BKC: Thua lỗ tại nhiều dự án
Việc Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Khoáng sản Bắc Kạn (HOSE: BKC) Mai Văn Bản điều hành hoạt động kinh doanh tại 8 dự án đầu tư không có hiệu quả dẫn tới thua lỗ kéo dài, nợ lương và bảo hiểm xã hội của công nhân khiến đời sống người lao động khó khăn là đúng thực tế!
Gần đây UBND huyện Ngân Sơn đã phải chi gần 400 triệu đồng từ ngân sách để dẹp loạn vàng tặc tại mỏ vàng Pác Lạng .
|
Đó là một những nội dung được Thanh tra tỉnh Bắc Kạn đưa ra trong Kết luận thanh tra số 486/KL-TTrT về việc thanh tra các nội dung tố cáo đối với ông Mai Văn Bản - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn trong việc chấp hành các chính sách, pháp luật về sử dụng lao động và các nguồn lực khác trong quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản.
Đầu tư là lỗ
Qua kiểm tra hồ sơ lưu tại Phòng Kế toán, đoàn thanh tra xác định tại thời điểm 31/3/2013 tổng nguồn vốn và giá trị tài sản của công ty là 135.593.099.931 đồng (trong đó nợ phải trả là 64.558.438.751 đồng). Công ty đã đầu tư tổng cộng vào 8 dự án thì tất cả đều không có hiệu quả, đa số “ném” tiền vào dự án nhưng không phát sinh doanh thu, thậm chí lỗ nặng.
Cụ thể như đầu tư xây dựng tại Nhà máy Luyện chì Bằng Lũng, Chợ Đồn với số tiền trên 30 tỷ đồng. Nhà máy khởi công từ năm 2007 nhưng đến ngày 31/3/2013 vẫn chưa phát sinh doanh thu. Đến ngày 6/8/2012 công ty ký Hợp đồng số 52/HĐTNXTB cho Công ty Cổ phần Luyện kim Vĩnh Phát thuê toàn bộ với giá 5 tỷ đồng/năm. Nhưng đến thời điểm thanh tra, Công ty Vĩnh Phát vẫn chưa trả tiền thuê năm 2013 cho Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn!
Cùng chung thảm cảnh kinh doanh không phát sinh doanh thu là các dự án mà công ty góp vốn vào như Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Du lịch Bó Nặm ngót 1 tỷ 500 triệu đồng; góp vốn khai thác khoáng sản tận bên Lào ngót 4 tỷ; góp vào xây dựng Nhà máy Xi măng Chợ Mới 2 tỷ 600 triệu nhưng nay đã phải dỡ bỏ; xây dựng Nhà máy Xử lý chất rắn huyện Chợ Đồn hơn 9 tỷ…
Tổng cộng gần 50 tỷ đã được phía Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn mạnh tay chi đầu tư, nhưng tính đến ngày 31/3/2013 thì không hề phát sinh một đồng doanh thu nào!
Nghiêm trọng hơn là hai dự án có phát sinh doanh thu là Nhà máy Chế biến rau quả, nước giải khát Bắc Kạn và Nhà máy Nước khoáng AVA tổng đầu tư lên đến hơn 30 tỷ đồng thì đã lỗ hơn 10 tỷ đồng sau vài năm hoạt động.
Khai thác vàng trái phép núp bóng góp vốn
Ngày 1/9/2011, UBND tỉnh Bắc Kạn ra Thông báo số 99/TB-UBND với nội dung “giao UBND huyện Ngân Sơn chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn bảo vệ khu vực mỏ vàng Pác Lạng cho đến khi UBND huyện Ngân Sơn tìm được đối tác mới để chuyển giao”.
Nhận được công văn, ngày 7/9/2011, Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn ra Thông báo số 220/TB-KS về phương án huy động vốn để thực hiện công tác bảo vệ kết quả thăm dò tại Mỏ vàng Pác Lạng. Đến thời điểm này, mỏ vàng còn chưa chính thức giao cho ai, nhưng căn cứ vào Giấy phép thăm dò khoáng sản đã hết hạn, ông Mai Văn Bản đã đứng ra chỉ đạo cán bộ huy động vốn trái phép với 2 tổ chức, 46 cá nhân để thu số tiền 8,95 tỷ đồng không đúng quy định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý, cũng như không có sự thống nhất của các thành viên HĐQT Công ty.
