Cổ đông Masan có gì từ hơn ngàn tỷ lợi nhuận?
Thuộc top 2 doanh nghiệp niêm yết có tổng tài sản khổng lồ, nhưng hơn 4 năm kể từ khi niêm yết (11/2009), lợi nhuận của CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) dường như đang ngày càng đi xuống và đặc biệt “phần bánh” dành cho cổ đông của MSN “teo tóp” mạnh.
Lợi nhuận Tập đoàn Masan qua các năm (Triệu đồng)
Lãi dồn cho cổ đông… thiểu số
Có khối lượng tổng tài sản khổng lồ và mức vay nợ cũng đứng thứ hai trong tất cả các công ty cổ phần niêm yết, nhưng hiệu quả hoạt động của MSN lại chỉ xếp thứ 17 về lợi nhuận sau thuế.
Kết thúc năm 2013, MSN thực hiện được 1,297 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất (1), giảm 33% so với năm 2012 và chỉ bằng 36% kế hoạch năm (3,650 tỷ đồng). Không những vậy, xét ra thì con số lợi nhuận này chủ yếu lại thuộc về nhóm cổ đông thiểu số(2) với “miếng bánh” gấp đôi cổ đông công ty mẹ(3). Cụ thể, lãi phân bổ cho cổ đông thiểu số là 867 tỷ đồng, còn phần của cổ đông công ty mẹ (tức cổ đông đang sở hữu cổ phần MSN) chỉ 429.7 tỷ đồng. Đây cũng là một sự thay đổi mạnh bởi các năm trước lợi ích cổ đông thiểu số luôn nhỏ hơn.
Phân chia "miếng bánh" lợi nhuận Tập đoàn MSN năm 2013
Theo thông tin từ BCTC của MSN, trong năm 2013, MSN đã “nhập” thêm hai công ty con cho lĩnh vực đồ uống là Nước khoáng Vĩnh Hảo (Vinhhao) và TMDV&SX Krôngpha đều cùng mức sở hữu 49.2%. Trong đó, thương vụ mua Krôngpha do Vĩnh Hảo thực hiện vào cuối năm 2013 với 99,998 cp, tương ứng tổng số tiền hơn 47.5 tỷ đồng và tỷ lệ Vĩnh Hảo nắm giữ gần như 100%. Được biết, Krôngpha trước đây chỉ hoạt động dịch vụ, riêng sản xuất nước khoáng chưa phát huy bởi thiếu vốn, công suất nhà máy 14 triệu lít/năm (theo thông tin từ UBND tỉnh Ninh Thuận).
Có thể thấy, lợi nhuận thuộc về cổ đông MSN (màu hồng) giảm liên tục theo thời gian, và đặc biệt có sự thay đổi lớn trong năm 2013. So với năm 2012 thì khoản lợi nhuận năm này sụt giảm tới 66% so với mức 1,260 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 430 tỷ đồng. Ngược lại, phần lợi ích cổ đông thiểu số tăng dần đều theo thời gian và đang hướng về ngưỡng ngàn tỷ và chính thức lấn áp “miếng bánh” của cổ đông MSN từ năm 2013.
So sánh lợi nhuận sau thuế của cổ đông MSN qua các năm (Đvt: Triệu đồng)
Nợ vay ngất ngưởng hơn 18,700 tỷ đồng
MSN cũng là một trường hợp rất đặc biệt trên sàn chứng khoán vì 4 năm qua chưa từng “nhỏ” một đồng cổ tức nào cho cổ đông. Bên cạnh đó, công ty cũng liên tục gia tăng các khoản vay nợ. Tính đến hết năm 2013, tổng nợ của MSN lên đến hơn 56,255 tỷ đồng (hệ số DER 155%); riêng nợ vay là 18,700 tỷ đồng.
Nợ vay của MSN tăng mạnh từ mức 14,440 tỷ đồng của năm 2012 lên tới 18,703 tỷ đồng trong năm 2013 với sự gia tăng đột biến gần gấp 4 lần từ nợ vay ngắn hạn (6,636 tỷ đồng). Chi tiết các khoản vay của MSN không được công bố trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2013.
