Chủ tịch Horea: Nên cho doanh nghiệp chuyển nhượng một phần dự án
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM (Horea) cho biết, Horea vừa có văn bản gửi tới UBND TPHCM và Bộ Xây dựng góp ý Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi. Theo ông Châu, Nhà nước đang can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN, nhất là quyền chuyển nhượng dự án BĐS.
Ông Châu khẳng định, Luật kinh doanh BĐS hiện nay chưa tạo được hành lang pháp lý đồng bộ và có tính điều chỉnh cao để điều tiết thị trường BĐS theo hướng minh bạch, lành mạnh và phát triển ổn định, bền vững. Rất nhiều bất cập như chỉ cho chuyển nhượng toàn bộ dự án chứ không cho chuyển nhượng một phần dự án.
Nên cho phép chủ đầu tư sau khi hoàn thành bồi thường GPMB thì được huy động vốn
|
“Việc quy định chỉ cho chuyển nhượng dự án trong trường hợp chủ đầu tư gặp khó khăn, không đủ điều kiện hoặc không còn nhu cầu để tiếp tục thực hiện dự án thì mới được chuyển nhượng dự án là can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN.
Đáng lẽ ra, cần coi việc chuyển nhượng dự án hoặc chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động kinh doanh bình thường (M&A) của DN (không cần xét đến yếu tố dự án có khó khăn hoặc không còn nhu cầu thì mới cho chuyển nhượng dự án).
Phát triển kinh doanh BĐS là một chuỗi các hoạt động đầu tư theo nhiều giai đoạn như: Công đoạn bồi thường GPMB; công đoạn quy hoạch thiết kế; công đoạn xây dựng cơ sở hạ tầng; công đoạn đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc theo quy hoạch thiết kế được duyệt để kinh doanh.
Luật kinh doanh BĐS cần tôn trọng quyền và ý chí của chủ đầu tư dự án là có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án ở bất kỳ giai đoạn đầu tư nào theo nhu cầu đầu tư kinh doanh của DN nhưng phải đăng ký việc chuyển nhượng với cơ quan có thẩm quyền và nộp thuế theo quy định”, ông Lê Hoàng Châu nói.
“Cũng có quan điểm lo ngại việc chuyển nhượng dự án sẽ dẫn đến tăng giá BĐS đến tay người tiêu dùng nhưng thực tế cho thấy thị trường chỉ chấp nhận giá bán BĐS phù hợp với giá cả phổ biến của BĐS cùng loại trên thị trường chứ không phải DN dễ dàng tự ý nâng giá được”, ông Châu cho biết thêm.
Ngoài ra, cũng theo ông Châu, nên cho phép chủ đầu tư được huy động vốn của khách hàng tại thời điểm đã hoàn thành công tác bồi thường GPMB, dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 (hoặc quy hoạch tổng mặt bằng) vì đây là lúc DN đã đầu tư một khoản tiền rất lớn để GPMB nên rất cần bổ sung vốn tại thời điểm này.
Đáng chú ý, ông Châu cho rằng, Luật kinh doanh BĐS hiện nay cho phép chủ đầu tư nhận tiền ứng trước của khách hàng khi mua BĐS nhưng chưa có chế tài đủ hiệu lực để bắt buộc chủ đầu tư chỉ được sử dụng vốn huy động trước của khách hàng đúng mục đích để hoàn thành BĐS giao cho khách hàng theo hợp đồng.
Chính vì vậy, Horea kiến nghị luật cần được sửa đổi theo hướng phải có cơ chế cụ thể bao gồm các chế tài cần thiết để bắt buộc chủ đầu tư phải sử dụng vốn huy động của khách hàng đúng mục đích để hoàn thành BĐS bàn giao cho khách hàng. Các biện pháp có thể là chuyển tiền huy động vào “tài khoản đóng” của NH và chỉ được giải ngân theo tiến độ thi công công trình theo giai đoạn có sự giám sát của NH và đại diện khách hàng.
Song Minh
lao động
|