Việc làm tùy tiện mang tính cá nhân của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Mai Văn Bản đã để lại hậu quả nghiêm trọng khi các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn đã tự "nhảy" vào khu vực mỏ vàng Pác Lạng để dựng lán trại, đưa người, máy phát điện, đầu nổ, máy nghiền đá khai thác khoáng sản trái phép, trực tiếp gây ra việc mất ổn định về trật tự địa phương.
Việc tùy ý mang tính cá nhân đã gây ra nạn “quặng tặc” phức tạp trong gần một năm trời khiến UBND huyện Ngân Sơn đã phải bỏ ra 386 triệu đồng từ ngân sách để 4 lần tổ chức phương án, lực lượng tiến hành giải tỏa, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Đặc biệt, theo cơ quan thanh tra, Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn đã khai thác tại mỏ Nà Bốp từ 1/6/2005 và mỏ Pù Sáp từ tháng 3/2007 đến ngày 18/3/2011 dựa trên các văn bản và quyết định gia hạn trái luật của một lãnh đạo tỉnh ký. Sản lượng quặng nguyên khai thác trái quy định trong thời gian này lên tới 216.059.472kg với trị giá theo biểu giá của tỉnh là 246,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, quá trình khai thác tại các mỏ này, công ty còn được “hưởng lợi” 1,5 tỷ đồng do được một số cán bộ Cục Thuế “tính sai” thuế tài nguyên và được “quên” nộp tiền thuê đất với số tiền đáng phải nộp cho Nhà nước là 548 triệu đồng.
Kiến nghị của Thanh tra tỉnh bị lãng quên?
Trước khi Thanh tra tỉnh Bắc Kạn vào cuộc thì đã có nhiều đơn thư của người lao động gửi tới cơ quan chức năng tố cáo hàng loạt sai phạm “động trời” tồn tại tại Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn nhưng gần như các lá đơn đều bị rơi vào im lặng. Chỉ đến khi Chính phủ có ý kiến thì UBND tỉnh Bắc Kạn mới rốt ráo chỉ đạo Thanh tra tỉnh vào cuộc và chỉ ra hàng loạt sai phạm nổi cộm tại công ty này.
Nguyên nhân chính của những tồn tại, sai phạm nêu trên là do cách điều hành, chỉ đạo của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Mai Văn Bản đã không chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thanh tra tỉnh Bắc Kạn cũng kiến nghị UBND tỉnh Bắc Kạn phải xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với những cá nhân để xảy ra sai phạm. “Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và kiến nghị xem xét xử lý theo quy định của Đảng đối với ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh trong việc ký các văn bản và quyết định có nội dung không đúng quy định. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo và yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể và các cá nhân, gồm ông Triệu Đức Hiệp - nguyên Giám đốc Sở, ông Ngô Văn Viện và ông Trần Nguyên - Phó Giám đốc Sở trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản và quyết định nội dung không đúng quy định…” - Kết luận thanh tra số 486 ngày 29/11/2013 của Thanh tra tỉnh Bắc Kạn nêu.
Tuy nhiên, tính đến nay sau gần 4 tháng ban hành kết luận, việc xử lý các cá nhân để xảy ra sai phạm vẫn “dậm chân” tại chỗ? Trao đổi với báo chí, ông Hà Văn Hùng, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Kạn cho biết, mặc dù đã có kết luận thanh tra gần 4 tháng nhưng vẫn không thấy UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xử lý theo kết luận và kiến nghị của Thanh tra tỉnh. Ông Hùng cũng cho biết thêm, hiện sự việc vẫn đang chờ UBND tỉnh xử lý nhưng chưa biết đến khi nào mới thực hiện?
Đức Tôn
Báo Thanh Tra
|