện bất bình, khách hàng Đặng Thị Hà còn cho chúng tôi biết, dù vi phạm các điều khoản hợp đồng, vi phạm pháp luật gây thiệt hại nghiêm trọng đến khách hàng và vi phạm về tiến độ bàn giao nhà nhưng An Khánh JVC lại ráo riết ép khách hàng nộp lãi (vì chậm nộp). Cụ thể, theo tiến độ, An Khánh JVC phải bàn giao nhà cho khách hàng từ tháng 6/2013 nhưng đến nay, các căn hộ của nhóm khách hàng đứng đơn chưa hề được An Khánh JVC nhận bàn giao từ nhà thầu vì lý do chất lượng xây dựng kém. Mặt khác, tất cả các yêu cầu của khách hàng tại các biên bản kiểm tra nhà không hề được An Khánh khắc phục. Cụ thể, Biên bản kiểm tra nhà ngày 25/9/2013 của bà Hà đã chỉ ra khoảng 50 lỗi cần khắc phục nhưng đến ngày 25/2/2014, toàn bộ lỗi này vẫn nguyên si. Theo bà Hà, Biên bản kiểm tra nhà của gia đình bà có đầy đủ xác nhận của chủ đầu tư - nhà thầu - khách hàng về những hạng mục cần được thay thế, sửa chữa. Điều đó có nghĩa là An Khánh JVC không có tinh thần thiện chí hợp tác với khách hàng.
Một trong những xác nhận về việc An Khánh chi trả ngầm cho khách hàng.
Bà Mai cũng cho biết, mới một số rất ít dân cư đến ở nhưng tình trạng mất nước và mất điện thường xuyên xảy ra. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa đảm bảo, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống… Do vậy, có đủ điều kiện để khẳng định rằng, những căn nhà của chúng tôi chưa đủ điều kiện để bàn giao và không có cơ sở để khách hàng đóng tiền. An Khánh JVC đã bàn giao chậm tiến độ buộc phải bồi thường thiệt hại cho chúng tôi theo Điều 7.4 của HĐMB đã kí kết với hai bên.
Ông Lương Thanh Tú bức xúc: Chúng tôi kiên quyết yêu cầu Cty An Khánh JVC phải thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng và yêu cầu An Khánh JVC hoàn toàn chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại do việc làm trái các quy định của hợp đồng gây ra; Tổ chức hội nghị khách hàng với sự chủ trì của Tổng Giám đốc và Hội đồng quản trị để đối thoại bình đẳng, minh bạch tất cả những vướng mắc còn tồn tại đã nêu trong đơn tố cáo của khách hàng. Đồng thời, đề nghị Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra toàn diện dự án để làm rõ những sai phạm trên của An Khánh JVC.
Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại với câu chuyện lình xình tại An Khánh.
Đan Quế
Thanh tra
|