Cũng theo đó, chi phí tài chính trong năm của MSN tăng gấp đôi so với năm 2012. Phần lãi trả cho cho ngân hàng và trái chủ, mỗi khoản tương đương khoảng 200 tỷ đồng. Ngoài ra, khoản chi phí tài chính khác của MSN cũng bất ngờ tăng mạnh gấp 8 lần so với năm trước tại 170 tỷ đồng.
Tình hình vay nợ của MSN từ khi niêm yết
Trong năm 2013, MSN xếp vị trí thứ hai trên sàn chứng khoán về số nợ vay, chiếm gần 1/11 tổng vay nợ toàn thị trường. Thông tin gần đây cho thấy, Công ty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Thái Nguyên - TNTI (một công ty con cấp ba do MSN nắm 76.2% vốn), đang sở hữu 15% cổ phần của mỏ Núi Pháo, hiện đang lên kế hoạch chào bán 6,800 tỷ đồng trái phiếu cho một nhóm các nhà đầu tư. Trong báo cáo của VCSC, VCSC dẫn lời MSN cho biết đang xem xét khả năng tái cơ cấu các khoản nợ vì mỏ Núi Pháo đã đi vào sản xuất và kinh doanh vonfram, florit và đồng (VCSC ước tính sẽ ghi nhận 20 triệu USD doanh thu trong quý 1/2014). Tuy nhiên, kế hoạch phát hành trái phiếu hiện đang ở giai đoạn ban đầu và MSN vẫn chưa có chi tiết cụ thể được quyết định.
Được biết, lần gần nhất MSN phát hành trái phiếu là vào tháng 8/2013 với tổng giá trị 2,200 tỷ đồng. Số trái phiếu này được phát hành cho nhà đầu tư trong nước, với lãi suất trong năm đầu tiên là 12%, năm thứ hai là 12.5% và năm cuối là lãi suất huy động trung bình cộng biên 4%. Lãi suất trung bình thực tế hiện nay của các trái phiếu do MSN phát hành cho nhà đầu tư trong nước là 12.4%.
Dường như việc sử dụng công cụ nợ là trái phiếu rất được MSN “ưa chuộng”. Tuy nhiên với mặt bằng lãi suất đã được hạ xuống khá nhiều trong thời gian qua thì việc MSN phát hành quá nhiều trái phiếu với lãi suất cao sẽ khiến chi phí lãi vay tăng cao và ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty.
-----------------------------------------------------------------------
(1) Lợi nhuận sau thuế hợp nhất (Net profit after tax): Là lợi nhuận chịu thuế sinh ra từ các hoạt động doanh nghiệp trừ đi khoản thuế thu nhập doanh nghiệp được hình thành dựa trên cơ sở đã hợp nhất báo cáo tài chính của công ty mẹ và các công ty con.
(2) Lợi ích của cổ đông thiểu số (Minority interest). Theo giải thích từ UBCKNN thì đây là một khoản mục nằm trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ (gồm một hoặc nhiều công ty con) nhằm phản ánh phần tài sản hoặc thu nhập của công ty con. Điều này cũng phù hợp với thông lệ kế toán quốc tế để đảm bảo phân biệt rõ lợi ích của các cổ đông thiểu số tại công ty con trong tổng thể lợi ích chung của cả nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ, khi hợp nhất báo cáo tài chính.
Theo định nghĩa tại Chuẩn mức kế toán Việt Nam số 25 (Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con), thì “lợi ích của cổ đông thiểu số là một phần thuộc kết quả hoạt động thuần và giá trị tài sản thuần của một công ty con được xác định tương ứng cho các phần lợi ích không phải do công ty mẹ sở hữu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các công ty con”.
(3): Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (Profit after tax for shareholders of parent company): Là phần lợi nhuận ròng của các chủ sở hữu công ty mẹ sau khi đã loại bỏ lợi ích cổ đông thiểu số. Và chủ sở hữu công ty mẹ trong trường hợp của bài viết là nhà đầu tư nắm giữ cổ phần MSN.
Minh An
Công lý
|